Chính sách đổi mới mô hình chợ truyền thống
TTTM kết hợp chợ truyền thống Đô Lương là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh Nghệ An, được đầu tư với số vốn lên đến 330 tỷ đồng. Với sức tiêu thụ lên đến hàng nghìn mặt hàng cùng điều kiện kinh doanh thuận lợi, đây là công trình thay thế cho chợ Đô Lương cũ đã xuống cấp do có tuổi đời đã hơn 30 năm, không còn đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm để hoạt động.
Theo đánh giá của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), chợ đầu mối có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Chợ là nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của nhân dân; đồng thời tạo công ăn việc làm, gia tăng cơ hội sinh kế cho người dân và tạo nguồn thu cho ngân sách. Theo Quyết định 6481/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, hiện nay Việt Nam đã có 14 chợ đầu mối hiện hành, đưa ra kế hoạch cải tạo nâng cấp 19 chợ đầu mối từ nay tới 2025 và xây dựng mới 55 chợ đầu mối.
Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Công Minh – đại diện chủ đầu tư Hợp tác xã đầu tư, xây dựng quản lý và khai thác chợ Hải An – Đô Lương cho biết, việc xây dựng TTTM kết hợp chợ truyền thống Đô Lương là đúng với chủ trương, chính sách đổi mới chợ của Bộ Công thương và Nhà nước. Chợ mới sau khi đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò chợ đầu mối phía Tây Nghệ An, cung cấp hàng hóa cho ít nhất 6 huyện lân cận của Đô Lương là Tân Kỳ, Anh Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Yên Thành, Thanh Chương, đẩy mạnh nguồn thu cho bà con tiểu thương đồng thời là bệ phóng phát triển nền kinh tế huyện Đô Lương.
Có mặt trong buổi tham quan công trường dự án TTTM kết hợp chợ truyền thống Đô Lương, chị Nguyễn Thị Tâm (xã Tràng Sơn, Đô Lương) chia sẻ cảm xúc phấn khởi: “Tôi hiện đang buôn bán hoa quả tại chợ Đô Lương cũ, nhưng vì hệ thống PCCC và chống nóng, chống mưa của chợ không đảm bảo, điều kiện buôn bán rất khó khăn. Được biết chợ mới được đầu tư bài bản về xây dựng cũng như quản lý nên những tiểu thương chợ cũ như tôi đã đăng ký các ki-ốt, hi vọng sau này việc buôn bán sẽ đỡ vất vả và có nhiều khách hơn, gia tăng nguồn thu nhập”.
Ông Trần Đức Tuấn (xã Đặng Sơn, Đô Lương) cho biết: “Tôi có con gái hiện đang ở Hàn Quốc và dự kiến sắp tới sẽ về Việt Nam và kinh doanh tại chợ. Tôi thấy TTTM kết hợp chợ truyền thống Đô Lương có vị trí đẹp ngay quốc lộ 7, quy mô lớn, các hệ thống PCCC và ATVSTP đều đảm bảo. Đặc biệt dự án thi công rất nhanh chóng, các công nhân làm việc cẩn thận, công trình được sử dụng những chất liệu tốt nên tôi hoàn toàn yên tâm”.
Giới thiệu về dự án, ông Nguyễn Công Minh khẳng định: “Dự án đang được kiểm soát với tiến độ và chất lượng đúng với cam kết của chủ đầu tư. Hiện công đoạn xây thô đã hoàn thành 50% khối lượng công việc, dự kiến sẽ xong toàn bộ ki-ốt trong tháng 6/2020. Các vật liệu xây dựng cũng như trang trí bên ngoài đều bám sát với thiết kế, được kiểm định chất lượng kỹ lưỡng qua những đơn vị uy tín. Sau khi hoàn thiện, ban quản lý chợ cũ sẽ cùng CĐT xây dựng TTTM kết hợp chợ Đô Lương trở thành ngôi chợ sầm uất nhất Tây Nghệ An, cùng đồng hành với bà con trong mọi hoạt động kinh doanh cũng như đóng góp vai trò không nhỏ để phát triển huyện Đô Lương giàu mạnh”.