(Baonghean) Ngày 11/7/2012, Báo Nghệ An đăng bài “Quyên tiền từ thiện không có hoá đơn chứng từ liệu có đến tay các cháu khuyết tật?” phản ánh việc làm sai trái của 2 cán bộ Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ tàn tật Việt Nam đã đến một số cơ quan, đơn vị ở Nghệ An vận động ủng hộ tiền giúp đỡ trẻ em mà không có hóa đơn, chứng từ, không chuyển tiền vào tài khoản trung tâm. Sau khi báo phát hành, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã có văn bản gửi về Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ tàn tật Việt Nam yêu cầu làm rõ sự việc.

Sau khi làm rõ nội dung yêu cầu của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về sự việc ở tỉnh Nghệ An, ngày 27/7, Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ tàn tật Việt Nam đã có công văn giải trình như sau:

Tháng 6/2012, anh Tô Ngọc Viết là nhân viên tình nguyện của Trung tâm có đề nghị Trung tâm cho vào tỉnh Nghệ An vận động một số cơ quan, ban, ngành quen biết có điều kiện hỗ trợ cho trẻ em và học sinh hiện đang được chăm sóc, nuôi dạy và đào tạo tại Trung tâm.

Khi đến các cơ quan đơn vị liên hệ vận động, anh Viết đã tự ý trình bày xin kinh phí để mổ tim cho anh Sùng A Páo là đối tượng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng được Trung Tâm cưu mang giúp đỡ. Đó là việc làm do cá nhân anh Viết tự đưa ra, lãnh đạo Trung Tâm hoàn toàn không biết.

Về việc làm sai trái của anh Tô Ngọc Viết, Trung tâm đã yêu cầu viết bản tường trình. Bước đầu đã xử lý đình chỉ công tác và yêu cầu nộp lại số tiền mà anh Viết đã vận động được từ các đơn vị của Nghệ An ủng hộ. Mặc dù chúng tôi thường xuyên nhắc nhở, giáo dục và giám sát tích cực những việc làm của cán bộ nhân viên trong Trung tâm, nhưng đáng tiếc đã để xảy ra việc làm sai phạm tại Nghệ An, chúng tôi tự thấy có một phần trách nhiệm về quản lý cán bộ của lãnh đạo Trung tâm.

Chúng tôi xin có 2 ý kiến đề xuất:

- Số tiền được các đơn vị của Nghệ An ủng hộ  là 16.900.000 đồng, nếu được các đơn vị đồng ý để lại cho chúng tôi sử dụng vào việc chăm sóc nuôi dạy và đào tạo các em thì chúng tôi sẽ có phiếu thu và thư cảm ơn gửi đến các đơn vị làm chứng từ thanh toán. Và số tiền này được sử dụng đúng mục đích đến trẻ em khuyết tật.

- Nếu các đơn vị không nhất trí ủng hộ thì chúng tôi xin hoàn lại 100%.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn những đơn vị đã quan tâm ủng hộ và đã phát hiện kịp thời việc làm sai phạm của nhân viên Trung tâm. Đây cũng là bài học để chúng tôi nghiêm khắc rút kinh nghiệm về công tác quản lý CBCNV.

Báo Nghệ An cho rằng, mặc dù trả lời của Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ tàn tật Việt Nam đã thẳng thắn nhận rõ những sai phạm của cán bộ và trách nhiệm của Trung tâm trong sự việc này, tuy nhiên vấn đề xử lý vẫn chưa nghiêm minh.

Thứ nhất: Trong quá trình đi quyên góp ở Nghệ An có 2 cán bộ, trong khi Trung tâm chỉ xử lý đình chỉ 1 cán bộ.

Thứ hai: 2 cán bộ này không những quyên góp ở địa bàn Nghệ An mà còn đi quyên góp ở tỉnh Thanh Hoá, cần điều tra làm rõ số tiền quyên góp ở Thanh Hoá và có hoạt động ở tỉnh nào khác nữa không?

Thứ ba: Thực chất, 2 cán bộ đã thu được số tiền quyên góp ở Nghệ An là trên 20 triệu đồng, chưa kể là quyên góp ở Thanh Hoá, vì vậy con số 16.900.000 đồng Trung tâm thu hồi là chưa chính xác.

Thứ tư: Theo Nghị định của Chính phủ số 148/2007/NĐ-CP ngày 29/5/2009 về tổ chức hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, đơn vị, tổ chức vận động tài trợ không đúng mục đích được quy định trong điều lệ. Điều này ngoài việc bị tạm đình chỉ hoạt động, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, Quỹ có thể bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại, những người có trách nhiệm quản lý quỹ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy mà giám đốc Trung tâm dạy nghề nhân đạo tạo việc làm cho trẻ tàn tật Việt Nam Trần Duyên Hải vẫn đề xuất: “Số tiền được các đơn vị của Nghệ An ủng hộ 16.900.000 đồng  nếu được các đơn vị đồng ý để lại cho chúng tôi sử dụng vào việc chăm sóc nuôi dạy và đào tạo các em”.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần mở rộng điều tra về hoạt động của Trung tâm này, đặc biệt là việc cán bộ ở Trung tâm này đi quyên tiền từ thiện khắp mọi miền Tổ quốc hầu hết đều chỉ bằng “ghi sổ” không có hóa đơn, chứng từ. Không thể để các đối tượng này lợi dụng lòng nhân ái để làm ăn bất chính.

Đồng thời, qua sự việc này cho thấy các cơ quan, ban, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp cần phải xây dựng và chấp hành các quy định về quản lý tài chính của đơn vị một cách chặt chẽ, đúng pháp luật.


Báo Nghệ An