(Baonghean) - Hơn 30 năm nay, Trung tâm chỉnh hình - Phục hồi chức năng Vinh là nơi gửi gắm niềm tin của hàng nghìn thương, bệnh binh, người khuyết tật của Nghệ An và nhiều tỉnh khác trong khu vực Bắc Trung bộ. Đây cũng là một trong những địa chỉ tin cậy được các tổ chức quốc tế thường xuyên lựa chọn để triển khai các chương trình và hoạt động từ thiện cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị khuyết tật.

Điểm tựa cho những người kém may mắn

Cách đây khoảng 1 tháng, niềm vui đến với ông Quang Văn Sâm ở bản Chiếng, xã Châu Thôn (Quế Phong) khi Quang Thị Hảo - đứa cháu ngoại của ông sau một thời gian dài bị khuyết tật được phẫu thuật thành công thông qua sự hỗ trợ của tổ chức quốc tế tại Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Vinh. Bố mất khi chưa cất tiếng khóc chào đời; hai mẹ con Hảo sống cùng với ông bà ngoại. Cuộc sống khó khăn càng khó khăn hơn khi em sinh ra không được may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác, cả đôi chân bị khuyết tật. 7 tháng tuổi, ông ngoại và mẹ đưa Hảo đi bệnh viện nhưng sau lần đó do hoàn cảnh quá nghèo nên Hảo không có cơ hội chữa trị nữa. Thương con cận kề bước vào lớp 1 với đôi chân dị tật, mẹ của Hảo mấy năm nay đành phải gửi Hảo nhờ ông bà nuôi để đi làm thuê ở miền Nam kiếm tiền chữa trị chân cho con. "Khi nghe tin có đoàn về tận trường học khám, rồi được phẫu thuật miễn phí, gia đình mừng lắm. Giờ đôi chân của cháu gần như bình thường, sức khỏe tốt gia đình hạnh phúc lắm". 

1501165286379.jpgKhám cho các bệnh nhân trước lúc mổ. Ảnh: Thu Hương

Đến Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Vinh, không khó để bắt gặp những trường hợp như Hảo. Mỗi người đều một hoàn cảnh khác nhau nhưng điểm chung là đều khó khăn và bị khuyết tật vận động nặng, trong đó chủ yếu là các bệnh xơ hóa cơ delta, di chứng bỏng, bại não, bại liệt, di chứng do chiến tranh, chất độc da cam, di chứng do tai nạn giao thông, tai nạn lao động… Hiện bình quân mỗi ngày, trung tâm điều trị phục hồi cho trên dưới 100 bệnh nhân, trong đó hơn 60% là trẻ em. Nhiều bệnh nhân thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, cứng khớp sau phẫu thuật... tập luyện cũng thuyên giảm và hồi phục sức khỏe tốt. Bên cạnh đó, đây cũng là địa chỉ tin cậy được nhiều tổ chức từ thiện quốc tế tin tưởng và tổ chức nhiều đợt khám, phẫu thuật miễn phí với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. 

Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Vinh cũng là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các tỉnh từ khu vực Nam Thanh Hóa đến Bắc Quảng Bình nhiều năm liền làm nhiệm vụ thăm, khám, phục hồi chức năng và lắp chân giả cho các thương bệnh binh.

Hàng năm, Trung tâm đều tổ chức khám phân loại tư vấn miễn phí cho các đối tượng đến tận xã, trường học với trên 40.000 trường hợp, phẫu thuật chỉnh hình cho 400 - 500 ca, điều trị bằng vật lý trị liệu - phục hồi chức năng cho 3.000 bệnh nhân trong đó chủ yếu là thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, trẻ em khuyết tật do di chứng chất độc màu da cam và các di chứng khác do chiến tranh để lại...

Sau khi khám, sàng lọc, các trường hợp cần chữa trị, phẫu thuật chỉnh hình được đưa về trung tâm điều trị miễn phí. Riêng những trường hợp nặng, Trung tâm phối hợp với chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất cho bệnh nhân. Tất cả các đối tượng chính sách, trẻ em khuyết tật đến phẫu thuật tại Trung tâm, ngoài được miễn phí hoàn toàn, còn được hỗ trợ một phần tiền ăn và tàu xe đi lại. Bên cạnh đó, các đối tượng chính sách còn được lắp ráp dụng cụ chỉnh hình trợ giúp như máng, nẹp, giày, dép… theo đúng các văn bản quy định của Nhà nước.

Phẫu thuật miễn phí cho trẻ em tại Trung tâm phục hồi chức năng chỉnh hình Vinh. Ảnh: Thu Hương


Hướng đến Bệnh viện chuyên khoa Chỉnh hình - Phục hồi chức năng

Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Vinh được thành lập theo Quyết định số 386/TBXH ngày 8/11/1985 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quyết định số 597 QĐ/UBND ngày 17/4/1991 của UBND tỉnh. Theo đó, trung tâm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An với chức năng nhiệm vụ chính là điều trị bằng Vật lý trị liệu - PHCN, Phẫu thuật chỉnh hình; sản xuất lắp ráp DCCH - chân tay giả cho thương, bệnh binh, người có công với cách mạng, người khuyết tật xã hội khu vực Bắc miền Trung. Năm 2005, với quy mô 80 giường bệnh, trong đó 50 giường nội trú, 30 giường ngoại trú, trung tâm được UBND tỉnh xếp tương đương bệnh viện hạng 3.

Trong quá trình hơn 30 năm phát triển, Trung tâm được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khá khang trang và hiện đại. Trung tâm cũng rất quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ viên chức trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của đối tượng và bệnh nhân.

Hiện trung tâm có 40 cán bộ, công nhân viên, trong đó có 6 bác sỹ và 8 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng chuyên ngành Vật lý trị liệu - PHCN, 1 bác sỹ đang học lớp chuyên khoa 1 chuyên ngành Nội khoa, 11 người có trình độ đại học chuyên ngành khác…

Hàng năm, trung tâm cũng thường xuyên phối hợp chuyển giao kỹ thuật cao, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ với các chuyên gia về chuyên ngành Chỉnh hình - PHCN trong và ngoài nước như Tổ chức chân giả ngoại tuyến của Mỹ, Hội phẫu thuật chỉnh hình cổ chân và bàn chân của Mỹ, Tổ chức hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ tàn tật Việt Nam của Hà Lan, Tổ chức Góp một bàn tay hy vọng của Australia, các chuyên gia của Viện Bỏng Quốc gia, Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Bệnh viện Saint Paul Hà Nội, Bệnh viện STO Phương Đông thành phố Hồ Chí Minh...

Gần đây, trước nhu cầu điều trị của bệnh nhân ngày càng cao, Trung tâm đã không ngừng cải tiến áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong điều trị PHCN, phẫu thuật chỉnh hình, sản xuất chân, tay giả và dụng cụ trợ giúp. Nhờ đó, đến nay nhiều kỹ thuật công nghệ cao được ứng dụng tại trung tâm như: Laze điều trị các bệnh lý cột sống bằng kỹ thuật kéo dãn; siêu âm, điện xung, sóng ngắn, nhiệt trị liệu... 

Kiểm tra, tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Mỹ Hà

Thành công này cũng là cơ sở để Trung tâm xây dựng phương án chuyển đổi mô hình hoạt động y tế của các trung tâm sang mô hình của Bệnh viện. Đây cũng là mô hình chung của nhiều đơn vị khác trong toàn quốc khi có 5 Trung tâm đã chuyển đổi thành công thành Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng và 7 trung tâm đang trên đà chuyển đổi và tất cả các trung tâm này đều thuộc ngành LĐ-TB&XH. Riêng với Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Vinh, Bộ LĐ-TB&XH đã có Văn bản số 3560/LĐTBH đồng ý chủ trương chuyển đổi thành Bệnh viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng thuộc ngành LĐ-TB&XH.

Nói về chủ trương này, bác sỹ Nguyễn Minh Công - Giám đốc Trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng Vinh cho rằng: “Nhiều năm qua, song song với nhiệm vụ chuyên môn, trung tâm còn là địa chỉ để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ giúp đỡ người khuyết tật nghèo và trẻ em nghèo, đối tượng chính sách để làm tốt công tác an sinh xã hội. Với chức năng quan trọng trên, khi trung tâm chuyển thành bệnh viện sẽ là điều kiện rất quan trọng để đơn vị xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động thu hút nguồn nhân lực và có điều kiện tăng cường cơ sở vật chất và liên kết, hợp tác với các đơn vị, tổ chức chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao chuyên môn nghiệp vụ tay nghề cho CBVC. Việc chuyển đổi thành Bệnh viện chuyên khoa là xu thế tất yếu, phù hợp với điều kiện hiện tại trong việc chăm sóc sức khỏe cho thương, bệnh binh người có công, người khuyết tật, nhất là người khuyết tật nghèo, vùng sâu, vùng xa; đồng thời giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên”.

Mỹ Hà - Thu Hương

TIN LIÊN QUAN