Giới quan sát nhận định, trong khi Bắc Kinh vẫn chưa ký vào nghị định thư của hiệp ước ASEAN để cấm vũ khí hạt nhân khỏi khu vực - mặc dù cho thấy thiện chí làm như vậy trong hơn hai thập kỷ qua - sức ép từ mối quan hệ đối tác mới giữa Australia, Anh và Mỹ có thể tăng tốc tiến trình này.
Hồi đầu tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo ASEAN rằng Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực xây dựng một khu vực không có vũ khí hạt nhân và sẵn sàng ký vào nghị định thư của hiệp ước “càng sớm càng tốt”. Ông cũng cam kết nâng cấp quan hệ với ASEAN để tập trung hơn vào hợp tác an ninh và tài trợ phát triển. Được các nước thành viên ASEAN ký kết vào năm 1995, Hiệp ước về Khu vực Cấm Vũ khí Hạt nhân Đông Nam Á (SEANWFZ) là bản cam kết giữ cho khu vực không có vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Bắc Kinh tuyên bố họ sẵn sàng ký vào nghị định thư của hiệp ước trong vòng vài năm tới, nhưng chưa có quốc gia nào trong số 5 cường quốc hạt nhân hợp pháp, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Anh và Pháp ký kết. Theo nghị định thư, các nước này không được phép phát triển, sản xuất hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân, hoặc nhận bất kỳ sự hỗ trợ nào để làm như vậy.
Chuyên gia Dai Fan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Philippines tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu đánh giá, với căng thẳng gia tăng trong khu vực - đặc biệt là giữa Bắc Kinh và Washington ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan - các nước thành viên ASEAN muốn nghị định thư được ký kết.
Chuyên gia này nêu rõ: “Khi sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng tăng, Mỹ đang tăng cường các liên minh an ninh của mình, bao gồm cả thông qua AUKUS, một mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực". Ông lưu ý rằng Indonesia và Malaysia đều phản đối mạnh mẽ việc Australia mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo khuôn khổ hiệp ước và tuyên bố rằng lập trường của họ là "nhất quán với quan điểm của Trung Quốc". Chuyên gia này nhấn mạnh, Bắc Kinh đang tìm cách xoa dịu căng thẳng và “kiềm chế AUKUS” bằng cách thúc đẩy khu vực cấm vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, chuyên gia Zhao Tong, một thành viên cấp cao về chương trình chính sách hạt nhân tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh cho biết, trọng tâm của Trung Quốc đã chuyển sang các mối quan hệ khu vực và nước này ít lo ngại hơn về tình đoàn kết với các cường quốc hạt nhân khác do đối kháng với Mỹ.
Chuyên gia này nhận định: “Trung Quốc không có đề xuất thực chất nào về nghị định thư từ góc độ kỹ thuật. Nhưng các quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân khác, bao gồm cả Mỹ, vẫn có những quan ngại và lo lắng rằng nghị định thư này sẽ hạn chế việc triển khai các nền tảng vũ khí hạt nhân của họ. Việc thể hiện sự ủng hộ đối với nghị định thư cũng là một cách để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với ASEAN"./.