Theo ông Evanina, chiến dịch của Trung Quốc bao gồm liên lạc đồng thời với hàng nghìn thành viên LinkedIn, song ông từ chối không trả lời có bao nhiêu tài khoản giả mạo tình báo Mỹ đã phát hiện ra, cũng như bao nhiêu người Mỹ có thể đã được liên lạc, và Trung Quốc thành công đến mức nào trong công tác tuyển dụng.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai thảo luận về thách thức này ở Mỹ, và cho rằng vấn đề đã nghiêm trọng hơn so với trước đây.
Ông Evanina khuyến cáo, LinkedIn nên xem xét các phản ứng của Twitter, Google và Facebook, vốn có các tài khoản giả mạo bị cáo buộc liên quan tới các cơ quan tình báo Nga và Iran.
Việc một quan chức tình báo cấp cao Mỹ chỉ đích danh một công ty của Mỹ và công khai đề xuất công ty này nên hành động là một động thái cực kỳ bất thường. LinkedIn tự hào có 562 triệu người dùng tại hơn 200 hạt và vùng lãnh thổ, trong đó có 149 triệu người dùng của Mỹ.
Giám đốc phụ trách bộ phận niềm tin và an toàn của LinkedIn, Paul Rockwell, xác nhận công ty đã thảo luận với các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ về các nỗ lực gián điệp của Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, LinkedIn thông báo công ty này đã gỡ bỏ khoảng 40 tài khoản giả mạo, mà người dùng đang cố liên lạc với các thành viên LinkedIn liên kết với các tổ chức chính trị không xác định. Tuy nhiên, ông Rockwell không nói liệu đây có phải các tài khoản của Trung Quốc hay không.
Về phần mình, Trung Quốc bác bỏ cáo buộc trên. Thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Chúng tôi không biết bằng chứng từ đâu mà các quan chức Mỹ có kết luận như vậy. Những gì họ nói hoàn toàn vô lý và mang động cơ ngầm”./.