Theo Thứ trưởng Ryakov, việc không có tiến triển trong đối thoại với Mỹ đã gợi dậy những mối quan tâm sâu sắc của Nga, đặc biệt về an ninh châu Âu. Tuy nhiên, phía Nga vẫn tiếp tục những nỗ lực của mình. Ông Ryabkov khẳng định: "Nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ. Chúng tôi đã sẵn sàng để tìm ra cách giải quyết, nhưng từ bây giờ mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều".
Về phía Mỹ, giới chức nước này khẳng định rằng tên lửa hành trình 9M729 của Nga với tầm bắn gần 5.500 km đã vượt quá quy định của Hiệp ước INF, và yêu cầu Nga phải loại bỏ hết những tên lửa này, đồng thời đe dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước INF. Nga đã nhiều lần chối bỏ yêu cầu này từ Mỹ, cho rằng loại tên lửa mới này của Nga hoàn toàn không vi phạm.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/10 đã tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF. Ngày 15/1, Nga và Mỹ hội bàn về Hiệp ước INF tại Geneva. Washington một lần nữa cáo buộc Moskva vi phạm thỏa thuận này. Phía Mỹ đe dọa sẽ rời khỏi hiệp ước vào ngày 2/2 trừ khi Nga phá hủy toàn bộ tên lửa 9M729.
Mỹ buộc tội Nga về việc vi phạm hiệp ước lần đầu tiên vào tháng 7/2014. Sau đó, Mỹ tiếp tục đưa ra khẳng định này nhiều lần, nhưng Nga vẫn phủ nhận mọi cáo buộc, đồng thời buộc tội trở lại Mỹ.
Hiệp ước về các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết giữa Mỹ và Liên Xô (trước đây) vào ngày 8/12/1987 tại Washington DC.