(Baonghean) - Dẫu chỉ một tuần đến với  đất nước Trung quốc và thăm một số nơi, nhưng chuyến đi đã để lại trong chúng tôi nhiều  ấn tượng. Đó là sự cổ kính, kì vĩ  của các di tích lịch sử văn hóa dẫu thời gian phủ  bụi, dẫu biến cố lịch sử thăng trầm nhưng vẫn được giữ gìn nguyên bản; là những con đường thông thoáng, sạch đẹp với bạt ngàn hoa và  cây xanh, là thành phố hiện đại văn minh.

Gìn giữ nét xưagiữa cơn lốc đô thị


Bắc Kinh đón chúng tôi vào một chiều thời tiết thật lý tưởng, cuối xuân nhưng hoa đào vẫn nở rộ dọc đường từ phi trường về  đến trung tâm thành phố. Con đường cao tốc 6 làn xe được mở xen kẽ giữa những dải rừng bạch dương trồng với liễu, tùng và hoa đào tạo nên cảm giác thật bình yên. Trong mắt du khách, Bắc Kinh vẫn luôn luôn giữ  được vẻ đẹp hoành tráng, cổ kính và vì  thế, ngày ngày hàng đoàn người khắp nơi trên thế  giới vẫn dồn về đây.


Dù đã được chiêm ngưỡng vẻ  đẹp các di tích qua những bộ phim nổi tiếng Trung Quốc như “Hồng Lâu mộng”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Mặt trời lặn sau Tử Cấm Thành”,  “Cuộc chiến chốn thâm cung”... nhưng khi được tận mắt nhìn thấy Tử Cấm Thành đồ sộ, Di hòa viên tráng lệ, Sư tử lâm cổ kính, Hàn Sơn tự  uy nghi… thì những du khách trong đoàn chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng.


Nằm giữa lòng Thành phố Bắc Kinh sầm uất, Tử Cấm Thành (còn gọi là Cố Cung) như  một kỳ quan vĩnh hằng cùng với thời gian, ghi dấu ký ức oai hùng của một thời đại vàng son mà  hơn 24 vị hoàng đế nhà Minh và Thanh đã ngự  trị. Năm 1987, Unesco công nhận Tử Cấm Thành là  một trong những Di sản văn hóa thế giới.

774644_small_73147.jpg

                      Đông đảo du khách tham quan Tử Cấm Thành



Với tổng diện tích hơn 250.000m², Tử  Cấm Thành là một tổ hợp cung điện gồm 9.999 phòng được bao bọc bởi bức tường thành cao 11m, dài 3.400m với hào sâu và 4 vọng gác ở 4 góc, gồm 4 cổng chính dẫn vào thành. Tất cả mọi kiến trúc đều được quy tụ chung thành ba đại điện : Thái Hoà, Trung Hoà, Bảo Hoà và được chia làm hai khu: ngoại triều và nội triều. Tất cả mọi công trình từ mái vòm, cột nhà, nền nhà đến hoa văn trang trí trên tường, cửa ra vào đều được chăm chút hoàn hảo đến từng chi tiết. Vào đời Từ Hy Thái hậu, nơi đây được xây dựng thêm 6 toà nhà theo kiểu Tây phương ở phía  Đông để đối xứng với 6 toà nhà theo kiểu Trung Quốc ở phía Tây. Trong các khuôn viên của Tử Cấm Thành, tổng cộng đặt 308 chiếc vạc lớn, bên trong vạc quanh năm đều chứa đầy nước dùng để phòng hỏa. Vào mùa đông có cho người đốt lửa ở dưới để giữ cho nước không bị  đóng băng.


Cố Cung là cụm kiến trúc cung điện cổ đại được bảo tồn nguyên vẹn nhất và  lớn nhất trên thế giới hiện nay. Uy nghi, huyền bí  và mang vẻ đẹp hài hòa đăng đối hữu tình, Tử Cấm Thành như một bức tranh vẽ nên quá  khứ huy hoàng, đồ sộ trong dáng vẻ lộng lẫy, nguy nga. Tử Cấm Thành không hổ danh là  con gà đẻ trứng vàng cho ngành du lịch Trung Quốc. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt khách viếng thăm. Du khách đông, diện tích rộng nhưng điều đáng ngạc nhiên là không hề có hiện tượng bán hàng rong, hay sự lộn xộn của các quầy hàng lưu niệm. Hướng dẫn viên du lịch Trương Vĩnh Tam cho biết: “Trước đây, Tử Cấm Thành cũng đứng trước cơn lốc thương mại hóa. Một số vị trí trong di tích bị  chiếm dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán bởi người ta coi các di tích là mảnh đất để làm giàu. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch trùng tu, bảo vệ di sản, kiên quyết không để các hoạt  động kinh doanh kiếm lời bằng bất cứ giá nào tiếp tục tồn tại...”


Rời Bắc Kinh, chúng tôi đến Tô  Châu-  một thành phố du lịch nổi tiếng ở  Trung Quốc thuộc tỉnh Giang Tô. Thành Tô Châu với những bức tường thành màu trắng, những ngôi nhà cổ  với mái ngói đen, những đường phố trải dài ven sông với hàng đèn lồng cổ kính thanh nhã, những cung điện tráng lệ... đã lôi cuốn bước chân của nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới về đây.


Vườn đá sư tử tiêu biểu cho phong cách kiến trúc thời Nguyên, xây dựng năm 1342, có tên "Sư tử lâm" bởi có nhiều hòn núi, tảng đá giống hình sư tử; trong vườn có hệ  thống hành lang dài nối các quần thể kiến trúc khác nhau, ven theo đó là những cây cổ thụ từ  trên 100 năm trở lên. Năm 2000, "Sư tử  lâm" được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Sư Tử Lâm nằm ở phía Bắc thành Tô Châu, được xây dựng vào cuối thời Nguyên do nhà sư Thiên Như dựng lên để tưởng nhớ một sư thầy của ông có tên là Trung Phong. Sư Tử Lâm được xây dựng từ đời nhà Nguyên, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử nhưng vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Một bộ phận các công trình kiến trúc được sửa sang và mở rộng sẵn có vào thời Minh Thanh. Các công tác thực hiện ở đây chủ yếu là bảo dưỡng và khai thác du lịch. Cây cối trong vườn được trồng mới nhưng chủng loại được  đồng nhất với yếu tố gốc của lịch sử và  được khai thác hạn chế nhằm tránh ảnh hưởng đến cảnh quan chung. Ngoài giá trị di sản kiến trúc ,Sư Tử Lâm còn bảo tồn được gần như  toàn bộ các hiện vật lịch sử trong các sảnh đường bao gồm nội thất, tranh ảnh , tượng, thư pháp ,…vô  cùng quý giá.




                                     Một góc phố cổ Nam Kinh

Dù gắn di sản với khai thác du lịch nhưng Chính phủ Trung Quốc rất chú ý đến vấn đề bảo dưỡng di tích theo định kỳ, kiểm tra các yêu cầu về vệ sinh môi trường, chống mối mọt, khắc phục các hư hỏng, trầy xước, bảo quản hiện vật. Đồng thời giới hạn mật độ khách tham quan du lịch hàng ngày.


Giữa Bắc Kinh tráng lệ, hay Thượng Hải sầm uất, Tô Châu sôi động thì các di sản vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không bị bào mòn bởi các yếu tố về thương mại, không bị  cuốn vào vòng xoáy của cơn lốc đô thị hóa, hiện đại hóa. Dù coi di sản là mảnh đất màu mở để khai thác kinh tế du lịch nhưng người Trung Quốc luôn đề cao phương châm “khai thác đi đôi với gìn giữ, bảo tồn”, và khi bảo tồn luôn chú ý đến nguyên gốc.

 

Nghệ thuật  kinh doanh du lịch


Trước khi du lịch Trung Quốc, dù đã  được “rỉ tai” những kinh nghiệm của nhiều người đi trước, dù đã tự nhủ mình “bên này đắt đỏ, hàng Tàu chất lượng chẳng biết thế  nào, tốt nhất là chỉ “ngó” chứ không mua”, dù đã tự “kìm hãm” bằng cách hạn chế tối đa lượng nhân dân tệ đem đi, nhưng, tất cả 19 người trong đoàn đều dốc hầu bao đến đồng xu cuối cùng vào việc mua sắm ở các  điểm du lịch.


Trung bình mỗi ngày, đoàn có khoảng ba hay bốn hoạt động khác nhau, trong đó, bao giờ  cũng có một hoạt động mất nhiều thì giờ  nhất: mua sắm. Ở mỗi điểm du lịch, người Trung Quốc xây dựng khu bán hàng dành riêng cho khách. Ngày  đầu tiên, chúng tôi được chở đến Viện Y dược Trung Quốc ở Bắc Kinh.

Sau khi được nghỉ  ngơi, được phục vụ nước uống, quạt mát, được nghe giới thiệu về ngành Y dược cổ truyền là  một trong những thành tựu đặc thù của văn hóa Trung Quốc và được khám bệnh miễn phí. Sau đó, mọi người được nghe giới thiệu về các loại thuốc chữa các bệnh từ thông thường đến nan y qua màn hình chiếu bằng Tiếng Việt do một Giáo sư người Việt gốc Hoa trình bày, kết thúc bằng câu nhấn mạnh: “Đó là những loại thuốc quý hiếm, được tinh chế theo các công thức từ ngàn đời và  không thể tìm mua ở đâu khác ngoài Viện Y dược Bắc Kinh...” Với tâm lý “có bệnh thì  vái tứ phương”, “có sức khỏe là có  tất cả”, “cơ hội quay trở lại Bắc Kinh lần thứ hai để mua thuốc là rất hiếm”... nên nhiều người trong đoàn không ngần ngại rút tiền mua thuốc phòng tai biến não, thuốc bỏng, thuốc phòng bệnh tiểu đường, thuốc chữa gút...


Trước khi đến Tô Châu, chúng tôi  được chở đến một vườn trà (chè) “quảng cáo” là rất nổi tiếng ở Trung Quốc. Trà  trồng trên những ngọn đồi trùng trùng điệp  điệp. Xanh ngắt. Giữa những ngọn đồi ấy là  một tòa nhà khá đồ sộ. Chúng tôi được mời vào phòng vừa uống trà vừa nghe một người giới thiệu về lịch sử trà và văn hóa uống trà của người Trung Hoa; nói về lai lịch vườn trà các công dụng quan trọng của trà mà nhiều người chưa biết đến. Và giải thích thêm: “Không phải trà nào cũng có tác dụng thần kỳ như  vậy. Chỉ có trà ở nơi quý khách đang thăm viếng mới được như vậy mà thôi. Lý do là vì chất đất và chất nước ở địa phương. Bởi vậy, người ta không thể  sử dụng trà ở bất cứ đâu khác  để thay thế. Nếu không mua trà ở đây, bà  con sẽ mất đi một cơ hội ngàn vàng để ngăn chặn ung thư và nhiều thứ bệnh hiểm nghèo khác!”. Bị “thuyết phục” trước những lý lẽ, những lời nói “ngọt” đó của nhân viên cửa hàng trà, rất nhiều người đăng ký  mua với giá “không rẻ chút nào”, vài người còn mua với lượng lớn để dự trữ.


Ở Hàng Châu, chúng tôi được chở vào một xưởng sản xuất tơ lụa khá lớn. Sau khi nghe nhân viên của xưởng giới thiệu về lịch sử tơ lụa Hàng Châu, tham quan các công đoạn làm ra sản phẩm tơ lụa “hoàn toàn bằng thủ công và nguyên liệu tự nhiên”, nếu đến Hàng Châu mà không mua nổi một tấm khăn, chiếc gối hay chiếc áo tơ lụa làm quà thì coi như “chưa đến Hàng Châu”. Và du khách được đưa đến một cửa hàng bán các sản phẩm tơ lụa. Mọi người đổ xô chọn hàng. Người thì mua ruột chăn tơ tằm vì “hút mồ hôi, phòng trừ tê thấp”; người thì mua gối chứa phân tằm để có giấc ngủ sâu và mặt hàng bán chạy nhất là khăn quàng tơ lụa làm quà.


Sau mỗi điểm đến, dù ít dù  nhiều, du khách đều mang về “chiến lợi phẩm”  đã mua ở các điểm du lịch. Đến ngày cuối cùng, trước khi rời Thượng Hải, nhiều người còn phải mang tiền Việt đổi nhân dân tệ cho anh chàng hướng dẫn viên của đoàn để mua thêm các đồ gia dụng. Đoàn chúng tôi, 6 người, người mang ít nhất cũng 1.500 tệ, nhưng sau 5 ngày ở Trung Quốc đã không còn một xu lẻ mang về. Cô hướng dẫn viên nói vui: “Nếu bạn chưa tiêu hết đồng xu nhân dân tệ cuối cùng thì bạn chưa rời khỏi Thượng Hải. Cảm ơn bạn đã góp phần xúc tiến thương mại cho đất nước chúng tôi!”.


Không thúc ép, không chèo kéo khách, chẳng nài nỉ, hoàn toàn là do chính du khách tự quyết  định việc mua sắm. Nhưng đến các điểm du lịch ở Trung Quốc, chẳng có du khách nào về tay không! Đó chính là nghệ thuật kinh doanh du lịch. Chính nhờ nghệ thuật bán hàng này, nhiều công ty du lịch Trung Quốc có điều kiện để hỗ trợ tuor cho khách nước ngoài với giá mềm. Và “họ tài trợ ở tay này và lấy lại ở tay khác, bằng việc bán hàng cho du khách” - một anh bạn am hiểu “kỹ nghệ” kinh doanh du lịch Trung Quốc chia sẻ.

 

Một tuần trải nghiệm ở đất nước Trung Quốc, đi thăm thú các cảnh quan, được  “nghe và thấy” nhiều điều mới mẻ, thú  vị mà trong bài viết này không thể đề cập hết được. Ngoài việc bảo tồn di sản, ngoài nghệ  thuật kinh doanh du lịch thì ấn tượng nhất vẫn là  việc quy hoạch giao thông đô thị, việc xây dựng cảnh quan và vấn đề bảo vệ môi trường nơi công cộng mà chúng tôi sẽ đề cập ở các bài viết sau...


Thanh Phúc