Giữa lúc phần đông công chúng thường chọn những bức thư pháp với chữ “Tâm,” “Phúc” hay “Nhẫn”... nhân dịp Tết đến, Xuân về thì nghệ sỹ ưu tú Trung Hiếu lại bảo, anh vẫn sẽ chọn cho mình chữ “Du” (trong từ “Lãng du”).
“Ông cụ non”
Không phải ông Dỏ của “Làng ma-10 năm sau” (Ma làng 2) muốn “chơi trội,” khác người mà với anh, “đời người là một cuộc lãng du và cuộc sống cũng là một cuộc chơi,” nghệ sỹ nói.
Thoạt nghe, chắc hẳn không ít người sẽ nghĩ anh là một “tay chơi” liều lĩnh hay một lãng tử thường trực vẻ bất cần.
Phía sau hình ảnh người nghệ sỹ với những vai diễn đa chiều (khi là cậu thanh niên hiền lành, thật thà trong “Lập nghiệp,” “Đồng quê xào xạc,” có lúc lại là kẻ tàn độc, xảo quyệt như tướng cướp Bạch Đàn trong “Lời sám hối muộn màng”), Trung Hiếu còn là một gương mặt nghệ sỹ với thú chơi “già trước tuổi.”
Trung Hiếu kể, từ khoảng chục năm trước, người ta đã dùng từ “ông cụ non” để định danh về anh - một thanh niên đắm đuối với thú chơi chim cảnh, một diễn viên trẻ mê mải với nghệ thuật thư pháp.
Có lẽ cũng bởi vậy mà đời sống nghệ sỹ của Trung Hiếu khá bình lặng mà không hề nhạt như chính câu nói tưng tửng, nhẹ tênh mà đầy ẩn ý của anh: “Đã không chơi thì thôi, nhưng đời là cứ phải rực rỡ!”
Con đường đến với nghệ thuật, thú chơi của nhiều nghệ sỹ thường được bắc nhịp từ những mối duyên. Với riêng Trung Hiếu, mọi sự đều rất tình cờ và khá ngẫu hứng.
Khách bộ hành trên cung đường lạ lẫm
Hơn 20 năm trước, bỏ lại ba tờ giấy báo nhập học của ba trường đại học “đình đám” (Bách khoa Hà Nội, Luật Hà Nội và Kinh tế Quốc dân), anh đi theo ngã rẽ thứ tư - con đường chông chênh nhất: trở thành sinh viên trường Sân khấu-Điện ảnh, gắn đời mình với nghệ thuật.
“Ban đầu, khi dự tuyển vào lĩnh vực ấy, tôi cũng chỉ định thi cho vui. Trước đó, có nằm mơ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đời mình lại gắn bó với nghiệp diễn. Thế nhưng, kết quả lại thật bất ngờ. Cả gia đình đã động viên tôi theo học trường này để có màu sắc khác biệt với hai người anh trai. Vậy là, tôi gật đầu cái rụp và… đi,” Trung Hiếu kể.
“Cầu nối” đưa Trung Hiếu đến với thư pháp cũng ngẫu hứng không kém. Đó là vào khoảng năm 2001, người anh trai học tiếng Trung Quốc và “rủ rê” anh cùng tham gia. Thế rồi, khi nhìn các ông đồ “múa bút,” anh cảm thấy thích thú và quyết định sắm sanh bút nghiên, mực Tàu và tài liệu về tự học. “Thấy vậy, không ít người bảo tôi điên, khùng,” Trung Hiếu nhớ lại.
Với những cung đường đặc biệt ấy, càng đi, khách bộ hành càng có nhiều trải nghiệm thú vị. “Đó là những nơi tôi khám phá bản thân,” Trung Hiếu thổ lộ. Theo thời gian, sự tình cờ ban đầu đã dần thấm sâu, “bắt rễ” và trở thành phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh.
Nếu như nghiệp diễn là nơi Trung Hiếu định vị bản thân thì thư pháp là khoảng lặng để anh tĩnh tâm, cân bằng lại chính mình sau những bận rộn chốn phim trường và trăn trở với kịch nghệ.
“Sau nhiều vai diễn, đặc biệt là những vai với tính cách xảo quyệt, đê tiện và bỉ ổi như Khang ở phim ‘Đường đời.’ tôi thường mất một thời gian để lấy lại thăng bằng. Trong những lúc như vậy thì thư pháp giúp tôi thấy thư thái, tĩnh tại,” nghệ sỹ trải lòng.
Vài ba năm trước, công chúng Hà thành vẫn thường thấy “ông đồ” Trung Hiếu khi thì khăn xếp áo the, lúc lại quần jean áo thun ngồi viết chữ ở Văn Miếu; hoặc đôi lúc, người ta thấy anh “đăng đàn” đối thoại về thư pháp. Thế nhưng, thời gian gần đây, Trung Hiếu bảo, anh chủ yếu viết ở nhà.
“Tâm tính con người cũng có chút thay đổi ở những giai đoạn khác nhau. Có lẽ, bây giờ, tôi già hơn rồi nên thường thích viết trong không gian riêng với sự tĩnh lặng. Mọi suy tư đều dồn vào con chữ,” Trung Hiếu chia sẻ về
Cuộc chơi mới
Cứ như vậy, anh lặng thinh, tự tại bước qua những đồn đoán, xì xào về giới tính để đi con đường riêng và dấn bước vào những cuộc chơi mới.
“Ngoài 40 tuổi mà vẫn độc thân như tớ thì việc bị người ta đồn thổi này kia cũng là chuyện thường tình. Hơn nữa, mình lại là nghệ sỹ thì công chúng lại càng chú ý, tò mò hơn,” nói rồi, anh nở nụ cười hóm hỉnh và lập tức bắt nhịp chuyện khác. Dẫu biết, nghệ sỹ là người của công chúng nhưng anh vẫn luôn muốn giữ cho mình những góc riêng.
Mang danh một diễn viên nổi tiếng nhưng Trung Hiếu không thu hút ánh nhìn bằng những bộ cánh lộng lẫy, cầu kỳ hay kiểu trang phục “xù xì,” kỳ quái. Trái lại, dáng vẻ giản dị, chỉn chu cùng cặp kính cận hiền lành của anh dễ khiến người ta hình dung về một người trí thức, một thanh niên hiền lành (thậm chí có phần khù khờ) hơn là một nghệ sỹ cá tính với những vai diễn đa chiều.
Rồi Trung Hiếu lại khiến công chúng bất ngờ và có phần “sốt ruột” khi từ vai trò một diễn viên, anh lại từng bước “lấn sân” sang lĩnh vực đạo diễn. “Người đàn bà không tên” và “Giếng thơi trong lòng phố” do anh dàn dựng chưa tạo được tiếng vang, dấu ấn đặc biệt trong lòng công chúng.
Hỏi người nghệ sỹ ấy, đã khi nào anh nghĩ đến việc mình có thể sẽ phải trả một cái giá khá đắt (đánh đổi vị trí một diễn viên hàng đầu với một đạo diễn tầm trung), anh điềm tĩnh bảo: “Nếu cứ so đo, tính toán như vậy thì sẽ chẳng bao giờ dám và có cơ hội làm những việc mình thích. Hơn nữa, cuộc sống sẽ thật buồn tẻ nếu không có những thử thách mới. Mọi thứ đều cần có thời gian.”
Anh muốn làm đạo diễn để có thể bao quát, chăm lo cho mọi khâu của vở diễn. Hơn nữa, anh cũng muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ khi mà những nghệ sỹ trẻ tài năng, tâm huyết với nghề ngày một thưa vắng.
Nhìn hành trình nghệ thuật Trung Hiếu đã qua (mỗi năm đều đặn xuất hiện ở hai, ba vở kịch và cũng khoảng chừng ấy bộ phim truyền hình), không ít người bảo đường đi của anh khá phẳng lặng và thuận lợi. Nó thiếu những khúc quanh, những chặng gồ ghề nên con người anh cũng thiếu những sự gai góc.
“Chỉ những cuộc trong cuộc mới thực sự hiểu. Khi sân khấu rơi vào trạng thái ‘ngủ đông’ ủ ê vắng khách, phim Việt thua ngay trên chính sân nhà trước sự đổ bộ của phim Hàn Quốc, Trung Quốc... có lúc, chính tôi cũng băn khoăn tự hỏi: liệu tương lai của mình sẽ đi về đâu và liệu mình có thể trụ mãi với nghề chỉ bằng niềm tin?” Trung Hiếu tâm sự, đôi mắt anh vẫn đau đáu dõi về phía hàng ghế khán giả.
Theo Vietnamplus