Các bên nhất trí trên nguyên tắc thành phần Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp Syria
Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Syria Alexander Lavrentiev cho biết các bên đã đạt đồng thuận trên nguyên tắc về 2 trong số 3 danh sách thành viên Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp, bao gồm danh sách các đại diện của Chính phủ Syria và phe đối lập. Tuy nhiên, 2 danh sách này vẫn cần được đại diện ba nước bảo trợ lệnh ngừng bắn tại Syria là Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và đặc phái viên LHQ thông qua lần cuối.
Trong khi đó, trước khi phê chuẩn lần cuối 2 danh sách trên, các bên cần nhất trí về danh sách thành viên ủy ban là các đại diện của lực lượng dân sự. Theo ông Lavrentiev, danh sách thứ 3 này còn tồn tại nhiều vấn đề, song để thúc đẩy tiến trình này cần thành lập một nhóm kỹ thuật. Thời gian triệu tập nhóm này chưa được xác định, nhưng các bên đều nhất trí rằng cuộc họp nhóm chuyên gia này cần phải được tổ chức trong thời gian sớm nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ từ chối triển khai lực lượng dự tập trận ở Nga
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hồi tuần trước cho biết đã nhận được lời mời từ Nga tham gia cuộc tập trận Vostok-2018 với tư cách một thành viên "đầy đủ và tích cực". Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ, Ankara đã quyết định chỉ quan sát viên đến tham dự, Huriyet Daily News hôm nay đưa tin.
Theo giới quan sát, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt nguồn từ việc NATO, tổ chức mà Ankara là thành viên, coi cuộc tập trận quy mô lớn của Nga là hành động de dọa đến an ninh của khối.
Cuộc tập trận Vostok-2018 sẽ diễn ra tại 5 thao trường huấn luyện trên đất liền, cũng như các khu vực ở Biển Nhật Bản, biển Bering và biển Okhotsk từ ngày 11/9 đến 15/9, trùng với đợt tập trận Rapid Trident 2018 của NATO diễn ra tại Ukraine. Ngoài các lực lượng Nga Trung Quốc và Mông Cổ điều hàng nghìn binh sĩ và nhiều khí tài tham gia Vostok-2018.
Trump sẽ trừng phạt tổ chức nước ngoài can thiệp bầu cử Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ký một sắc lệnh nhằm xử phạt những công ty hoặc cá nhân nước ngoài can thiệp vào các cuộc bầu cử của nước này, Reuters dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Quyết định của Trump đưa ra trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11, tương đồng với quan điểm của các cơ quan tình báo, hành pháp và quân đội Mỹ. Mục tiêu của lệnh trừng phạt bao gồm các tổ chức và cá nhân bị cáo buộc can thiệp bầu cử dưới nhiều hình thức, chẳng hạn như tấn công mạng, gây ảnh hưởng đến quan điểm của công chúng thông qua tuyên truyền kỹ thuật số hoặc làm rò rỉ thông tin cá nhân.
Sắc lệnh này là động thái mới nhất của chính quyền Trump trong việc nỗ lực siết chặt an ninh trong cuộc bầu cử tháng 11. Kết quả bỏ phiếu sẽ quyết định liệu đảng Cộng hòa của Tổng thống có thể tiếp tục chiếm đa số trong thượng viện và hạ viện hay không.
Hàn Quốc xóa bỏ chế độ thiết quân luật
"Thiết quân luật” tại Hàn Quốc là một sắc lệnh của Tổng thống được đưa ra, cho phép lực lượng Lục quân được đóng quân và lưu lại tại một khu vực nhất định để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới, bảo vệ khu vực đó trong các trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc thiên tai.
Lệnh thiết quân luật được quân đội lập ra lần đầu vào năm 1950 nhằm bảo vệ chính các đơn vị quân đội, ngăn chặn sự xâm nhập của thế lực bên ngoài. Giải thích về quyết định xóa bỏ lệnh thiết quân luật, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chế độ này có tính hiệu quả thấp do Hàn Quốc chưa từng thực thi lệnh này suốt 30 năm trở lại đây, đồng thời chế độ này có nhiều yếu tố vi hiến.
Putin tuyên bố hai nghi phạm đầu độc cựu điệp viên ở Anh vô tội
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/9 cho biết hai người đàn ông, Alexander Petrov và Ruslan Boshirov, sẽ sớm xuất hiện trước công chúng để bảo vệ sự trong sạch của mình, Guardian đưa tin. "Chúng tôi biết họ là ai, chúng tôi đã tìm thấy họ", ông nói. "Tôi hy vọng họ sẽ sớm xuất hiện và tự mình kể mọi chuyện".
Giới chức Anh cho rằng hai người này chính là các điệp viên tình báo quân đội được Nga điều đi ám sát cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.
Tổng thống Putin gọi Alexander Petrov và Ruslan Boshirov là "những dân thường", phủ nhận việc họ hoạt động cho tình báo Nga. "Không có tội phạm nào ở đây hết", ông nhấn mạnh.
Chủ tịch EC chủ trương tăng mạnh lực lượng bảo vệ biên giới châu Âu
Trong bản thông điệp liên minh thường niên tại Nghị viện châu Âu (EP) ngày 12/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề xuất tăng cường lực lượng tuần tra biên giới của EU với việc bổ sung 10.000 người trong hai năm tới, coi đây như nỗ lực của liên minh nhằm hạn chế dòng người nhập cư các nước có xung đột vũ trang và nghèo đói ở châu Phi. Theo ông Juncker, nếu đạt được mục tiêu này, đây sẽ là một sự gia tăng đáng kể lực lượng tuần tra biên giới châu Âu hiện nay mới chỉ gồm 1.300 người.
Ngoài kế hoạch này, EC cũng đề xuất chi 2,2 tỷ euro cho ngân sách EU trong 7 năm tới, phục vụ các chương trình thay mới và bảo trì các máy bay, tàu thuyền và xe đặc chủng phục vụ công tác tuần tra tại các điểm nóng "đầu vào" từ châu Phi và Trung Đông. Vấn đề kiểm soát dòng người di cư đang nóng lại châu Âu sau khi các nước đã giảm mạnh số người nhập cư kể từ năm 2015, thời điểm châu Âu phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người di cư lớn nhất trong vòng 80 năm qua.
Liên quan đến Brexit, Chủ tịch Jean-Claude Juncker cảnh báo Anh không thể hy vọng mình vẫn là một phần của thị trường chung này.
Venezuela nới lỏng các biện pháp kiểm soát tiền tệ
Phó Tổng thống phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Công nghiệp và sản xuất quốc gia, ông Tareck El Aissami khẳng định bất kỳ ai muốn mua hoặc bán các loại ngoại tệ, có thể thực hiện ở bất kỳ ngân hàng nào của Venezuela, phù hợp với những quy định đã được nới lỏng mà Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) thông báo vào tuần trước. Ông Aissami nhấn mạnh, Venezuela mong muốn các loại ngoại tệ được mua bán hợp pháp và loại bỏ tình trạng đầu cơ tiền tệ.
Các biện pháp kiểm soát tiền tệ nghiêm ngặt mà Chính phủ Venezuela áp dụng thời gian vừa qua, cùng với việc Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt về kinh tế đã dẫn đến tình trạng lạm phát tăng rất nhanh trong những năm gần đây. Tỷ giá hối đoái tại Venezuela được thiết lập thông qua các cuộc đấu giá do chính quyền thực hiện. Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát tiền tệ đã tạo ra một thị trường chợ đen sinh lợi, trong đó đồng USD được bán với giá cao gấp 10 lần tỷ giá chính thức. Những quy định mới về trao đổi tiền tệ là một phần của một loạt biện pháp được Chính phủ Venezuela công bố gần đây nhằm khôi phục nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.
EC đề xuất gỡ bỏ nội dung kích động trên Google, Facebook
Ngày 12/9, Ủy ban châu Âu (EC) công bố dự luật mới, yêu cầu Google, Facebook, Twitter và các nhà khai thác Internet khác phải xóa bỏ các nội dung cực đoan chỉ trong vòng một giờ sau khi được yêu cầu.
Theo đề xuất này, EC mong muốn các nội dung kích động hoặc cổ xúy những hành vi phạm tội cực đoan, tung hô các tổ chức cực đoan hoặc trình chiếu cách thức thực hiện những hành động tội ác như vậy sẽ bị xóa bỏ khỏi trang web của các công ty trên trong vòng một giờ kể từ khi họ tiếp nhận yêu cầu phản hồi từ nhà chức trách cấp quốc gia.
Trong đề xuất, EC cũng yêu cầu các nhà khai thác Internet thực hiện các biện pháp chủ động giải quyết vấn đề, như phát triển các công cụ mới để loại bỏ những nội dung mang tính ngược đãi... Bên cạnh đó, các thực thể này cũng sẽ phải nộp các báo cáo về tính minh bạch hàng năm để chứng tỏ những nỗ lực trong giải quyết vấn nạn ngược đãi. Các công ty khai thác Internet không thực hiện gỡ bỏ nội dung cực đoan một cách có hệ thống có thể phải nộp phạt số tiền tương đương với 4% trong tổng doanh thu cả năm trên toàn cầu của họ.