Những bình luận từ tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về năng lực hạt nhân của nước này đang tạo ra hoang mang bởi không ai rõ ông thực sự muốn gì.
Thói quen đem các chính sách quốc gia quan trọng lên mạng xã hội Twitter của tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang gây ra nhiều mối lo âu. Chuyên gia nghi ngại mọi chuyện sẽ đi đến đâu khi thế giới không thể hiểu điều tổng thống Mỹ tương lai muốn nói, theo NBC News.
Vài giờ sau khi Trump đăng tải dòng tweet thể hiện mong muốn mở rộng kho vũ khí hạt nhân Mỹ, các cố vấn cho ông đã lên tiếng xoa dịu tình hình, giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Nhưng nhà tài phiệt New York không để căng thẳng lắng xuống, ông tiếp tục đưa ra một bình luận khác gây tranh cãi về vũ khí hạt nhân, khiến giới quan sát cảm thấy bối rối, khó hiểu.
Trump hôm 22/12 gây bất ngờ khi tuyên bố trên Twitter rằng "Mỹ phải tăng cường mạnh mẽ và mở rộng năng lực hạt nhân cho đến khi cả thế giới cảm nhận được". Hôm qua, trong cuộc trò chuyện với người dẫn chương trình kênh MSNBC Mika Brzezinski, ông tiếp tục gieo nghi ngại với tuyên bố Mỹ có thể tham gia "một cuộc chạy đua vũ trang" và sẽ "đánh bại" tất cả cũng như "bền bỉ hơn" mọi đối thủ.
Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đề xuất một kế hoạch trị giá nhiều tỷ USD nhằm hiện đại hóa bộ ba hạt nhân tàu ngầm, tên lửa liên lục địa, máy bay ném bom chiến lược Mỹ nhưng không có bất kỳ tiếng nói chính thống nào gợi ý việc gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ đang nắm giữ.
"Động lực trong chính sách hạt nhân Mỹ duy trì suốt hàng thập kỷ qua là loại bỏ những thứ dư thừa khỏi kho vũ khí hạt nhân", ông James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho hay.
"Liệu một dòng tweet có đủ khả năng khơi dậy một cuộc chạy đua vũ trang không? Dòng tweet kia vừa làm điều đó xong", Joseph Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshares về an ninh toàn cầu, bình luận, liên hệ tới dòng trạng thái trên Twitter của ông Trump.
Mỗi lần Trump tweet về một chính sách nào đó, ông đều khiến dư luận hoang mang và phải vô cùng vất vả để lý giải. Câu hỏi đặt ra là liệu tổng thống đắc cử Mỹ chỉ đơn giản tranh luận về mục tiêu hiện đại hóa lực lượng hạt nhân hay ông thực sự muốn kêu gọi tăng cường số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ?
Jason Miller, phát ngôn viên cho ông Trump, dường như tìm cách làm giảm mức độ nghiêm trọng khi khẳng định với NBC News rằng "tổng thống đắc cử chỉ đề cập đến mối hiểm họa bắt nguồn từ việc phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như yêu cầu cấp thiết phải ngăn chặn quá trình này, đặc biệt đối với các nhóm khủng bố hay những chế độ bất ổn. Ông Trump cũng nhấn mạnh vào nhiệm vụ cải thiện và hiện đại hóa năng lực răn đe của Mỹ như một cách để theo đuổi hòa bình dựa trên sức mạnh".
Tuy nhiên, Miller từ chối trả lời câu hỏi ông Trump thực tế có kêu gọi gia tăng số lượng vũ khí hạt nhân Mỹ hay không.
Trong khi đó, Sean Spicer, thư ký báo chí cho Trump, lại nỗ lực để làm sáng tỏ bình luận về "chạy đua vũ trang" của nhà tài phiệt New York. Theo Spicer, ông Trump đơn thuần muốn truyền đi thông điệp "cảnh báo".
"Không có cuộc chạy đua vũ trang nào cả bởi Trump muốn đảm bảo tất cả các quốc gia khác đều hiểu thông điệp rằng ông ấy không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ và cho phép điều đó", ông Spicer nói. "Họ sẽ cảm nhận được và tất cả chúng ta đều ổn".
Lựa chọn hạt nhân của Trump
Mỹ từ năm 1967 không mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Nhưng ông Trump hiện nắm giữ những lựa chọn có khả năng dẫn tới sự gia tăng về số lượng vũ khí hạt nhân trong tay Mỹ, Matthew Kroenig, chuyên gia tại Đại học Georgetown, Washington D.C, nhận định.
Theo hiệp ước mới nhất ký kết với Nga, Mỹ có thể tăng vũ khí hạt nhân triển khai từ con số 1.300 lên 1.550 hay thêm vào những loại vũ khí mới uy lực hơn, Kroenig đánh giá.
Dười thời Tổng thống Obama, Lầu Năm Góc đã theo đuổi một chương trình tham vọng nhằm hiện đại hóa rất nhiều khía cạnh của hệ thống vũ khí và phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân Mỹ mà giới quan sát ước tính chi phí có thể lên tới 1.000 tỷ USD trong ba thập kỷ.
Không ít chuyên gia phân vân liệu Mỹ có cần duy trì đầy đủ các chân kiềng của bộ ba hạt nhân hay không. James Mattis, tướng thủy quân lục chiến về hưu, ứng viên được ông Trump cân nhắc cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, cũng trăn trở về vấn đề trên.
"Các bạn nên đặt câu hỏi 'Liệu đã đến lúc giảm bộ ba thành bộ đôi hay chưa, loại bỏ các tên lửa trên đất liền thì sao?'", ông Mattis nói trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng một năm ngoái.
Keith Payne, cựu quan chức Lầu Năm Góc, chuyên gia hạt nhân lâu năm, tranh luận đặt mục tiêu hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân vào lúc này là không thức thời. Song bản thân ông cũng không có ý kiến về ý tưởng tăng số lượng vũ khí và phương tiện triển khai vũ khí hạt nhân Mỹ.
James Acton gọi bình luận trên Twitter từ tổng thống đắc cử Mỹ là "chưa từng có tiền lệ" xét về cả nội dung lẫn cách thể hiện. Theo Acton, ông chủ Nhà Trắng tương lai không nên thảo luận một vấn đề nhạy cảm như chính sách vũ khí hạt nhân trên những môi trường như mạng xã hội Twitter.
"Tôi dám chắc thông điệp trên Twitter của ông Trump sẽ được các chính phủ nước ngoài theo dõi cực kỳ sát sao", Acton nói.
Hoang mang
Những bình luận Trump đưa ra suốt chiến dịch tranh cử khiến không ít người cảm thấy ngờ vực về chiều sâu hiểu biết của ông đối với năng lực cũng như vũ khí hạt nhân Mỹ, cây bútKenDilanian từ NBC News nhận xét.
Tại một cuộc tranh luận trực tiếp với đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton, ông quả quyết vũ khí hạt nhân có vai trò vô cùng quan trọng đối với Mỹ nhưng sau đó lại kêu gọi các quốc gia khác cùng gia nhập câu lạc bộ hạt nhân. Nhà tài phiệt New York tuyên bố Mỹ nên từ bỏ việc duy trì chiếc ô phòng vệ hạt nhân cho các đồng minh châu Á nếu họ không đóng góp thêm vào chi phí phòng thủ khu vực hoặc họ cũng có thể tự mình chế tạo bom nguyên tử.
Ông loại bỏ khả năng Mỹ sẽ là bên phát động tấn công hạt nhân trước nhưng đồng thời thể hiện tâm thế sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp cần thiết.
"Tôi nghĩ một khi vũ khí hạt nhân được dùng đến, mọi chuyện sẽ kết thúc", ông Trump nói. "Nhưng cùng lúc, chúng ta cũng phải chuẩn bị. Tôi không thể loại trừ bất kỳ khả năng nào. Bởi hãy nhìn vào những quốc gia ngoài kia, Triều Tiên chẳng hạn, chúng ta chưa làm gì ở đó cả".
Hồi tháng 12 năm ngoái, thời điểm các cuộc bỏ phiếu sơ bộ đang diễn ra, trong một số phiên tranh luận, Trump còn cho thấy ông dường như không biết gì về bộ ba hạt nhân.
Tổng thống Obama cùng một số nhà phê bình đã đặt nghi vấn về việc liệu ông Trump có thực sự đủ khả năng nắm giữ "nút bấm" kích hoạt kho vũ khí hạt nhân Mỹ hay không. 10 cựu quan chức giữ trọng trách điều khiển hoạt động tên lửa hạt nhân Mỹ từng viết một bức thư nhấn mạnh rằng tính khí, năng lực phán đoán, kỹ năng ngoại giao của Trump hoàn toàn không phù hợp để chịu trách nhiệm về kho vũ khí hạt nhân.
Bên trong chiếc valy hạt nhân bất ly thân của tổng thống Mỹ
Theo VNE