Ở Việt Nam, dân một số vùng dùng trúc đào để chữa ghẻ bằng cách giã lá đắp trực tiếp hoặc nấu nước đặc rửa nhưng rất nguy hiểm.
images1420587_10.jpg
Trúc đào (Nerium indicum Mill.) thuộc họ trúc đào (Apocynaceae), có tên khác là đào lê, là cây hoa đẹp được trồng làm cảnh ở các vườn hoa công viên, đường sá, vườn nhà. Thời cổ xưa, người ta ngâm lá trúc đào với rượu để bôi ngoài chữa rắn cắn. Ở Việt Nam, dân một số vùng cũng dùng trúc đào để chữa ghẻ bằng cách giã lá đắp trực tiếp hoặc nấu nước đặc rửa nhưng rất nguy hiểm.
 
Vì toàn cây trúc đào có nhựa đục rất đắng và độc, acid hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin. Y học cổ xưa đã công nhận trúc đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá trúc đào tươi đã bị ngộ độc. Người ăn thịt súc vật chết vì lá trúc đào cũng bị ngộ độc. Qua thử nghiệm người ta thấy rằng, người uống phải nước có lá trúc đào rơi vào hay nước ngâm rễ trúc đào sẽ bị trúng độc.
 
Vỏ và gỗ còn tươi của thân cành trúc đào độc hơn lá. Ở đảo Corse, Pháp, có trường hợp ngộ độc vì ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào và uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào. Hoa trúc đào tuy độ độc thấp hơn ở các bộ phận khác, nhưng rơi vào nước cũng làm nước nhiễm độc. Chất độc vẫn không bị phá hủy ở các bộ phận của cây trúc đào đã được đun sôi hoặc sấy khô. Người ta còn cho rằng, mật ong chứa mật hoa và hạt phấn hoa trúc đào cũng độc.
 
Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao). Do đó, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào, không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không dùng lá trúc đào chữa bệnh ngoài da dưới bất kỳ hình thức nào.
 
Theo sức khỏe và đời sống