(Baonghean.vn) - Tắp quái là tên gọi của bà con người Thái dành cho cây chè hoa vàng, một loài cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao “ngất ngưởng” khi được thu mua trên 3 triệu đồng mỗi kg. Ở Nghệ An, loài cây quý hiếm này xuất hiện nhiều tại địa bàn xã Đồng Văn, Thông Thụ… thuộc huyện Quế Phong.
Chè hoa vàng có chiều cao trung bình từ 3 - 5 m, thường khuất dưới bóng râm các loài cây khác. Từ xa xưa, đồng bào Thái bản địa đã sớm khám phá ra những dược tính vượt trội của nó và áp dụng vào việc bồi bổ sức khỏe, chữa trị một số loại bệnh về đường huyết, hệ tiêu hóa và là thuốc sát trùng hữu hiệu cho các vết thương hay lở loét. Mỗi ngày ăn vài bông hoa vàng, hoặc uống trà ướp hoa vàng sẽ giúp cơ thể tránh được mệt mỏi, ăn ngon ngủ tốt. Thời kỳ ra hoa của chè hoa vàng từ đầu mùa Thu đến cuối Xuân, đây là lúc thời tiết đẹp nhất trong năm với độ ẩm không khí phù hợp để cây phát triển tốt nhất. Trung bình một kg hoa tươi có giá 450.000 đồng, và nếu người dân kỳ công phơi khô, bảo quản, thì giá có thể lên đến 3 triệu đồng/ kg. Thậm chí, có những thời điểm tư thương sẵn sàng bỏ ra tới 4 triệu để sở hữu 1 kg hoa khô này. Những nụ hoa này sau từ 2 đến 3 ngày sẽ nở bung, lan tỏa mùi hương thơm dịu Trước đây, nếu đi sâu vào khu vực rừng các xã Đồng Văn, Thông Thụ từ 7 đến 10 km là có thể bắt gặp trà hoa vàng. Tuy nhiên, trong những năm qua, tư thương đã thu mua, gom hoa rừng tự nhiên rất nhiều nên đến mùa cây ra hoa, người dân lại tập trung vào rừng thu hái. Thậm chí chặt cả cây xuống để lấy hoa. Từ đây số lượng cây chè hoa vàng ngày càng ít đi, chỉ còn vài chục cây và có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Ngoài hoa, lá của chè hoa vàng cũng được người dân ưa chuộng khi om nước hoặc thậm chí đâm nhuyễn và hòa lẫn với nước, khi uống có vị thơm ngon hơn chè thường lại tốt cho tiêu hóa. Gỗ từ thân cây có thể làm đồ gia dụng và hàng mỹ nghệ. Hạt có thể ép lấy dầu... Để bảo tồn và phát triển loài cây quý hiếm này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định số 5529/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020”, trong đó ưu tiên bảo tồn và nhân giống các loại cây thuốc quý, trong đó có chè hoa vàng. Cùng với đó, huyện Quế Phong đã đưa việc nghiên cứu, thống kê và phát triển, nhân giống cây vào định hướng của Nghị quyết Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, với mục tiêu tạo nên dấu ấn mạnh mẽ và hiệu quả trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế cho nhân dân. Hiện nay, huyện Quế Phong đang trồng thử nghiệm trên 1 ha tại địa bàn xã Thông Thụ. Trà hoa vàng có thể giâm bằng lá cho ra rễ, song thời gian từ lúc ra rễ đến lúc ra ngọn non kéo dài hơn. Phổ biến vẫn là giâm cành. Thời gian từ lúc giâm cành tới khi cây ra hoa là khoảng 13 tháng. Hy vọng với sự trăn trở, vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, trong thời gian tới, những vùng cây dược liệu sẽ đem lại ấm no cho cuộc sống đồng bào các dân tộc huyện miền núi biên giới Quế Phong. NPV