(Baonghean) - Bé con nhà tôi hôm rồi tự dưng hỏi: 'Thành phố Vinh nhà ta có dòng sông nào không Ba? Ý con là ngoài sông Lam ra ấy?'.
Thực sự tôi không ngạc nhiên về câu hỏi của con bé mà chợt bất ngờ vì con gái tôi và có thể rất nhiều đứa trẻ khác sinh ra trên mảnh đất này không biết về sự tồn tại của dòng sông Vinh. Dẫu nó ẩn chứa biết bao trầm tích qua dặm dài năm tháng.
Như một sự chuộc lỗi với cô con gái bé nhỏ, vào buổi chiều cuối tuần cha con tôi nào mũ, nào áo đi một vòng tham quan dòng sông phía Nam thành phố Vinh. Khi đứng trên cầu Cửa Tiền nhìn xuống dòng sông nước quạch đỏ, bất chợt bé con lại hỏi: “Sông Vinh giờ đây có quan trọng nữa không ba?”. Tôi đã trả lời rằng dòng sông này vẫn còn quan trọng, nhưng thực sự tôi không dám chắc về điều đã nói với con gái mình.
Sông Vinh xưa kia được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: sông Mới, Cồn Mộc, Cửa Tiền. Tuy vậy, theo một số tài liệu mà tôi đọc được trước đây, tên “húy” của sông Vinh thực ra là Vĩnh Giang. Tên gọi này gắn liền với mảnh đất Kẻ Vĩnh xưa kia. Theo đó, vào cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp đến vùng đô thị này, đã cho xây dựng tòa công sứ phía Tây ngoài thành Nghệ An trên làng Yên Vinh sát với chợ Vĩnh (tiếng Nghệ còn gọi là chợ “Vịnh”). Cũng do người Pháp không nói (đọc) được các chữ có thanh dấu nên dần dà, chợ Vĩnh bị gọi chệch thành “Vinh”, và trong tất cả các văn bản hành chính lúc bấy giờ đều sử dụng chữ “Vinh” khi nói về thị xã nhỏ bé này. Cũng bởi thế Vĩnh Giang từ là tên gọi Hán Việt đã thuần Việt hóa thành sông Vinh.
Còn về tên gọi Cửa Tiền là do sông chảy qua khu vực cửa tiền thuộc thành Nghệ An (thành còn có cửa tả, cửa hữu).
Nói về trầm tích lịch sử, sông Vinh là một phần của Kênh nhà Lê dài hơn 500km nối từ các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh được xây dựng, đào đắp từ thời Tiền Lê vào cuối thế kỷ thứ X. Trong đó, sông Vinh nối từ sông Cấm, qua sông Gai đến các xã, phường: Hưng Thịnh, Cửa Nam, Vinh Tân, Trung Đô trước khi qua ba ra Bến Thủy và đổ ra sông Lam. Có một đầu nguồn khác của sông Vinh xuất phát từ huyện Nam Đàn, khi chảy đến ngã 3 sông ở huyện Hưng Nguyên thì nhập vào để hình thành nên đoạn cuối cùng của Kênh nhà Lê trên đất Nghệ An.
Dẫu không phải là dòng sông dài rộng ngút ngàn bờ bãi, nhưng thuở xưa, sông Vinh - Cửa Tiền được xem là chốn tấp nập kẻ chợ nhất Nghệ An. Trên vùng phía Nam thành phố, với sự có mặt của chợ Vinh, đây là chốn trên bến dưới thuyền, phường buôn bán tứ xứ đổ về. Những ngày chợ phiên, nông sản thực phẩm theo thuyền từ các xã Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tìm đến; gỗ lạt, tre nứa, lợn gà… của người miền ngược xứ Nghệ cũng chèo chống xuôi sông Lam qua Nam Đàn, Hưng Nguyên đổ về.
Không chỉ chở che biết bao nhiêu phận đời, phận người qua năm tháng, từ bao đời nay dòng Vĩnh Giang còn gánh gồng trên mình trọng trách “giải nguy” cho thành phố Vinh vào mỗi mùa mưa, khi ngập lụt. Thành phố hiện đã đầu tư hàng trăm triệu đô la để từng bước hoàn thiện các công trình, hệ thống tiêu thoát nước, nhất là trong điều kiện sức ép đô thị ngày càng gia tăng, nhưng sông Vinh vẫn “đảm nhiệm” giải quyết đến 2/3 lượng nước dồn ứ vào mùa lũ.
Nhưng cái dòng Vĩnh Giang đẹp đẽ ngày nào nó đã khác xa những gì chúng tôi đang nhìn thấy. Đã đành do thời gian, sự phát triển của đô thị, sự “nở” ra của muôn mặt cuộc sống… khiến cho dòng sông Cửa Tiền nó không còn là làn nước trong xanh mơ màng nữa, nhưng sao vẫn thấy tiếc nhớ, hoang hoải. Người ta đã ta thán về sông Vinh nào là: “Dòng sông đang chết”, “bức tử dòng sông”, “báo động ô nhiễm môi trường sông Vinh”…
Tôi không thường xuyên đến Cửa Tiền nên không biết cư dân dọc 2 bên sông đã phải chịu đựng những gì. Tuy nhiên cái ước vọng về một dòng sông đẹp đẽ, mát lành là điều có thật. Cách đây hơn 10 năm, chính quyền thành phố Vinh đã từng xây dựng đề án cải tạo sông Vinh. Theo đó, cùng với việc tìm lại “ký ức” cho dòng sông sẽ biến Vĩnh Giang trở thành một điểm đến trong bản đồ du lịch thành phố. Rằng sẽ có những du thuyền đi từ Vĩnh Giang, xuôi về Bến Thủy đến sông Lam, qua rừng bần ngập mặn ở Hưng Hòa và dừng chân ở Cửa Hội, Cửa Lò…
Cái ý tưởng ấy, nếu làm được thì không gì tuyệt vời hơn, tuy nhiên đó là vẫn là câu chuyện của “thì” tương lai. Điều trước mắt mà cha con tôi đang nhìn thấy vẫn là những bộn bề của cuộc sống hiện tại.
Khi thấy chúng tôi tản bộ trên con đường đôi mới mở đoạn qua khối 6B, phường Cửa Nam, bà cụ bước tập tễnh từ dưới mé sông lên cả nhìn. Chúng tôi tiến đến bắt chuyện. Rồi cùng được bà mời xuống “nhà” chơi. Đó là con thuyền được đúc bằng xi măng cốt thép. Lần đầu tiên được biết về một con thuyền không làm từ gỗ hay vỏ sắt nên bé con nhà tôi không ngừng hỏi. Bà chủ nhà chỉ cười.
Bà cho biết mình tên là Trần Thị Mùi, năm nay 67 tuổi. Gốc gác gia đình bà mãi tận xã Văn Giang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Chồng mất khi bà mới 33 tuổi, nghề sông nước ở quê cũng vì thế không có người làm, bà Mùi chống chèo cùng 5 đứa con đến sông Vinh và ngụ cư chốn này đã hơn 15 năm. “Đời cha, đời ông, đời chồng, đời vợ, đời con, đời cháu đều trên nốc cả” - bà cụ nheo đôi mắt đục nói với chúng tôi. Bà cũng cho biết, mới đầu theo thuyền đến Vinh, gia đình làm nghề bốc vác cát tại bến Cửa Tiền. Thế rồi thành phố dẹp bến cát, bến nứa, bà và các con lại chuyển qua nghề chài lưới như thuở xưa.
Giờ đây trên chiếc thuyền bê tông cũ kỹ chỉ còn bà và cô con gái cùng 2 cháu ngoại, những đứa con khác, đứa thì tách thuyền, đứa lên bờ kiếm việc mong đổi đời. Người con gái đang ở cùng bà Mùi trên chiếc nốc bập bềnh là Hoàng Thị Thắng, năm nay 35 tuổi, chị cũng lại mất chồng cách đây 2 năm do tai nạn giao thông. “Nhà chồng hắn ở Hưng Lợi (Hưng Nguyên - PV), gốc gác cũng làm cá mú dưới nốc, cha chồng cũng mất sớm, nỏ có đất cát chi, bà mẹ giờ đang ở với người con út. Cũng cám cảnh lắm” - bà Mùi giải thích cho việc chị Thắng sao không đưa con về ở nhà chồng mà lại chông chênh cùng với mình trên chiếc thuyền chật hẹp.
Khi chúng tôi ngồi trò chuyện trên mũi thuyền thì trong khoang chị Thắng vẫn nằm yên, chỉ thi thoảng đưa tay gạt lên mắt. Cũng bà cụ Mùi cho biết, con gái mình bị thoát vị đĩa đệm, gai cột sống nên cả tháng nay hầu như không dậy được, việc đơm đó cũng vì thế chẳng ai làm. 2 đứa con chị Thắng, thằng cu lớn năm nay 15 tuổi đã bỏ dở học để giúp gia đình. “Thằng Mậm” - bà cụ gọi đứa cháu ngoài mình như thế sau rồi thở dài: “Hắn lên bờ đi rửa bát thuê, bưng bê cho người ta, tui một mình không làm được dam cua, cá mú nên hàng ngày đến chợ Vinh mua đầu Đông, bán cuối Tây. Gọi là quăng quýt qua ngày chú nà!”.
Chúng tôi rời chiếc thuyền khi những đợt gió cuối chiều bất chợt cuốn thốc trên mặt sông. Trời đã lắc rắc mưa. Tôi chẳng biết nói gì với đứa con gái của mình và cảm nhận nó nắm tay tôi rất chặt. Ừ thì sông Vinh đấy! Mùa này nước đục nhưng sẽ có ngày nước trong.
Đào Tuấn