Là địa bàn dừng chân để gom góp lương thảo, chiêu mộ binh sĩ trong chiến dịch giải phóng miền Tây Nghệ An của nghĩa quân Lam Sơn (1424- 1425), MườngChoọng có nhiều địa danh, hiện vật, câu chuyện liên quan đến những tháng năm oai hùng này. Trong số đó phải kể đến 2 chiếc trống đồng và chiếc vạc nuôi quân được nhiều người biết đến.

Theo già Vy Văn Tuyên ở bản Chọng, xã Châu Lý (Quỳ Hợp) thì 2 chiếc trống đồng này nguyên là trống lệnh của nghĩa quân Lam Sơn, chiếc trống đồng to mỗi lần đánh lên tiếng rền vang, khắp Mường Choọng và vùng xung quanh đều nghe thấy.

762914_small_52540.jpgGià làng Vi Văn Hương ở bản Choọng xã Châu Lý (người đội khăn) lể về trống đồng và vạc nuôi quân.

Chiếc vạc đồng nuôi quân cũng rất đặc biệt, nó đủ lớn để luộc được cả một trâu đực to trong mỗi lần thổi lửa. Là các hiện vật gắn liền với nghĩa quân Lam Sơn nên trống đồng và vạc nuôi quân được người dân Mường Choọng suy tôn là vật thiêng và chỉ dùng vào việc tế lễ ở Đền Choọng.

Hàng năm, khi bắt đầu vào Đám Lục Ngoạt (Rằm tháng Sáu âm lịch) dân bản sẽ biện lễ- dâng hương xin đưa trống và vạc đồng về phục vụ tế lễ tại Đền Choọng (cách nơi cất giữ trống và vạc đồng chừng 4km); tế lễ xong lại lau rửa cẩn thận và làm lễ xin trả về chỗ cũ.

Vì là vật thiêng nên việc cất giữ cũng rất đặc biệt, đời tiếp đời chỉ có duy nhất dòng họ Lương ở Mường Choọng mới có vinh dự được canh giữ, bảo quản. Chiếc trống đồng được cất ở hang núi Thẩm Coọng, (hang núi này hiện nay thuộc địa phận Bản Dền xã Châu Lý); chiếc vạc đồng được đặt trang trọng trên hòn đá to giữa lòng một cây si già rậm rạp, hòn đá này hiện vẫn còn ngay bên cạnh lối vào danh thắng Thác Bìa.

Trải qua thăng trầm thời gian, những hiện vật vô giá này đã bị thất lạc. Song trao đổi với chúng tôi, rất nhiều người cao tuổi ở Châu Lý nói rằng, chính các cụ đã được tận mắt nhìn thấy những vật thiêng này.


Cao Duy Thái