(Baonghean)- Giữa tháng 6, từ Mátxcơva tin vui về học sinh Nguyễn thị Phương Trang, lớp 11C6 đạt huy chương bạc cuộc thi Olympic Tiếng Nga lại về với trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Hạnh phúc này, với riêng Trang và gia đình là một lẽ. Nhưng đó còn là kết quả của một chặng đường dài của trường THPT chuyên Phan Bội Châu với nỗ lực làm sống lại tiếng Nga, văn hóa Nga… 
 
Không khí của lễ đón học sinh Nguyễn Thị Phương Trang trở về từ cuộc thi Olympic quốc tế không rộn ràng như buổi chào mừng hai học sinh Vật lý đoạt giải Olympic Vật lý châu Á một tháng trước. Nhưng điều đó cũng không làm mất đi sự long trọng, nhất là lại một lần nữa, đích thân đồng chí Đinh Thị Lệ Thanh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến chúc mừng và tặng hoa cho Trang và cô giáo Trần Minh Nguyệt - hai người vừa mới đem vinh quang từ quê hương của nhà thơ nổi tiếng Puskin trở về. 
 
images995280_a5_th_y_c___b_n_b__t_ng_hoa_ch_c_m_ng_nguy_n_th__ph__ng_trang.jpgNiềm vui của thầy, cô giáo và học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
 
 
Niềm vui đong đầy trong từng ánh mắt. Riêng đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh thì ôm xiết cô giáo Minh Nguyệt, người đồng nghiệp cũ khi đồng chí đang công tác tại trường. Cái ôm đó, cũng đã thay cho rất nhiều lời nói, nhiều tâm sự bởi hơn ai hết, cách đây mười năm, cô giáo Đinh Thị Lệ Thanh đã hiểu để đưa tiếng Nga trở lại với hệ chuyên ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu khó khăn đến nhường nào. 
 
Nguyễn Thị Phương Trang cũng chỉ trở lại với tiếng Nga cách đây 2 năm, khi em thi đậu vào lớp 10 chuyên Nga của trường, dù trước đó Trang có gần mười năm sống cùng với gia đình ở Nga. Nhưng sống ở Nga là một chuyện, còn học tiếng Nga lại là một điều khác và để học được Trang phải làm quen lại từ đầu như một học sinh vỡ lòng. Và mọi chuyện thật chẳng đơn giản, bởi gọi là hệ chuyên đó, gọi là lớp Nga đó nhưng trong lớp chẳng có nổi một cuốn sách giáo khoa. Tài liệu liên quan đến môn học này cũng thật ít ỏi. Tình trạng đó kéo dài cho đến hết năm lớp 10. May thay, năm ngoái trong một lần lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về thăm trường, cô giáo Trần Minh Nguyệt mới kiến nghị thực trạng này. Sau đó, chủ trương in lại sách giáo khoa Tiếng Nga mới được khởi động lại. Cô và trò lớp chuyên Nga từ đấy cũng mới chấm dứt tình trạng học tiếng Nga bằng sách pho to.
 
Cô giáo Minh Nguyệt, cô giáo chủ nhiệm còn chính là người khơi lại ngọn lửa đam mê tiếng Nga cho Phương Trang. Vì trong thực tế, đã có những lúc Trang và nhiều bạn khác trong lớp đã coi tiếng Nga chỉ là một cứu cánh để vào trường, còn mục đích đeo đuổi vẫn là tiếng Anh, một ngoại ngữ đang thịnh hành và sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn khi đăng ký vào các trường đại học. Nhưng rồi, với tình cảm của một người đã có nhiều năm được học đại học tại Nga, được tiếp xúc với văn hóa Nga, với con người Nga, dần dần cô Nguyệt đã truyền được cảm xúc đó sang học trò. Và lẽ dĩ nhiên, càng học Trang càng thấm những điều cô dạy bảo và càng học, những ký ức xưa của Trang cùng với bố mẹ khi đang sống ở vùng ngoại ô thuộc Thành phố Saria lại trở về. Trang cũng không quên rằng, ngày em cùng gia đình rời nước Nga, dù biết điều đó sẽ đồng nghĩa với việc chấm dứt những ngày lao động vất vả của bố mẹ ở xứ người nhưng riêng mẹ em thì lòng vẫn canh cánh. Chị vẫn mơ ước, một ngày nào đó, Trang sẽ được trở lại nước Nga, được học tập ở nước Nga, nơi có nhiều trường đại học lớn, nơi có nhiều thầy giáo, cô giáo ưu tú. Những điều mà thế hệ của chị, những người đi xuất khẩu lao động chưa từng dám nghĩ tới.
 
Và không thể ngờ rằng, chưa cần vào đến đại học thì 17 tuổi Trang đã được đại diện cho đất nước Việt Nam đến tham dự cuộc thi Olympic Tiếng Nga cùng với hơn 200 học sinh khác trên toàn thế giới. Chỉ có điều, khi vừa đặt chân đến thủ đô Mátxcơva, chưa kịp cảm nhận lại quê hương của Lê Nin, của Puskin, của những cây cầu cổ kính thì Trang và các bạn trong đoàn đã phải rơi vào tình trạng lo lắng. Đơn giản, vì đây gọi là cuộc thi nói tiếng Nga nhưng khi gặp thí sinh của các nước khác, đoàn Việt Nam không phân biệt được đâu là người Nga, đâu là người nước ngoài. Sự lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở, bởi sau này mọi người mới biết phần đa những thí sinh này đều đến từ những nước nguyên là Liên Xô cũ hoặc có nguồn gốc từ Liên Xô. Mẹ của Trang, chị Nguyễn Thị Hà thì kể lại rằng: Đến Nga, vừa thấy con vào facebook được khoảng 5 phút, chưa kịp hỏi gì thì đã thấy con đánh một dòng chữ: “Chưa thi đã biết thua rồi”. Lúc đó, tôi cũng không hiểu lý do vì sao, chỉ thấy thương con và mong con đủ nghị lực để vượt qua trở ngại tâm lý đầu tiên này. 
 
Nhưng đó không phải là khó khăn đầu tiên. Trước đó, ngày 12/5, Trang và cô giáo Nguyệt nhận được thông tin đã trúng tuyển vào đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Tiếng Nga. Cũng ngày hôm đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã yêu cầu cô và trò phải ra tập trung ôn thi ở Hà Nội vào ngày 13/5. Thời gian chuẩn bị một ngày, chưa đủ cho cả hai chuẩn bị hành lý, làm hộ chiếu và nhiều thủ tục khác thì nhận được thông tin phải làm gấp một bài thuyết trình với mục đề: “Tôi muốn nói với bạn” viết về mối quan hệ giữa Việt Nam và nước Nga. Vậy là để kịp ngày 15/5 gửi bài ra Hà Nội, cả hai cô trò đã phải chạy đua với thời gian và trên thực tế so với các bạn khác trong đội tuyển, sự chuẩn bị của Trang bị cập rập hơn rất nhiều.
 
Đó là chưa kể, ngay cả chính cô giáo Trần Minh Nguyệt cũng lúng túng chẳng biết phải xử lý đề thi này như thế nào bởi đã bao giờ học sinh Trường Phan tham dự cuộc thi Olympic Tiếng Nga quốc tế đâu. Sau này, cô vẫn mãi ân hận và thấy có lỗi bởi đó là lý do, điểm thuyết trình của Trang thấp hơn rất nhiều với các thí sinh khác. Riêng ở các nội dung thi của phần đọc hiểu và phần đất nước học thi tại Nga, dù Trang bắt phải đề thi rất khó và một mình phải đối diện với 5 giám khảo nước ngoài nhưng Trang lại tự tin thể hiện xuất sắc. Trang đạt điểm cao ở các nội dung này cũng không nằm ngoài dự đoán, bởi ngay từ những ngày ôn thi, dù ít tuổi hơn các anh chị và không có nhiều sự hậu thuẫn nhưng Trang vẫn là học sinh được các thầy cô ở Phân viện Puskin tại Hà Nội đánh giá là “học sinh có sự tiến bộ nhanh nhất”.
 
Tấm Huy chương Bạc đạt được trong lần “ra quân” đầu tiên của học trò Trường Phan tuy chưa phải là thành tích cao nhất của đội tuyển Việt Nam ở cuộc thi này nhưng cũng là một kết quả rất đáng tự hào. Riêng Trang, thành tích chỉ là một phần, điều lớn hơn mà em nhận được sau cuộc thi chính là tình cảm, tình thân hữu của học sinh các nước. Một câu chuyện mà Trang, cô giáo Nguyệt và các thành viên trong đoàn cũng chưa quên, đó là lần làm quen với các thí sinh đến từ Trung Quốc. Khi đó, trong buổi lễ khai mạc, dù học sinh của Việt Nam và Trung Quốc được xếp ngồi gần nhau nhưng các thí sinh Việt Nam rất thắc mắc và hỏi các thầy cô giáo đi trong đoàn: “Tại sao các bạn Trung Quốc lại tỏ ra nghiêm túc, không muốn nói chuyện với đoàn Việt Nam”. Đem vấn đề này hỏi một học sinh của đoàn Trung Quốc thì mọi người bất ngờ khi nhận được câu trả lời: Học sinh Trung Quốc cảm thấy ngại, cảm thấy xấu hổ khi đứng trước các bạn Việt Nam. Cũng từ câu trả lời chân thành đó, nên sau này đoàn học sinh của Việt Nam và Trung Quốc đặc biệt thân nhau, thường xuyên trò chuyện với nhau. Chẳng những thế, hai nước còn được xếp ở cạnh phòng tại khách sạn, lúc lên nhận thưởng, đoàn Trung Quốc rồi đến đoàn Việt Nam, lúc ra sân bay lại cùng chung một chuyến xe buýt. Cảm động trước tình cảm chân thành của học trò hai nước, trong lời kể khi trở lại Trường Phan Bội Châu, cô giáo Minh Nguyệt nói rằng: Giới trẻ tất cả các nước muốn hòa bình hữu nghị, và đó là một thông điệp mà các cấp chính quyền cần phải suy nghĩ.
 
Chuyến trở lại nước Nga sau gần 30 năm xa cách của cô giáo Trần Minh Nguyệt cũng có một kỷ niệm khó quên, đó là cô được gặp lại cô giáo Rana, cô giáo chủ nhiệm cũ của cô khi đang theo học ngành Văn học và Ngôn ngữ học ở Nga. Khi hai người gặp nhau, một người ở vị trí giám khảo, một người ở vị trí là giáo viên đang đưa học sinh đi thi quốc tế, cả hai đã không dấu được niềm xúc động, nhất là khi cô biết rằng lớp học trò ngày xưa mà cô làm chủ nhiệm nay chỉ còn duy nhất một cô học trò Việt Nam là còn đeo đuổi tiếng Nga. Nhận được sự trân trọng này, cô giáo Minh Nguyệt lại càng tin rằng, con đường đi mình đã chọn hiện nay là đúng đắn và không ân hận dù trở lại với tiếng Nga cô đã phải ngắt quãng 10 năm làm giáo viên Tiếng Anh và đã có những giai đoạn phải tập làm quen tiếng Nga lại từ đầu theo kiểu: “thầy học trước, trò học sau”. Đồng thời, cô lại thầm cảm ơn tới cô giáo Đinh Thị Lệ Thanh, người hiệu trưởng cũ ngày xưa đã kiên trì, thuyết phục cô trở lại Trường Phan, kế tục lớp giáo viên trước đã đến tuổi về hưu để gây dựng lại lớp chuyên Nga ở trường. Cô cũng thầm cảm ơn tới những học trò, đã vượt qua nhiều khó khăn, nhiều nghi ngại để cùng cô và nhà trường gắn bó với tiếng Nga, đưa lớp chuyên Nga thành một trong những lớp chuyên có thành tích cao nhất ở trường.
 
Chiến thắng này, cũng hy vọng sẽ mở ra một giai đoạn mới về học tiếng Nga của học sinh Nghệ An. Và chắc chắn đây sẽ là phương thức ngắn nhất, hữu hiệu nhất nối Việt Nam, với nước Nga và với các nước trên thế giới xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn và cùng chung sống hòa bình trên trái đất này.
 
Mỹ Hà