Liên minh châu Âu (EU) đang hợp tác với Hàn Quốc để cùng nhau nghiên cứu thế hệ tiếp theo của công nghệ di động băng thông rộng, với hy vọng kinh nghiệm của quốc gia châu Á này sẽ giúp EU bắt kịp trong lĩnh vực mà EU đang bị Mỹ và châu Á vượt qua.
Vào những năm 90 của thế kỷ trước, châu Âu từng dẫn đầu trong sự cạnh tranh của công nghệ mạng di động GSM, tiêu chuẩn ban đầu cho các mạng điện thoại di động, tuy nhiên sau đó các nước EU đã bị Mỹ và các quốc gia châu Á vượt qua trong việc phát triển và triển khai công nghệ di động băng thông rộng 4G.
Trong khi đó, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có mạng băng thông rộng di động nhanh nhất thế giới và là quốc gia dẫn đầu về phát triển công nghệ băng thông rộng không dây. Đây cũng là “quê nhà” của 2 trong số những hãng sản xuất lớn nhất thế giới là Samsung và LG.
Do vậy, liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hợp tác cùng Hàn Quốc để nghiên cứu và phát triển thế hệ tiếp theo của mạng di động băng thông rộng (5G) với hy vọng kinh nghiệm của Hàn Quốc sẽ giúp EU bắt kịp trong lĩnh vực di động băng thông rộng, một lĩnh vực quan trọng trong phát triển kinh tế và việc làm.
Trên lý thuyết, mạng di động 5G hứa hẹn sẽ mang lại tốc độ kết nối tốt hơn so với mạng 4G hiện tại để đối phó với số lượng người dùng Internet di động ngày càng tăng. EU ước tính một bộ phim chất lượng cao chỉ mất 6 giây để tải về từ Internet thông qua công nghệ mới, so với 6 phút của mạng 4G trước đây.
Trước đó các doanh nghiệp tại châu Âu đã nhiều lần kêu gọi EU nâng cao chất lượng cơ sở hạn tầng thông tin liên lạc di động tại các quốc gia ở châu Âu, cho rằng mạng lưới không tương xứng để cản trở quá trình tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, nhất là trong thời điểm châu Âu đang dần thoát ra khỏi cuộc suy thoái kéo dài.
“Mạng 5G sẽ trở thành huyết mạnh mới của nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số khi nó được ra mắt”, Neelie Kroes, Ủy viên về viễn thông của EU cho biết trong một thông cáo được đưa ra về sự hợp tác giữa EU và Hàn Quốc.
Kroes cũng cho biết thêm Hàn Quốc và EU đã đồng ý cùng nhau phát triển và dự kiến sẽ triển khai mạng 5G vào cuối năm 2015, đồng thời cả 2 sẽ cùng làm việc để đảm bảo cung cấp tần số vô tuyến cần thiết để hỗ trợ cho hệ thống mạng mới.
Trước đó vào tháng 12 năm ngoái, EU cho biết sẽ đầu tư 700 triệu Euro (953 triệu USD) để nghiên cứu và phát triển công nghệ mạng 5G trong vòng 7 năm tiếp theo. Các hãng viễn thông lớn tại EU cũng đầu tư 3 tỷ Euro vào quá trình nghiên cứu và phát triển này.
Hãng viễn thông và sản xuất smartphone Trung Quốc Huawei ra thông báo hồi tháng 11 năm ngoái cũng cho biết kế hoạch đầu tư 600 triệu USD để nghiên cứu mạng 5G và dự kiến công nghệ mạng này sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2020.
Hồi cuối tháng 1 vừa qua, Bộ Giáo dục, khoa học và công nghệ (MEST) Hàn Quốc cho biết sẽ đầu tư số tiền 1,6 nghìn tỷ Won (tương đương 1,5 tỷ USD) để phát triển công nghệ mạng 5G, cho tốc độ nhanh hơn gấp 1.000 lần so với mạng 4G LTE, cho phép người dùng có thể nhanh chóng download một bộ phim đầy đủ (thường có dung lượng 800MB) chỉ trong vòng 1 giây.
Ban đầu, MEST dự định sẽ thử nghiệm dịch vụ mạng 5G vào năm 2017 và thương mại hóa dịch vụ này vào năm 2020. Tuy nhiên có vẻ như việc hợp tác cùng EU có thể giúp Hàn Quốc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển và triển khai công nghệ mạng 5G tại quốc gia mình.
Theo Hà Nội mới