(Baonghean) - Ở xã Na Loi (Kỳ Sơn), nghề nuôi ong lấy mật có từ lâu, người dân chủ yếu nuôi với hình thức tự phát, nhỏ lẻ với mục đích phục vụ nhu cầu của gia đình. Từ năm 2012, từ thực tế mối lợi đưa lại từ nuôi ong, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đã phối hợp với Dự án VIE/028 (dự án hỗ trợ phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An do Luxemburg tài trợ) triển khai nhiều lớp tập huấn và xây dựng các mô hình nuôi ong lấy mật làm hàng hóa... 

Với trên 50 đàn ong, gia đình anh Lương Văn Nam ở bản Na Khướng, xã Na Loi, mỗi tháng thu từ 70 đến 80 chai mật, bán được từ 15 - 20 triệu đồng. Anh Nam cho biết: Lúc đầu, gia đình được Hội Nông dân huyện hỗ trợ 2 đàn ong giống. Sau hơn 3 năm, chịu khó nắm bắt kỹ thuật chăm sóc, anh Nam đã tự tạo ong chúa và nhân tách được 48 đàn. Sản phẩm mật ong của gia đình anh nay không kịp đáp ứng cho khách đến thu mua tại nhà; thu nhập của gia đình ổn định từ 80 - 85 triệu đồng/năm, vơi bớt rất nhiều khó khăn.
 
Mô hình nuôi ong của gia đình anh Nam được nhiều gia đình ở xã Na Loi đến học tập. Hiện nay trên địa bàn xã có trên 200 đàn ong mật, với gần 10 hộ tham gia nuôi từ nhận ra lợi thế nuôi ong mật cho thu nhập khá nhưng đầu tư ban đầu thấp, không tốn công sức và thời gian chăm sóc, lại tranh thủ được thời gian nhàn rỗi lúc nông nhàn. Nói về hiệu quả bước đầu của các mô hình nuôi ong trong xã, ông Lương Văn Mằn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Loi cho biết thêm: Từ khi các hội viên hội nông thấy mô hình nuôi ong mật của anh Lương Văn Nam có hiệu quả và cho năng suất, họ đến học hỏi kinh nghiệm và đi bắt ong rừng về nuôi mỗi hộ khoảng 3 đến 4 đàn và đã có một số hộ có thu nhập từ bán mật. 
 
Nói lên những nỗ lực của Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn trong việc xây dựng và triển khai các mô hình nuôi ong, ông Lô Hải Phòng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho hay, toàn huyện có 80 hộ tham gia tập huấn nôi ong, bước đầu dự án Dự án VIE/028  hỗ trợ 2 thùng ong/hộ và một số dụng cụ. Ngoài ra, hội mời giảng viên về tập huấn khoa học kỹ thuật cho từng loại mô hình, sau đó tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả và phát triển tiếp các mô hình sau này. Hiện tại, thành công nhất trong phát triển mô hình nuôi ong là ở xã Na Loi như đã nói trên… Quá trình nuôi cho thấy, với lợi thế về đất rừng tự nhiên lớn, đa dạng về chủng loại thực vật, cây cối quanh năm xanh tươi, hoa trái bốn mùa, hứa hẹn mang lại một nguồn thu không nhỏ từ nghề nuôi ong mật cho đồng bào các dân tộc huyện miền núi cao Kỳ Sơn.
 
Lữ Phú (Kỳ Sơn)