(Baonghean) - Mỹ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất, còn Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu và nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
Theo IMF dự báo tháng 10/2016, GDP toàn thế giới chỉ tăng trưởng 3,1% năm đến hết 2016 và sang 2017, con số này là 3,4%. Đây là mức giữ nguyên so với dự báo tháng 7/2016, nhưng vẫn thấp hơn 0,1% so dự báo hồi tháng 4/2016.
Theo WB, tăng trưởng thế giới tiếp tục duy trì ở mức 2,9% trong năm 2016 và 3,1% trong năm 2017. Mỹ giữ nguyên mức tăng 1,5% GDP trong năm 2016 và sẽ đạt 2,1% GDP trong năm 2017. Nhật Bản cũng giữ nguyên ở mức tăng 0,7% GDP trong năm 2016 và 0,9% trong năm 2017. Trung Quốc hứa hẹn đạt 6,7% GDP và 6,2% GDP năm 2017.
Trong dự báo kinh tế mới nhất công bố ngày 28/11, bất chấp những quan ngại về kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) lạc quan nhận định rằng chính sách thúc đẩy chi tiêu công và cắt giảm thuế (cắt giảm thuế doanh nghiệp lớn nhằm kích thích đầu tư, đồng thời cam kết rót 550 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng cơ sở yếu kém) của vị tỷ phú này sẽ giúp nền kinh tế số một thế giới tăng trưởng 2,3% GDP trong năm 2017 và tiến tới đạt mức 3% trong năm 2018, tăng gấp đôi so với mức 1,5% của năm 2016.
Chiến thắng đầy kịch tính của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và chủ trương cam kết lấy lại việc làm ở ngành sản xuất cho nhân công Mỹ, với tuyên bố hôm 2/12: “Không có một bài quốc ca của toàn cầu, không có một đồng tiền chung toàn cầu, không có chứng nhận công dân toàn cầu. Chúng tôi cam kết chỉ với một lá cờ và đó là lá cờ nước Mỹ… Từ giờ trở đi, nước Mỹ sẽ là trên hết” sẽ đặt ra nhiều vấn đề về chính sách trong tương lai của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Những thay đổi này là khá sâu sắc và sẽ có tác động tới thực tế không chỉ những tháng tới, mà cả những năm tới.
Kinh tế Việt Nam dù nhiều thách thức, nhưng ngày càng khởi sắc
Năm 2016, kinh tế Việt Nam tăng trưởng khoảng 6,3 - 6,5% GDP, thấp hơn kế hoạch, nhưng vẫn cao gấp đôi mức trung bình toàn thế giới. Các cân đối vĩ mô được bảo đảm, lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ cao nhất và xuất siêu trở lại. Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế được hội tụ từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; so với năm trước, tổng cầu tiêu dùng vẫn tăng khá; Tổng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế tăng 15,1%; Thị trường chứng khoán tăng gần 20% và mức vốn hóa thị trường đạt 38% GDP; Đầu tư gián tiếp tăng trên 20%. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh. Cân đối thu - chi NSNN vẫn được bảo đảm nhờ tỷ lệ đạt kế hoạch thu cao hơn tỷ lệ kế hoạch chi NSNN, dù buộc nới thêm trần nợ Chính phủ từ 50% GDP thành 55% GDP.
Sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng hồi phục, với nhiều điểm mới tích cực trong nông nghiệp được ghi nhận, nhờ ứng dụng công nghệ cao và nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới được chuyển giao, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện cả nước đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, 100% diện tích điều trồng mới được sử dụng giống mới…, đưa Việt Nam thuộc vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo.
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, nền kinh tế trong năm 2017 sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, từ môi trường kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn truyền thống và phi truyền thống; thiên tai, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công tăng nhanh); tiến trình tái cơ cấu tổng thể còn chậm; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, vấn đề nợ xấu tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho phát triển kinh tế bền vững trong năm 2017.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ được cải thiện khá, có khả năng đạt mức 6,7%, nhờ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân trở thành động lực chính của năm 2017, cũng như nhờ giá năng lượng và nông sản thế giới dự báo phục hồi.
Việt Nam tiếp tục đảm bảo thanh toán đầy đủ, kịp thời các khoản nợ đến hạn theo cam kết; đồng thời, cơ chế vay quản lý nợ công sẽ đậm tính thị trường hơn, nhất là cơ chế cho vay lại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Mỹ sẽ vẫn là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất, còn Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu và nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.
Đáng quan ngại là nhập siêu từ AEC, Hàn Quốc và Nhật Bản có xu hướng tiếp diễn. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo động lực mở rộng thêm các hoạt động đầu tư xã hội gia tăng, được thể hiện ở sự gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, gia tăng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, vốn bổ sung đầu tư mở rộng và vốn thực hiện của FDI và vốn giải ngân từ NSNN.
Theo tinh thần Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước và nợ công; Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP.
Áp lực thất nghiệp và giảm nghèo đói vẫn là thách thức không nhỏ cho các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn và đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề…
T.S Nguyễn Minh Phong