(Baonghean) - Quốc hội lại bàn về công tác phòng, chống tham nhũng. Những cụm từ quen thuộc như “tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp”, “Tình trạng nhũng nhiễu trong khu vực công còn nhiều, biểu hiện qua nạn hối lộ, lót tay, chạy chọt khi giao dịch với các cơ quan công quyền”, “các vụ việc tham nhũng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn”,… lại được nhắc lại như đã từng được lặp đi, lặp lại trong nhiều năm qua và trở thành điệp khúc quen thuộc.

images1404034_tham_nhung.jpgẢnh có tính chất minh họa (Nguồn: Internet)
Vì là quen thuộc cho nên người nghe biết ngay là hiệu quả của công tác vẫn như ngày xưa. Nghĩa là có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Vấn đề đặt ra ở đây là tại nước ta có một hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng khá đầy đủ, gần như không thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới, quyết tâm chính trị của chúng ta rất cao mà sao kết quả lại vẫn chưa đạt được mục đích đề ra.
 
Lý giải cho sự hạn chế này, có ý kiến cho rằng ta chống tham nhũng chưa chú trọng làm từ gốc vì tham nhũng được định nghĩa là việc sử dụng quyền năng do chức vụ mang lại để hưởng lợi bất chính. Muốn chống tham nhũng hiệu quả thì quan trọng nhất là phải khắc chế được việc lợi dụng các quyền năng này để trục lợi cá nhân. Trong khi đó, ở ta, việc phòng, chống tham nhũng thường đặt quá nặng việc tìm kiếm các chế tài chống tham nhũng và ít chú trọng đến các biện pháp phòng ngừa. Trên thực tế, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như bắt buộc kê khai tài sản nhằm kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trả lương qua tài khoản hay xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng ở nơi được giao phụ trách,… chúng ta đã làm nhưng phải nói là làm rất hình thức, chưa thật tâm và thiếu cương quyết nên hiệu quả không cao nếu như không muốn nói là không có.
 
Lý giải vấn đề như thế là đúng nhưng hẳn đã trúng. Vì lẽ, công tác phòng ngừa tham nhũng dù làm tốt đến mấy mà việc chống tham nhũng không kiên quyết, không triệt để người ta cũng dễ nảy sinh tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Chúng ta vẫn nói rằng muốn giải quyết tận gốc nạn tham nhũng phải làm sao cho người ta không có cơ hội tham nhũng và cả không dám tham nhũng. Để không có cơ hội thì phải làm tốt công tác phòng ngừa, còn để không dám thì phải làm tốt công tác chống. Mà cụ thể là xử lý đến nơi, đến chốn hành vi tham nhũng.
 
Người tham nhũng không những bị xử lý theo quy định của pháp luật, mà tài sản tham nhũng cũng phải được thu hồi đầy đủ. Nghĩa là khi bị phát hiện thì “thành quả” bao nhiêu năm bòn rút của công trở thành công cốc. Tiền của tham nhũng được đều bị tịch thu, truy thu hết  mà tội thì vẫn phải mang. Thậm chí là tội nặng. Làm được như thế thì bảo đảm là rất ít người dám tham nhũng. Thế nên, khác với bên ngành Y là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hay bên phòng cháy, chữa cháy là “phòng cháy hơn chữa cháy”, ở trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng thì trị thật nặng tội tham nhũng là cách phòng tham nhũng hiệu quả nhất. Ví von một chút cho sinh động thì trong công tác phòng chống tham nhũng “trị bệnh là phòng bệnh”.
 
Duy Hương