(Baonghean) - Bình thường, có những chuyện xảy ra tưởng như không hề liên quan, dính dáng gì đến nhau, song càng ngẫm nghĩ càng thấy, thật ra mọi chuyện đều liên quan với nhau hết. Sự liên quan đó có thể là vô hình, hữu hình hay đậm nhạt khác nhau nhưng dứt khoát là đều có “dây mơ, rễ má” với nhau cả.
Như chuyện vừa xảy ra cách đây mấy hôm ở tỉnh Long An. Ở đó, có một cây cầu được làm từ thời thực dân Pháp đô hộ. Lo sợ cây cầu già yếu có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, gây hại tới người qua lại nên người ta đã quyết định phá dỡ nó để xây một cây cầu mới. Nhưng hiềm một nỗi là cầu cổ, già nua tuổi đời cả trăm năm lại không hề ọp ẹp, rệu rã như người ta vẫn tưởng. Ngược lại, các xe cuốc kể cả những loại tối tân, hạng nặng sau khi bổ vài nhát đều thúc thủ trước sự rắn chắn hơn cả đá, đồng. Như lời miêu tả của một ông nhà báo xứ đó thì cuốc nhát nào là “thốn” nhát đó. Những tiếng ầm ầm cứ vang lên, nhưng cây cầu vẫn thản nhiên như không. Và rồi cần cuốc nện ầm thêm một phát, sau đó là bất… tỉnh. Kiểm tra, cây “ti” cần cuốc đã hư luôn. Cây cầu với tuổi thọ trăm năm đang làm thốn những xe cuốc tối tân nhất, có nghĩa là nó cũng làm thốn cái nguyên nhân “quá yếu”, làm thốn nỗi lo “sợ nhất là cầu cũ quá, lỡ sập dẫn tới chết người là nguy to”.
Đến đây, mới hóa ra là cây cầu không yếu như người ta nghĩ hay chính xác là như người ta mong muốn để có lý do chính đáng lấy tiền ngân sách xây một cái cầu mới. Cũng từ đây mới lộ ra chuyện làm ăn tắc trách, cẩu thả một số người có trách nhiệm cứ tuyên bố cầu yếu cần dỡ bỏ mà không thèm tổ chức thẩm định, đánh giá nó có thật sự yếu hay không. Và cũng từ đây, người ta liên tưởng đến một số cây cầu mới xây, rất hiện đại ở trong vùng, như ông nhà báo xứ đó liệt kê: Cầu Vĩnh Bình, kiến trúc dây văng, kinh phí 2,5 tỉ đồng, khánh thành ngày 13/5. Tới 26/5, vài vết nứt bắt đầu xuất hiện ở mố cầu. Chính quyền đúng là chỉ vừa kịp dựng rào chắn thì hôm sau (27/5) khi “trời có gió”, cây cầu 2,5 tỷ đồng đổ sập, “thọ” 12 ngày tuổi. Ngày 22/10, cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây với tổng vốn đầu tư 15 tỷ đồng đang xây thì sụp mố. Ngày 24/10, một cây cầu mới xây là cầu Chùa Nổi bị chính quyền “yêu cầu kiểm tra để đảm bảo an toàn”. Nguyên do được một tờ báo ghi nhận: Hễ cứ có xe qua là cầu rung lắc dữ dội khiến người ta không thể không nín thở. Và một câu hỏi đặt ra là tại sao có cây cầu trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt đúng kiểu “ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời” và tại sao có những cây cầu xây xong đã sập hay đang chờ sập. Lý do tại sao?
Hỏi vậy có vẻ hơi thừa, dĩ nhiên cầu bền vững vĩnh cửu hay làm xong là hỏng thì đều do chất lượng tốt hay kém. Mà chất lượng thì không chỉ phụ thuộc vào trình độ, lương tâm nhà thầu thi công mà còn phụ thuộc vào cả trình độ, lương tâm của những người trực tiếp thi công. Chính là những người lao động. Đem so sánh cây cầu cũ và những cây cầu mới thì thấy rõ ra là tay nghề của người lao động ngày xưa tốt gấp nhiều lần người lao động thời nay. Như vậy, rõ ra là người lao động thời nay, cho dù được nhiều phương tiện máy móc hỗ trợ, có các vật liệu có độ bền cao nhưng chất lượng vẫn không địch lại được với người xưa.
Vậy có phải do tay nghề kém hơn trước hay là còn có một lý do nào khác ở đây? Đến đây mới nhớ ra nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn có một bài viết nói về tình trạng nghề nghiệp của con người đương thời. Trong đó, ông có nêu nhìn vào các nghề thủ công, nhiều người có tuổi và kỹ tính một chút thường nhận ngay ra rằng nếu so với một người thợ ngày xưa thì thợ bây giờ non tay hơn nhiều. Những ngôi đình, ngôi chùa nổi tiếng, giá bảo bây giờ dựng lại không sao dựng nổi. Thử đặt những cái chuông cũ trước cánh thợ đúc, những pho tượng trước cánh thợ mộc… Có cho tiền tỉ các vị cũng lắc đầu không dám nhận làm. Và ông đi đến nhận định: Đang diễn ra sự tha hóa của người lao động ở trong xã hội đương thời.
Con người thời nay suy thoái so với ngày xưa. Dối trá, lừa lọc, làm bậy bất chấp luật pháp… Còn một khía cạnh khác đơn giản hơn: Sự lỏng lẻo trong mối quan hệ con người với công việc. Sự kém cỏi trong chất lượng công việc mà họ hoàn thành. Có lẽ không nước nào như ở nước ta, hàng hoá chỉ được những mẻ đầu, càng về sau càng hỏng. Nhiều con đường mới làm đã nứt vỡ toe toét. Đình chùa được tu bổ ngày một lai căng xa lạ... Xảy ra tình trạng lộn xộn không chỉ do sự dễ dãi thiếu chuẩn mực cùng sự kém cỏi của những người cầm trịch mà còn do sự tha hoá của bản thân người lao động. Nhiều người thiếu hẳn sự tha thiết với công việc hàng ngày vốn là lẽ sống của mình.
Đến đây thì hẳn mọi người đã nhận ra mối liên hệ giữa chuyện cầu cũ, cầu mới tít tận Long An với bài viết chơi trên “phây-búc” của một nhà nghiên cứu. Và nhờ đó mà nguyên nhân vì sao “cầu già khỏe, cầu trẻ yếu” đã được chỉ ra một cách sinh động và sâu sắc. Đó chính là do sự suy thoái, sự tha hóa nhân cách, nghề nghiệp của người lao động nói riêng và đó chính là góc tối trong con người đương thời nói chung.
Bụt Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|