(Baonghean) - Đã chớm đông, và cái rét hanh với những cơn mưa phùn bất chợt ngày này không hề làm giảm đi không khí chào mừng ngày mà bao thế hệ học trò nói riêng và toàn xã hội nói chung thể hiện sự tri ân, tôn vinh những thầy, cô giáo đáng kính của mình. Trên mọi ngả đường, trong các trường học, đều một không khí chộn rộn tươi tắn muôn sắc hoa, ấm áp chân thành lời chúc...
Lại muốn nhắc đến câu nói mộc mạc của cha ông xưa hàm chứa cả một triết lý về giáo dục của người Việt: “Không thầy đố mày làm nên”, hay mềm mại răn nhủ bằng câu ca dao - tục ngữ “muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”! Ngày nay hơn đâu hết, với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, mỗi người Việt đều hiểu người thầy giáo là trung tâm, là yếu tố quyết định thành bại của sự nghiệp giáo dục. Vai trò, những đóng góp lớn lao của người thầy trong sự nghiệp “trồng người” luôn luôn được khẳng định.
Các thầy, cô giáo luôn là những người đưa đò tận tuỵ, thầm lặng chở biết bao thế hệ học trò sang những bến bờ tri thức mới. Tự hào khi Việt Nam ta có ngày Hiến chương các nhà giáo (20/11) để các thế hệ học nhớ về, tri ân những người thầy giáo của mình… Chia sẻ về điều ấy, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Nguyên - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 1, đã rời xa bục giảng gần 20 năm, như không muốn dứt về kỷ niệm của những ngày thầy và các học trò phải đồng cam cộng khổ với nhau đi sơ tán. Thầy đã thoát chết trong gang tấc sau một trận bom Mỹ ở Nghi Lộc vào những năm 1971 - 1972 của Trường THPT Nghi Lộc 3. Lớp học trò ấy nay có người đã là cán bộ cao cấp của Trung ương, người đang giữ trọng trách quan trọng của tỉnh, nhưng nay gặp lại thầy giáo cũ vẫn như được là một học trò nhỏ bên thầy. Cứ đến ngày lễ, tết như thế này nếu không về thăm được lại tíu tít gọi điện hỏi thăm với tiếng “thầy ơi” thật thân thương. Chia sẻ về nghiệp “trồng người”, thầy Nguyên tâm sự: “Nghề thầy giáo thành công lớn nhất chính là nhìn thấy học trò trưởng thành, thành đạt. Trò giỏi, thì thầy cũng thấy vinh dự, thấy hạnh phúc. Chúng tôi cũng thấy tự hào bởi ở trên bục giảng là thầy, ra ngoài đường cũng được gọi là thầy, bất cứ lúc nào cũng được tôn trọng gọi thầy và chữ thầy ấy là mãi mãi. Điều đó buộc chúng tôi phải luôn trau dồi đạo đức, tư cách, phải làm thế nào xứng đáng với chữ thầy”.
Cả xã hội luôn tôn vinh sự học và cùng chung tay góp sức cho sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Tại Nghệ An, trong thời gian qua công tác xã hội hóa đã đem lại hiệu quả tích cực, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khuyến học, khuyến tài; góp phần nâng cao chất lượng dạy và học toàn diện. Mỗi năm toàn ngành Giáo dục Nghệ An thu được hơn 100 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Riêng trong năm học 2013 - 2014, đã huy động gần 180 tỷ đồng, góp phần rất lớn trong việc thay đổi diện mạo của các trường học, đưa số trường chuẩn quốc gia lên 847 trường. Năm học 2014 – 2015, sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp giáo dục lại càng được khẳng định khi Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết tâm thực hiện “đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục” theo tinh thần của Nghị quyết 29/NQ/TƯ đã được cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể. Đón nhận, những thay đổi mang tính đột phá này, không thể không có những suy tư, trăn trở mới, điều đó, cũng đã, đang được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Ở Trường THPT Tương Dương 2, trước thực tế chất lượng giáo dục nhiều năm đạt kết quả thấp, tỷ lệ học sinh bỏ học còn khá cao, nên khi xây dựng chương trình đổi mới, nhà trường xác định phải bắt đầu từ những cái “khó” nhất ở trường: làm sao để học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn ngày càng thích học hơn, chăm học và học giỏi, có kỹ năng sống tốt hơn… như trăn trở của thầy giáo Nguyễn Văn Hạnh - Hiệu trưởng nhà trường. Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường yêu cầu các giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm phải thường xuyên hướng dẫn giúp đỡ các giáo viên mới, năng lực còn hạn chế, tập trung phụ đạo học sinh yếu kém, phân loại học sinh khá giỏi để đầu tư cho chất lượng mũi nhọn. Nhà trường cũng đã tăng cường kinh phí cho hoạt động chuyên môn, đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh…
Khó khăn nhất là bậc tiểu học, vì đây là bậc học có nhiều sự thay đổi nhất trong năm học này, nhưng ở Trường Tiểu học Nghi Yên (Nghi Lộc), tuy là một trường nằm ở vùng bãi ngang được xếp vào những trường khó khăn nhất của huyện, nhưng các thầy, cô giáo đã mạnh dạn đi đầu trong việc đổi mới. Trong đó, đã triển khai dạy theo chương trình VNEN theo mô hình giáo dục trường học mới cho tất cả các cấp học. Bên cạnh đó, từ năm học 2014 – 2015 này, nhà trường cũng đã tiết kiệm chi tiêu để trang bị phòng máy để triển khai dạy tiếng Anh theo đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, chương trình hệ 7 năm và triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình công nghệ. Đến trường, thấy được từng nỗ lực nhỏ của đội ngũ giáo viên nơi đây trong công tác dạy và học, xây dựng cảnh quan môi trường học tập thân thiện với các trò chơi dân gian, thư viện mi-ni… Trường còn có phòng ăn riêng cho học sinh ở bán trú ở xa và thường xuyên đảm nhận việc nấu ăn cho gần 300 học sinh ở cả cơ sở 1 và cơ sở 2. Cô giáo Trương Thị Năm, có hơn 20 năm giảng dạy ở nhà trường tâm sự: “Với những giáo viên đã có tuổi như chúng tôi việc tiếp cận một phương pháp mới là điều không dễ dàng, nhưng chúng tôi xác định đây là một chủ trương đúng, vì vậy, giáo viên trẻ cố gắng một, hai, thì chúng tôi phải cố thêm năm, thêm mười!”. Thật là một tâm sự đáng trân trọng để yêu kính thêm những người thầy!
Quá trình thực hiện đổi mới căn bản toàn diện và giáo dục, ngành Giáo dục Nghệ An nói chung đang thể hiện tâm thế của một “cánh chim đầu đàn” - lá cờ đầu trong hệ thống giáo dục cả nước. Bởi vậy, tất cả các cán bộ, quản lý, giáo viên của ngành đều thấy tự hào nhưng cũng thấy được trách nhiệm nặng nề khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao làm thí điểm nhiều chương trình, nhiều chủ đề, chủ điểm giáo dục mới. Tuy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng những phương pháp mới mà ngành Giáo dục Nghệ An triển khai ở cả 4 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) đã bắt đầu cho thấy những tín hiệu khả quan và điều đó tạo nên tiềm tin, tạo nên động lực mới cho toàn ngành. Nói về điều này, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cho biết: “Năm học 2014 - 2015 là một năm học gắn liền với một thời điểm đặc biệt. Là năm học triển khai Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của tỉnh Nghệ An, trong đó yêu cầu Nghệ An phải trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung bộ; đồng thời là năm học triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 29 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục và đào tạo; rồi năm học hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Với thời điểm đặc biệt ấy, với vị thế của ngành Giáo dục Nghệ An, thì điều quan trọng nhất là phải xây dựng một tập thể đoàn kết nhất trí và phải cùng đồng sức, đồng lòng xây dựng ngành Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát triển trong thế ổn định và bền vững. Đồng thời, sẽ chú trọng 4 nhiệm vụ trọng tâm về công tác quản lý giáo dục - đào tạo và hoạt động giáo dục, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tăng nguồn lực đầu tư và cơ chế tài chính....”.
Như thế, bao công việc mới phải làm, là cũng nặng nề thêm gánh trách nhiệm trên vai cho đội ngũ các thầy, cô giáo tỉnh nhà trong bao nhiêu kỳ vọng, chờ mong của lãnh đạo các cấp, của phụ huynh tỉnh nhà. Trong ngày lễ đặc biệt (20/11) này, lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành, các địa phương, các thế hệ học sinh cùng phụ huynh đã bày tỏ tình cảm, sự biết ơn sâu sắc đối với những người thầy giáo. Những bó hoa tươi thắm, những buổi gặp mặt thân tình, những hoạt động tri ân… thay cho bao lời gửi gắm, cậy trông đã giúp cho đội ngũ các thầy, cô giáo tăng thêm sức mạnh, tình đoàn kết nỗ lực hơn nữa dồn tâm huyết cho học trò, cho nghề để gặt hái thêm nhiều niềm vui với sự thành đạt của những lứa học trò mới thân yêu trong nay mai.
Mỹ Hà - Đinh Nguyệt