(Baonghean.vn) - Với trẻ em người Mông tại các xã Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ (Kỳ Sơn)... những trận chọi gà giữa màn sương mù, ở độ cao 1400m so với mực nước biển luôn là một điều lý thú.
Hễ rỗi là Thò Bà Vừ lại cùng chúng bạn chơi đá gà. Về mùa đông, giữa màn sương mù, từng cặp gà chọi quần nhau như những đấu sỹ thực sự và bầy trẻ ở bản người Mông chăm chú dõi theo với tâm trạng hồi hộp, lo lắng nhưng cũng đầy lôi cuốn.
Thăm Hín thuộc xã Nậm Càn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) là bản người Mông cư trú trên độ cao khoảng 1400m so với mực nước biển. Từ cuối thu cho đến đầu xuân năm sau, nắng thường chỉ xuất hiện từ non trưa cho đến xế chiều. Thời gian còn lại, bản làng chìm trong mây mù.
Cũng như Thò Bá Vừ, chọi gà là sở thích đặc biệt của những thiếu niên người Mông ở Thăm Hín. Những trận chọi gà thường diễn ra sau giờ học. Thường thì trước đó, trên đường đi học về, những cậu bé đã bàn nhau chia cặp đấu. Vừ cho biết chỉ tính riêng gà chọi của các thiếu niên, trong bản có trên 10 con. Những chú gà chọi ở bản Mông thường có vóc dáng nhỏ bé hơn so với gà chọi miền xuôi. Bù lại, chúng nhanh nhẹn, linh hoạt và có phần khôn ngoan trong những đòn đánh.
Sự vắng lặng của buổi chiều vùng cao bị xé tan bởi tiếng hò reo cổ vũ, tiếng cười của bầy trẻ và cả nhịp vỗ cánh của hai chú gà. Khác với trâu thường nhập cuộc ngay sau khi được dẫn vào xới đấu, những chú gà thường thăm dò đối thủ bằng những pha vờn và giữ miếng. Chờ khi đối thủ tỏ ra nhụt chí hoặc lơ là mới tấn công.
Sau màn dạo đầu, bao giờ các đấu sỹ cũng tung ra những đòn hiểm để khiến đối thủ thua cuộc sao cho nhanh chóng nhất. Có gà thua cuộc sau một vài phút thi đấu. Cũng có trận kéo dài hàng giờ đồng hồ mà không phân thắng bại. Những chủ gà phải tách các đấu sỹ ra để tránh cả hai đều lưỡng bại câu thương.
Chọi gà cũng là thú chơi mà những trẻ em người Mông ở xã Tây Sơn huyện Kỳ Sơn rất ưa thích. Xã vùng cao này cũng sấp xỉ 1400m so với mực nước biển.
Vừ Bá Pó, một thiếu niên trú bản Huồi Giảng 3 là người thường thắng cuộc trong những trận đấu gà chia sẻ kinh nghiệm được những thế hệ trước truyền lại cách để huấn luyện một chú gà sao cho “máu lửa” khi vào trận chiến.
Theo cậu bé thì trước khi thi đấu một hoặc 2 ngày thường chỉ nhốt gà trong lồng nuôi. Lồng gà được phủ kín bằng vải tối màu và chỉ để hở một khe nhỏ là nơi đặt ống thức ăn, nước uống cho gà. Trong khi đó gà vẫn được cho ăn đều đặn. “Gà bị nhốt lâu trong lồng vừa thả ra là lao vào trận chiến ngay.” - thiếu niên 13 tuổi cho hay.
Sau những trận đấu, dù thắng hay thua, gà chọi cũng được những cậu bé vùng cao chăm bẵm khá kỹ càng theo kiểu cách cũng rất trẻ con. Chúng được liên tục cho ăn, được thả cho dạo bộ, được các cậu chủ ôm theo mỗi khi ra khỏi nhà hay lên nương rẫy…Những trận thi đấu cũng có thể diễn ra bất thình lình và được tổ chức bởi sự ngẫu hứng của bầy trẻ. Thường thì chẳng có giải thưởng nào được trao cho chú gà thắng cuộc. Có chăng chỉ là niềm tự hào thường ánh lên trên gương mặt khi một chú bé có gà là quán quân cuộc đấu.
Không chỉ có bầy trẻ, vào các ngày hội mùa xuân, người lớn cũng tổ chức thi chọi gà. Cũng như đấu bò, chọi gà được cư dân trong các bản người Mông miền núi cao xứ Nghệ rất ưa thích. Những trận giáp lá cà giữa những chú gà khiến ngày vui đầu năm mới thêm phần sôi động./.
Hữu Vi - Đào Thọ