Dưới cái lạnh mùa đông giá rét, những đứa trẻ người Mông vẫn hồn nhiên tắm nước lạnh một cách bình thường.
Người Mông là cộng đồng dân tộc sống trên các vùng núi cao có khí hậu lạnh ở miền Tây Nghệ An. Với đặc điểm thời tiết quanh năm có sương mù bao phủ, nhiệt độ thường xuống thấp nên họ được xem là dân tộc chịu lạnh giỏi nhất.
Chính vì lẽ đó, những ngày đông giá rét không chỉ người lớn mà những đứa trẻ của cộng đồng này vẫn vô tư tắm nước lạnh khi nhiệt độ xuống khoảng 100C. Bởi đơn giản với chúng, đây là “chuyện bình thường”.
Mấy ngày trước, ở khu vực các xã Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn của huyện Kỳ Sơn có những điểm xuất hiện băng giá. Từ đêm đến sáng sớm nhiệt độ xuống thấp đến 00C, ban ngày trời hửng nắng nền nhiệt có tăng lên nhưng cái lạnh vẫn khiến cho người ta phải rùng mình.
Mới hơn 4 giờ chiều, những đứa trẻ người Mông xã Na Ngoi đã tập trung ở bể nước công cộng vô tư tắm rửa. Lấy xô hứng nước lạnh chảy từ bể ra, mấy em gái tuổi chừng 12-15 để nguyên quần áo dội ào ào từ trên đầu xuống rồi cười nói ầm ĩ. Nhìn cảnh ấy chúng tôi đứng gần không khỏi rùng mình dù đã mặc một lúc mấy chiếc áo ấm dày cộp.
Em Vừ Y Lỳ ở bản Ca Dưới nói với chúng tôi: “Bọn cháu tắm như thế này quen rồi. Trời lạnh hơn chúng cháu cũng tắm bình thường mà chú. Hơn nữa buổi này trời đang có nắng tí nên cũng không lạnh lắm”. Nói xong, Y Lỳ lại vui vẻ quay lại dội nước ào ào cùng các bạn như không hề có cái lạnh mùa đông.
Cách đó không xa, ở một bể nước khác, mấy đứa trẻ chừng vài ba tuổi cũng mình trần trùng trục chơi đùa bên vòi nước đang chảy ra xối xả. Tiếng cười đùa của chúng vang lên khắp bản khiến không khí ngày đông dường như tan biến.
Như vậy có thể nói rằng cuộc sống quanh năm trên vùng lạnh đã giúp người Mông có một bản năng thích nghi và chống chọi lại cái rét. Bản năng này đã giúp họ vượt qua điều kiện khắc nghiệt của thời tiết để tồn tại.