Thoát nghèo nhờ vốn chính sách
Trước đây, gia đình ông Vy Văn Dũng, sinh năm 1964, ở bản Hòa Sơn xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo khó khăn nhất trong bản. Tháng 3/2008, ông Dũng được kết nạp vào tổ tiết kiệm và vay vốn tại bản và được bình xét để cho vay vốn với số tiền 10 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo.
Ông Dũng cho biết: Sau khi nhận tiền vay, tôi mua 1 con bò cái; đến năm 2009, con bò cái đẻ thêm 01 con bò cái, năm 2011 thêm 03 con nữa nên nhà tôi có 05 con bò. Sau đó đàn bò tiếp tục lại phát triển, kinh tế gia đình khá lên, nhờ chăn nuôi hiệu quả nên năm 2013 gia đình đã thoát nghèo. Năm 2014 gia đình tôi được Nhà nước cấp 4ha đất rừng để khoanh nuôi bảo vệ rừng. Gia đình tôi được Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An cho vay 20 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để phát triển đàn bò, chăn nuôi dê và trồng cây ăn quả.
Trong hơn 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Kỳ Sơn thực hiện đã giải ngân 610.313 triệu đồng với 30.736 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Dư nợ đến 25/5/2018 đạt 246.701 triệu đồng, với 10.545 hộ dư nợ. Hiện có 11/21 xã có dư nợ trên 10 tỷ đồng. Một số xã có dư nợ cao: Hữu Kiệm 33 tỷ đồng, Tà Cạ 27 tỷ đồng, Chiêu Lưu 23 tỷ đồng, Mỹ Lý 19 tỷ đồng. Một số xã có chất lượng tín dụng tốt như: Mỹ Lý, Tà Cạ, Hữu Lập,...
Ông Nguyễn Thanh Hoàng – Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: Kể từ năm 2007 đến nay, sau khi Chính phủ cho phép triển khai các chương trình tín dụng đặc thù dành riêng cho vùng nghèo và đồng bào DTTS, và đặc biệt là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, tín dụng chính sách xã hội đã thực sự có những đóng góp to lớn đối với kết quả giảm nghèo toàn huyện nói chung và cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện nói riêng; nhờ đó, trong giai đoạn 2010-2015 tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện Kỳ Sơn đạt 5,5%/mục tiêu đề ra là 4-5%; trong 02 năm 2016-2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm đạt 4,77%/mục tiêu đề ra là 4-5%.
Hiện nay, doanh số cho vay dành riêng đồng bào DTTS là 5.174 tỷ đồng (chiếm 26,2%), 424,7 ngàn lượt hộ vay vốn (chiếm 27,8%). Hộ đồng bào DTTS được tiếp cận toàn bộ các chương trình tín dụng hiện đang triển khai. Dư nợ hiện nay của hộ đồng bào DTTS chiếm 22,94% trong tổng dư nợ toàn chi nhánh, bình quân dư nợ/hộ DTTS đạt 28,4 triệu đồng. Nhờ chấp hành tốt thỏa thuận trả lãi hàng tháng và trả nợ dần khi đến hạn kỳ con đã tạo thói quen và ý thức tiết kiệm cho đồng bào nghèo, việc làm này có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng còn nhiều khó khăn, thực sự là chiếc “cần câu” giúp bà con ổn định cuộc sống.
Phần lớn người dân vay vốn đã đầu tư vào chăn nuôi các loại gia súc như: trâu, bò, dê, lợn... Với mức vay nhỏ, lãi suất, thời hạn và cơ chế nhiều ưu đãi, nguồn vốn này đã thực sự đóng vai trò là "liều thuốc thử" quan trọng đối với nhóm người DTTS nghèo nhất trong xã hội, sử dụng hiệu quả món vay này chính là điều kiện tiên quyết đảm bảo cho sự thành công khi vay vốn các chương trình tiếp theo có mức vay lớn hơn, lãi suất và thời hạn ít ưu đãi hơn.
Khẳng định kênh tín dụng quan trọng
Từ năm 2007, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục có những đóng góp to lớn hơn đối với kết quả giảm nghèo và cải thiện đời sống của đồng bào DTTS. Tín dụng chính sách đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, trong giai đoạn 2011-2015 đã giảm từ 36,19% xuống còn 16,54% (các huyện 30a giảm bình quân 6-7% mỗi năm); trong 02 năm từ 2016-2017 đã giảm từ 24,04% xuống còn 17,04%, giảm 17.214 hộ. Đồng thời tín dụng chính sách đã góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo các bản làng ở nông thôn, đặc biệt là vùng nghèo, vùng DTTS.
Ông Trần Khắc Hùng – Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Nghệ An cho hay: Trong tổng số dư nợ và khách hàng đang vay vốn hiện nay của Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh Nghệ An, dư nợ của nhóm khách hàng là người DTTS chiếm tỷ trọng lớn. Ngoài các ưu đãi khi vay vốn các chương trình tín dụng như các đối tượng khác, đồng bào DTTS được thụ hưởng riêng một số chương trình tín dụng đặc thù với mức lãi suất và thời hạn rất ưu đãi. Chi nhánh đã tranh thủ nguồn vốn Trung ương, tham mưu tăng cường sự hỗ trợ của địa phương để ưu tiên nguồn vốn cho các huyện nghèo, vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS.
Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng vốn tại vùng nghèo, vùng DTTS luôn cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của toàn tỉnh, mức tăng trưởng cho 11 huyện miền Tây từ năm 2007 - 2017 đạt 44,4%, trong khi mức tăng bình quân chung là 43%. Ngoài việc thụ hưởng các chính sách chung như các đối tượng khác, đồng bào DTTS còn được thụ hưởng nhiều chương trình đặc thù riêng với mức lãi suất và thời hạn ưu đãi đặc biệt.
Tín dụng chính sách được NHCSXH phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác thành lập mạng lưới tổ TK&VV phục vụ đến toàn bộ các xóm, bản trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động vay vốn, các hộ đồng bào DTTS nhận được sự hỗ trợ về chia sẻ kinh nghiệm sản xuất từ các thành viên trong tổ TK&VV, sự tư vấn cách làm ăn đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của Ban quản lý tổ, của cán bộ tổ chức hội nhận ủy thác...
Cách thức tiếp cận và phục vụ của NHCSXH là giải pháp vô cùng hữu hiệu trong việc góp phần ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở khu vực nông thôn. Tín dụng chính sách thực sự có ý nghĩa còn hơn vai trò của một kênh hỗ trợ tài chính đơn thuần cho người nghèo nói chung và cho đồng bào DTTS nói riêng, nó đã góp phần quan trọng và trực tiếp làm chuyển biến nhận thức, thay đổi từ nếp nghĩ đến cách làm trong sản xuất và kể cả trong sinh hoạt của đồng bào, đặc biệt là hình thành thói quen tiết kiệm, từng bước làm quen với cơ chế thị trường.
Nhờ phát huy tốt những ưu việt của mình, tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định là kênh tín dụng có vai trò quan trọng bậc nhất đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.