Dọc các bản làng các xã Yên Na, Yên Hòa, Nga My… của huyện Tương Dương, đâu đâu cũng thấy chị em người Thái tập trung bên hiên nhà thêu thùa.
Ngồi bên hiên nhà, bà Lô Thị Hoa (bản Hào, xã Yên Hòa) cùng 4 người phụ nữ khác miệt mài thêu trên chân váy thổ cẩm. Bà Hoa cho biết: Mỗi năm cứ làm lễ mừng lúa mới xong là bà cùng chị em nhận thêu thổ cẩm để kiếm thêm thu nhập. Tùy theo kích cỡ và độ khó của hoa văn, mỗi chân váy họ được trả công từ 60 - 80 nghìn đồng.
Theo bà Hoa, cứ đến mùa này, những bản có truyền thống làm thổ cẩm như Xốp Thập, bản Na (xã Hữu Lập - Kỳ Sơn), và một số người ở xã Phà Đánh, Nậm Cắn lại đem mẫu xuống đây thuê thêu chân váy. Các sản phẩm này sau khi thêu xong sẽ được mang bán sang Lào.
Ông Mạc Văn Cẩn, trưởng bản Na Phu cho biết, bản có 73 hộ với hơn 150 phụ nữ thì hầu hết đều có người tham gia thêu thùa kiếm thêm thu nhập. Đây cũng là một hình thức để tạo công ăn việc làm cho chị em, tránh việc ngày nông nhàn nhiều người bỏ làng bản đi làm ăn xa hoặc trốn sang Trung Quốc làm thuê.
Những tấm chân váy, trang phục truyền thống của người Thái đã hoàn thành và được xếp ngay ngắn. Nó không chỉ là biểu tượng của sắc đẹp mà còn chứa đựng bao công sức của những người phụ nữ nơi đây ngày đêm tạo nên.