bna___mai_hoa_22534155_242018.jpgCác đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Hữu Lậm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, trong quý I/2018, ngành Tổ chức xây dựng Đảng cả nước đã tập trung tham mưu để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19/NQ-TW “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; gắn với tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII).
Ban Tổ chức Trung ương cũng đã ban hành tạm thời danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng; đồng thời ban hành quyết định về thí điểm bố trí, sử dụng, tuyển dụng và quản lý công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng gắn vị trí việc làm.
Trên cơ sở vị trí việc làm của ngành Tổ chức xây dựng Đảng để ban hành, triển khai thực hiện hệ thống danh mục vị trí, việc làm, bản mô tả vị trí, việc làm công chức trong các cơ quan Đảng, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội…
Quang cảnh hội nghị trực tuyến. Ảnh: Mai Hoa

Tại hội nghị, một số địa phương đã nêu một số sáng tạo, cách làm trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế. Chẳng hạn, đối với tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, như Ban Tổ chức Huyện ủy với phòng Nội vụ; Ủy ban Kiểm tra với Thanh tra tại 14 huyện, thị xã.

Tỉnh Ninh Bình đã tiến hành bố trí Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị; Giám đốc trung tâm văn hóa – thể thao đồng thời là Trưởng đài PTTH; Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch MTTQ cấp huyện.

Ninh Bình cũng đang sắp xếp lại đội ngũ bán chuyên trách cấp xã và cấp thôn, xóm theo hướng tinh giản 45 – 55%. Còn tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai sáp nhập 700 xóm, bản, tiến tới sáp nhập xã.

Một số địa phương cũng nêu một số kiến nghị, như xử lý thừa cán bộ cấp phó khi sáp nhập các cơ quan; Trung ương cần có hướng dẫn về việc sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH với Văn phòng HĐND tỉnh; việc sáp nhập bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện; đó là những bất cập, chồng chéo giữa các quy định Trung ương…

Tại hội nghị, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ban Tổ chức Trung ương trên cơ sở các mô hình sáng tạo tại các địa phương cần tổ chức các cuộc giao ban chuyên đề nhằm thảo luận và triển khai diện rộng liên quan đến công tác đánh giá cán bộ, công chức; về mô hình sáp nhập cấp xã, phường; sáp nhập các tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; tinh giảm đội ngũ hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã và khối, xóm, thôn, bản…

Kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2018; trong đó yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII); Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng: Việc triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) liên quan đến tổ chức bộ máy là nhiệm vụ khó, nhạy cảm. Các ngành, địa phương cần bám tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết, cái gì đã rõ thì quyết tâm làm; cái gì chưa bị các quy định ràng buộc hoặc có quy định mà không phù hợp với thực tiễn thì mạnh dạn làm, vừa làm vừa bổ sung hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội.

Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương cần quan tâm rà soát, kiểm tra việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, không đúng tiêu chuẩn, chủ động thu hồi và kiểm điểm trách nhiệm cá nhân nhằm siết chặt kỷ cương trong công tác cán bộ.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, khắc phục các điểm yếu trong cán bộ, như quan liêu, xa rời quần chúng nhân dân, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Các ngành, địa phương cần chủ động lựa chọn cán bộ để thay thế những cán bộ nghỉ hưu trong thời gian tới, đồng thời chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho nhiệm kỳ mới, đảm bảo sự kế thừa và phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh quán triệt một số nhiệm vụ đối với ngành Tổ chức xây dựng Đảng Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Sau hội nghị trực tuyến của Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã quán triệt với Ban Tổ chức các Huyện, Thành, Thị ủy và Đảng bộ trực thuộc cần tiếp thu và thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Trưởng ban Tổ chức Trung ương tại hội nghị; đồng thời khẳng định việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là nhiệm vụ cần phải quyết tâm làm và làm bằng được.

Theo đó, các địa phương, đơn vị cần có phương pháp, giải pháp cụ thể; phải thiết kế lại định biên trong các cơ quan, đơn vị, từ đó xây dựng lộ trình tinh giảm; đồng thời quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, trước hết là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, việc sáp nhập các tổ chức, cơ quan, đầu mối cần thận trọng trong việc bố trí người đứng đầu đối với các cơ quan, tổ chức mới sau sáp nhập; thận trọng trong việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các ngành, các huyện ủng hộ việc sáp nhập các ban quản lý dự án, đảm bảo mỗi ngành, mỗi huyện chỉ có một ban quản lý dự án, tiến tới chỉ có một số ngành lớn như Nông nghiệp & PTNT, Giao thông & Vận tải có một ban quản lý dự án; còn các sở ngành còn lại thì có chung một ban quản lý trực thuộc UBND tỉnh…