(Baonghean.vn)- Năm 2017, 2018, Nghệ An chưa tinh giản đội ngũ giáo viên. Từ nay đến năm 2021, tỉnh cũng dự kiến sẽ tuyển thêm 500 giáo viên mầm non theo diện hợp đồng Thông tư 09.
Sáng 20/12, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV có buổi làm việc với UBND tỉnh về giám sát tình hình thi hành Luật Giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 đã tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà trong những năm qua. Riêng tại Nghệ An, việc thực hiện Luật Giáo dục đã góp phần tạo ra diện mạo mới cho sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Giáo dục sau hơn 10 năm thực hiện cũng đã nảy sinh một số bất cập và gây nên nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản còn thiếu đồng bộ, có nội dung chưa chặt chẽ, rõ ràng, chồng chéo.
Tại buổi làm việc, với tinh thần thẳng thắn, các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về việc sửa đổi Luật Giáo dục trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đến các vấn đề như tinh giản giáo viên, có hay không nên cơ cấu đầu tư lại các cấp học, việc miễn học phí ở các trường phổ thông hay vấn đề tự chủ ở các trường đại học, cao đẳng. Nhiều ý kiến cũng đề xuất nên quay trở lại việc thu tiền đóng góp xây dựng, thay vì thu xã hội hóa để tránh nảy sinh những tiêu cực như hiện nay.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Thông khẳng định: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn đầu tư ưu tiên cho ngành giáo dục và đã đem đến nhiều kết quả rất tích cực.
Tỉnh Nghệ An cũng mong muốn, để Luật Giáo dục triển khai hiệu quả hơn thì Luật cần quy định rõ các vấn đề về chuẩn giáo viên, có phương án cụ thể cho các khoản đóng góp và giám sát chặt chẽ việc hoạt động của các nhà trường hiện nay.
Bên cạnh đó, cũng nên có cơ chế “mở” thu hút các nhà đầu tư, các nguồn lực cho ngành giáo dục. Đồng chí cũng đề nghị có chính sách miễn học phí cho bậc học mầm non và THCS để tăng cơ hội cho học sinh đến trường.
Những ý kiến đóng góp tại buổi làm việc sẽ được đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV tiếp thu để xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi trong thời gian tới để ngày càng sát hơn với thực tiễn.
Liên quan đến công tác tinh giản giáo viên, tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Chung - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Ngành giáo dục là ngành đặc thù, việc tinh giản giáo viên rất khó khăn vì còn căn cứ vào số giáo viên trên lớp, căn cứ vào số lượng học sinh. Riêng tại Nghệ An, trong năm 2017, tỉnh chưa tinh giản đội ngũ giáo viên và tiếp tục ổn định trong năm 2018. Từ nay đến năm 2021, tỉnh cũng dự kiến sẽ tuyển thêm 500 giáo viên mầm non theo diện hợp đồng Thông tư 09. Số lượng hơn 1.000 giáo viên dôi dư sẽ tiến hành đánh giá lại và tiến tới tạo điều kiện đi đào tạo để chuyển đổi giảng dạy sang các bậc học khác. |
Mỹ Hà