(Baonghean) - Chế độ cử tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp ra đời năm 2006 nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết về công tác cán bộ là người dân tộc thiểu số cho vùng sâu, vùng xa. Thực hiện chế độ này, từ năm 2008 - 2014, ở Nghệ An đã có 439 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, mới có 56% sinh viên được bố trí việc làm, những trường hợp còn lại chưa được bố trí hoặc làm việc không đúng ngành nghề được đào tạo.
Khó bố trí việc làm
Theo thông tin từ phòng Nội vụ huyện Con Cuông, tính đến tháng 8/2014, số sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp trên địa bàn là 72 người nhưng chỉ mới có 39 trường hợp được bố trí việc làm. Và tất cả các xã trên địa bàn đều có sinh viên cử tuyển tốt nghiệp chưa có việc làm. Theo bà Kha Thị Tím, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, rất khó để sắp xếp công việc cho đối tượng cử tuyển, bởi thực tế không có chỉ tiêu để sắp xếp, thêm vào đó, một số ngành mà sinh viên cử tuyển học ra không phù hợp với nhu cầu của địa phương. Ví dụ như các ngành xã hội, nông, lâm nghiệp không có chỉ tiêu tuyển dụng; trong khi đó ở huyện Con Cuông vẫn đang thiếu bác sỹ, nhân viên y tế tại các bệnh viện và hệ thống y tế cơ sở.
Ở huyện Tương Dương, theo thống kê của Phòng Nội vụ huyện, tính từ năm 2010 đến 2014 trên địa bàn có 45 học sinh được tham gia học cử tuyển, trong đó Trường Đại học Y khoa Vinh có số theo học cử tuyển đông nhất là 23 người. Tính đến hết năm 2013 ở huyện Tương Dương có 16 sinh viên đã học xong. Có 3 người đã được bố trí việc làm, 3 người đang trong diện hợp đồng và 10 người chưa bố trí được. Sở dĩ, cử nhiều sinh viên đi học ngành Y, theo bà Vi Thị Ngọc, Trưởng phòng Nội vụ huyện, là vì theo kế hoạch thì đến năm 2018, huyện sẽ bố trí đủ mỗi xã 1 bác sỹ nên đề xuất các sinh viên theo học ngành Y nhiều, bây giờ huyện lại không có thẩm quyền bố trí (trước năm 2009, cán bộ y tế tại các trạm y tế do huyện quản lý, nhưng từ năm 2009 công tác tuyển dụng lại thuộc ngành dọc của y tế) dẫn đến việc nhiều sinh viên ngành Y ra trường không có việc làm. Còn một số sinh viên ngành khác do chưa có chỉ tiêu nên chưa bố trí được.
Còn ở Kỳ Sơn, theo số liệu từ Sở Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2008 đến 2014 huyện có 76 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 61 người đã được bố trí việc làm, 15 người chưa có việc làm. Bên cạnh đó, Kỳ Sơn hiện đang có 60 sinh viên theo học tại các trường chưa tốt nghiệp.
Theo thống kê, tính từ năm 2005 đến 2014 ở Nghệ An có 884 học sinh được xét đi học cử tuyển. Trong đó, học theo chương trình đại học có 602 người, cao đẳng 147 người và trung cấp 135 người. Và từ năm 2008 đến năm 2014, Nghệ An có 439 sinh viên cử tuyển tốt nghiệp. Có 246 sinh viên được bố trí việc làm (tương đương 56%), trong đó có 95 người trình độ đại học, 151 người trình độ cao đẳng; số đối tượng tốt nghiệp đại học chưa bố trí được việc làm 193 người. Tuy nhiên, nếu xét cả diện học sinh cử tuyển trước khi có sự ra đời của Nghị định 134/2006/NĐ-CP thì con số người không bố trí được việc làm còn cao hơn nhiều lần.
Những bất cập
Có thể nói rằng, chính sách cử tuyển là một chính sách rất nhân văn của Nhà nước ta hướng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các khu vực biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, có rất nhiều vướng mắc nảy sinh.
Thực tế là mặc dù các địa phương cử con em đi học cử tuyển, nhưng lại không “mặn mà” tuyển dụng sinh viên ra trường theo diện cử tuyển. Và không phải địa phương không có lý khi mà chất lượng đầu vào, đầu ra của cử tuyển là rất thấp. Theo quy định của Nghị định 134/2006/NĐ-CP của Chính phủ, việc cử tuyển không qua thi tuyển nên đã có rất nhiều trường hợp học sinh được đi học theo chỉ tiêu cử tuyển mà điểm cộng các môn học phổ thông ở dưới mức trung bình. Trong khi đó, loại hình đào tạo lại thuộc các ngành đòi hỏi chất lượng cao như Sư phạm, Y, Dược… và đây chính là những ngành vùng miền núi đang có nhu cầu. Khi tốt nghiệp trở về địa phương các “cử nhân” này không đáp ứng được yêu cầu công việc, do đó, không tìm được cơ hội việc làm. Thậm chí, với học lực như vậy, nhiều sinh viên phải kéo dài việc học nhiều năm hơn so với thời hạn đào tạo, cũng đã có nhiều trường hợp các trường đại học, cao đẳng đã buộc phải cho thôi học vì không đủ khả năng theo kịp các chương trình đào tạo. Trong khi đó, để đào tạo được 1 sinh viên, mỗi năm Nhà nước phải đầu tư hàng chục triệu đồng, đó là chưa kể những chi phí khác mà đối tượng học cử tuyển phải bỏ ra. Rõ ràng đã xảy ra một sự lãng phí có thể nhìn thấy trước.
Bên cạnh đó, Nghị định 134/2006/NĐ-CP có vẻ như “mâu thuẫn” với Nghị định 24/2010/NĐ-CP và Nghị định 116/2003/NĐ-CP quy định tuyển dụng công chức phải thông qua thi tuyển và xét tuyển. Mà thi tuyển và xét tuyển là “mảnh đất” của nhân tài, sự “thua trận” của đội ngũ cử tuyển xem như là… tất yếu.
Công tác dự báo, hoạch định chính sách về cán bộ ở địa phương còn rất hạn chế; các địa phương chưa xây dựng được kế hoạch tổng thể trong đào tạo nhân lực, chưa xác định được nhu cầu ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế dẫn đến “cử” đi học nhưng lại không bố trí, sắp xếp việc làm phù hợp. Bên cạnh đó, việc phối hợp quản lý học sinh cử tuyển chưa tốt, các cơ quan chức năng còn thiếu thông tin về kết quả chất lượng đào tạo.
Và xin được nhấn mạnh thêm, những người được hưởng chính sách ưu đãi này đã không thực sự cố gắng phấn đấu để vươn lên trong học tập, cũng như năng động, nhạy bén khi ra trường xin việc. Nhà nước đã bỏ tiền của để đào tạo, giúp đỡ một hướng đi thì bản thân những học sinh này cần có sự chia sẻ khó khăn chung, đồng thời chủ động tìm kiếm việc làm nếu địa phương chưa bố trí được. Đã có trường hợp, một sinh viên cử tuyển ra trường chưa tìm được việc làm quê ở Kỳ Sơn, được Tòa soạn Báo Nghệ An mời đến gặp mặt, thử việc nhưng cuối cùng người này không đến nộp hồ sơ, cũng không liên lạc, từ chối một cơ hội việc làm của mình. Bên cạnh đó, một số học sinh cử tuyển sau khi tốt nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của Nhà nước về việc nộp hồ sơ (nếu có) và báo cáo kết quả học tập cho Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét phân công công tác.
Đâu là giải pháp
Để thực hiện có hiệu quả Nghị định 134 của Chính phủ, các cấp chính quyền và ngành chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ và khả thi. Trước hết, cần khảo sát, quy hoạch, dự báo một cách chính xác, bám sát nhu cầu thực tế của địa bàn để đề xuất đào tạo cử tuyển phù hợp. Trên cơ sở đó, xác định chất lượng đầu vào là trọng tâm. Tránh tình trạng cùng là con em các đồng bào dân tộc thiểu số nhưng học sinh giỏi không tìm thấy cơ hội việc làm, còn học sinh kém vừa được Nhà nước hỗ trợ lại vừa được bố trí công tác. Liên quan đến vấn đề này, kể từ năm 2010 đến nay, ở Nghệ An không cử tuyển đào tạo ngành Y, Dược hệ cao đẳng, trung cấp. Và để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như đầu ra cho ngành đặc thù này, ngày 28/8/2013, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 1568 gửi các huyện miền núi. Theo đó, đề nghị “các huyện phải xét tuyển những học sinh đã dự thi đại học khối B, đủ điểm sàn trở lên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Hội đồng cử tuyển tỉnh sẽ không xét duyệt những học sinh không đủ tiêu chuẩn.
Chính quyền các cấp cần xác định một tỷ lệ biên chế người dân tộc thiểu số hợp lý trong tổng số biên chế được giao. Trên cơ sở đó tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng người dân tộc thiểu số, trong đó có đối tượng cử tuyển. Nên chăng, đối với một số địa phương nếu chưa cần thiết thì không nên tổ chức xét cử tuyển hằng năm, đồng thời có khảo sát nguồn cán bộ, công chức, viên chức cụ thể qua từng năm, từng giai đoạn để có dự báo, quy hoạch sát với tình hình thực tiễn. Đối với các khu vực đặc thù, vùng đặc biệt khó khăn có thể tạo nguồn tại chỗ, nhưng trên cơ sở phải lựa chọn, xét tuyển những đối tượng có khả năng, ít nhất là đảm bảo đủ điểm sàn đầu vào qua các kỳ thi đại học, cao đẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, có quy định ngay từ đầu để các đối tượng cử tuyển hiểu rõ hơn về chính sách của Nhà nước, vì thế các sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhà nước và các cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét lại việc thực hiện chính sách cử tuyển để có các giải pháp đồng bộ và khả thi trong việc quy hoạch, bố trí nguồn nhân lực tại khu vực khó khăn, đặc thù. Cần phải xác định rõ hơn chính sách cử tuyển sẽ kéo dài trong bao lâu, thực hiện như thế nào. Và điều quan trọng nữa, một khi đang thực hiện chính sách này thì cần đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ cơ sở.
Nhóm P.V