Mặc dù giới chức cảnh sát Pháp cho biết sẽ nhẹ tay trong những ngày đầu áp dụng và chủ yếu chỉ nhắc nhở người dân và chủ các cơ sở kinh doanh thay vì xử phạt nhưng nhiều người vẫn cho rằng quy định này sẽ dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh phải từ chối phục vụ không ít khách hàng trong lúc kinh tế đang khó khăn. Ngoài ra, việc cảnh sát một số địa phương yêu cầu người dân phải xuất trình cả thẻ căn cước để đối chiếu với giấy thông hành y tế cũng bị chỉ trích là quá cứng nhắc.
Robert Sebbag, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Pitíe-Salpêtrìere ở thủ đô Paris nhận xét: “Trên khía cạnh y tế thì đây không phải là cách tốt, và phải chờ xem liệu nó có hệ lụy nào không, nhưng nói thật là tôi không hài lòng bởi việc kéo dài quy định xét nghiệm trong 72h thay vì chỉ trong 48h sẽ gia tăng thêm nguy cơ, bởi trong vòng 3 ngày sau khi xét nghiệm, một người hoàn toàn có thể ủ bệnh và đã nhiễm bệnh. Chính quyền đang muốn nới lỏng một chút nhưng cần phải hiểu rằng, ngay từ đầu thì xét nghiệm bằng phương pháp PCR là tương đối an toàn, nhưng không phải tuyệt đối”.
Bên cạnh nỗi lo về việc quy định về giấy thông hành y tế sẽ không được tuân thủ đầy đủ, giới chức Pháp cũng đang lo ngại về nguy cơ nhiều người sử dụng các giấy thông hành y tế giả, hiện đang được rao bán tràn lan trên các mạng xã hội, thông qua các đường dây tội phạm có liên kết với một số nhà thuốc.
Để hạn chế nguy cơ này, Bộ Nội vụ Pháp trong ngày 9/8 đã liên tiếp phát đi cảnh báo về các mức phạt dành cho những người không tuân thủ quy định cũng như những người dùng giấy thông hành y tế giả. Theo đó, người trong diện bị kiểm tra mà không có giấy thông hành y tế sẽ bị phạt 135 euro trong lần đầu vi phạm, 1500 euro nếu tái phạm lần 2 trong vòng 15 ngày và phải ngồi tù đến 6 tháng, kèm theo 3750 euro tiền phạt nếu vi phạm 3 lần.
Mức phạt sẽ cao hơn rất nhiều với những người dùng giấy thông hành y tế giả hoặc của người khác, với mức phạt cho cấp độ cao nhất lên tới 5 năm tù và 375 ngàn euro tiền phạt./.