Vì nước Mỹ trước tiên?

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Donald Trump cho biết, sẽ tạm thời đình chỉ mọi hoạt động nhập cư vào Mỹ trong vòng 60 ngày. 

Đây là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump đưa ra thông báo chi tiết hơn sau tuyên bố khá chung chung hôm 20/4 về việc cấm nhập cư, trong bối cảnh số ca tử vong của Mỹ do dịch Covid-19 đã vượt quá 45.000 người. Cái lý của ông Trump là nhằm bảo vệ việc làm cho hàng triệu người dân Mỹ.

Nhìn lại thời gian qua khi đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, lệnh phong tỏa và cách ly được áp dụng tại nhiều bang trên toàn quốc, tỷ lệ xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã tăng vọt và phá vỡ mọi kỷ lục trước đó với ít nhất 20 triệu người. Thực tế này có thể nói đã tạo ra cú sốc lớn không chỉ cho nền kinh tế Mỹ mà còn tác động xấu đến cuộc chạy đua “giữ chỗ” tại Nhà Trắng của ông Trump.

donald_trump_qych8000226_2242020.jpgTổng thống Mỹ Donald Trump gây tranh cãi với tuyên bố mới về người nhập cư. Ảnh: Politico

Bởi thế, Tổng thống Trump cho rằng, việc tạm đình chỉ nhập cư sẽ giúp những người Mỹ đang thất nghiệp trở thành lựa chọn đầu tiên của các đơn vị tuyển dụng, một khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại theo kế hoạch từng bước mà ông Trump đã công bố. Trong tuyên bố, ông Trump khẳng định, “bằng cách tạm dừng nhập cư, người lao động Mỹ sẽ được đẩy lên vị trí hàng đầu trong thị trường việc làm”, và rằng “sẽ là sai lầm và bất công khi những người Mỹ thất nghiệp do dịch bệnh lại bị thay thế bởi lao động nhập cư mới từ nước ngoài”. Cũng có nghĩa, chính phủ trước hết cần phải chăm sóc và có những chính sách cần thiết để hỗ trợ và bảo vệ người lao động trong nước.

Cũng cần thông tin thêm, dự kiến theo quyết định mới, lệnh tạm cấm nhập cư nếu được ban hành sẽ chỉ áp dụng đối với những đối tượng đang tìm kiếm thẻ xanh, tức là những người muốn sống và làm việc lâu dài tại Mỹ và không áp dụng với các cá nhân đến Mỹ làm việc “tạm thời”.

Ông Trump cũng lưu ý sẽ công bố một số ngoại lệ, ví dụ như những người liên quan đến công tác chống dịch hay lao động nông nghiệp và những người đang giúp đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm cho Mỹ. Chưa hết, sắc lệnh có thể được gia hạn hoặc thay đổi tùy theo điều kiện kinh tế thời gian đó.

Dịch Covid-19 đang khiến 22 triệu người Mỹ mất việc làm. Ảnh: AP

Ngoài mục tiêu bảo vệ người lao động Mỹ, quyết định của ông Trump được cho là muốn giảm bớt sức ép lên hệ thống y tế vốn đang chật vật đối phó với dịch Covid-19. Quyết định này là hành động tiếp theo sau việc giới hạn đi lại từ Trung Quốc và các nước châu Âu hồi tháng 1 đầu năm. Những động thái liên tiếp của ông Trump thực ra không khó hiểu khi đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn các chiến dịch “lấy lòng cử tri” của ông thời gian qua.

Cuộc khủng hoảng về mọi mặt do Covid-19 gây ra và cách xử lý bị đánh giá là chưa hiệu quả đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong các cuộc thăm dò gần đây đều suy giảm nhanh chóng. Trong một cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất, ông Trump bị ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước 8 điểm khi chỉ giành được tỉ lệ ủng hộ là 46% so với tỉ lệ 54% của ông Biden. Hay theo cuộc thăm dò mới nhất do NBC News & Wall Street Journal thực hiện, ông Biden cũng dẫn trước ông Trump 7 điểm với tỉ lệ ủng hộ là 49% so với 42%.

Cái cớ chỉ trích

Dù tuyên bố sẽ còn cân nhắc và điều chỉnh, nhưng quyết định về tạm dừng nhập cư của Tổng thống Trump ngay lập tức đã trở thành mục tiêu chỉ trích của phe Dân chủ. Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế tuyên bố này chỉ mang tính hình thức, là một tuyên bố chính trị hơn là có giá trị thực tiễn. Bởi trước đó, ông Trump cũng đã áp lệnh hạn chế nhập cư từ để ngăn đà lây lan của dịch Covid-19.

Nhiều ý kiến cho rằng, Tổng thống Trump đang hướng dư luận sang người nhập cư để biện minh cho chính sách ngăn chặn dịch Covid-19 chưa hiệu quả. Ảnh: Getty

Bên cạnh đó, theo Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu nhập cư Mark Krikorian, phần lớn người nhập cư tìm kiếm thẻ xanh hiện đều đã sống và làm việc ở Mỹ lâu năm. Vì thế, việc trì hoãn hay tạm ngừng cấp thẻ xanh mà bỏ qua các đối tượng “thị thực tạm thời” sẽ chẳng giúp ích hay mang lại lợi ích gì cho người lao động Mỹ, cũng như giảm áp lực cho hệ thống y tế nước này.

Thậm chí có ý kiến còn chỉ trích, ông Trump sau khi đổ lỗi cho Trung Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì nay lại đến đổ lỗi cho người nhập cư để hướng dư luận khỏi thực trạng cuộc khủng hoảng tồi tệ đang diễn ra trong nước. Và rằng, quyết định của ông Trump nếu được triển khai sẽ gây tác động ngược, khiến chính ông thất bại trong việc bảo vệ công ăn việc làm của người Mỹ. Thể hiện là các đối tượng là lao động tạm thời vẫn sẽ được chấp nhận tại Mỹ sau khi nước này mở cửa lại nền kinh tế.

Mâu thuẫn nữa là trước đó, chính ông Trump mới là người ủng hộ quan điểm của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp khi cho rằng, vẫn cần đến các đối lượng lao động nhập cư để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, y tế và một số ngành công nghiệp khác. Cũng cần nhắc lại, theo Envoy - nhà cung cấp dịch vụ nhập cư toàn cầu, tại Mỹ, người nhập cư chiếm khoảng 17% nhân viên y tế, 24% nhân viên chăm sóc trực tiếp như y tá, trợ lý, 28% chuyên gia có tay nghề cao trong lĩnh vực này, bao gồm cả bác sĩ...

Chưa có các chi tiết cụ thể trong tuyên bố mới nhất của Tổng thống Donald Trump về cấm nhập cư. Ảnh: Getty

Ở góc độ khác, Nishith Desai, người sáng lập công ty luật Nishith Desai Associates lại cho rằng, vì bất cứ lý do gì, quyết định của Tổng thống Trump sẽ chỉ khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư, các sinh viên nước ngoài muốn học tập, sinh sống lâu dài tại Mỹ, trong khi đây là những nguồn thu lớn cho quốc gia. Đó là chưa kể theo giới quan sát, quyết định của ông Trump chắc chắn sẽ vấp phải nhưng thách thức pháp lý tại các Tòa án.

Tiền lệ đã có khi nhìn lại năm 2017, Tổng thống Trump đã ra sắc lệnh cấm nhập cảnh với các nước đến từ các quốc gia chủ yếu là các nước Hồi giáo như Libya, Somalia, Sudan, Syria hay Yemen, với lý do đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên khi đó, tòa phúc phẩm liên bang khu vực 9 tại San Franciso đã bác bỏ lệnh cấm này, cho rằng ông đã vượt quá quyền hạn được Quốc hội cho phép. Vì thế, việc quyết định cấm nhập cư của Tổng thống Trump có được triển khai thực sự hay chỉ là một tuyên bố chính trị vẫn sẽ còn cần thêm thời gian để sáng tỏ!./.