(Baonghean) - Nghệ An có hơn 5.170 trang trại, trong đó có hơn 723 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay các trang trại đang thực sự gặp nhiều khó khăn.
Các trang trại đã giải quyết việc làm cho gần 20.000 lao động, góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Các trang trại đạt các tiêu chí mới ở Nghệ An có vốn bình quân đạt hơn 8 tỷ đồng, nhiều trang trại đã phát huy được hiệu quả nguồn đầu tư, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh trên thị trường… Điển hình như trang trại chăn nuôi của gia đình ông Đàm Duy Từ ở xóm 10, xã Quỳnh Tam (Quỳnh Lưu) nuôi hàng ngàn con gà, ngan, vịt, và lợn rừng, lợn nái, 6 lò ấp trứng lộn và ấp nở gà giống.
Ông Đàm Duy Từ cho biết: Từ năm 1999, gia đình tôi được ngân hàng cho vay 2 triệu đồng để trồng mía và chăn nuôi. Trang trại phát triển thuận lợi, sử dụng vốn vay hiệu quả, trả lãi, gốc cho ngân hàng đúng kỳ hạn nên mức vốn được vay tăng dần, đến nay đã được vay 1 tỷ đồng. Hiện gia đình đang tiếp tục mở rộng xây dựng thêm chuồng trại nuôi thêm vịt đẻ, gà đẻ lấy trứng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh và làm thêm chuồng nuôi lợn nái. Ngoài ra, gia đình còn hướng tới chăn nuôi khép kín từ trang trại đến bàn ăn và phấn đấu được các cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Năm 2012 đã được UBND huyện Quỳnh Lưu cấp chứng chỉ trang trại tổng hợp. Hiện nay, trang trại rộng 1.500 m2 với tổng vốn đầu tư 2 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 1 tỷ đồng, còn lại là vay ngân hàng. Thời gian qua, ngân hàng đã quan tâm cho vay vốn phát triển sản xuất song để đạt mục tiêu đề ra, rất mong phía ngân hàng hỗ trợ cho vay nâng mức dư nợ khoảng 1,5 tỷ đồng”, - ông Từ đề nghị.
Thực tế, số trang trại được vay vốn với dư nợ lớn như trường hợp chủ trang trại nêu trên là không nhiều. Trong khi đất đai chủ yếu là thuê với thời hạn ngắn, giá trị không cao, nên nhiều trang trại khó tiếp cận vay vốn ngân hàng; nếu được vay thì mức thấp, thời hạn vay vốn ngắn. Hiện nay, nhiều trang trại đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, sử dụng máy móc, đòi hỏi nguồn vốn khá lớn, nông dân không phải ai cũng có điều kiện để đầu tư. Trong khi đó, thủ tục ngân hàng cho vay chặt, kỳ hạn cho vay ngắn không đủ chu kỳ phát triển của cây trồng, vật nuôi nên rất khó để chủ trang trại xoay xở.
Trang trại của gia đình anh Nguyễn Đức Thành ở khối Yên Duệ, phường Đông Vĩnh (TP. Vinh) nuôi gà đẻ gần chục năm nay. Ban đầu anh nuôi quy mô nhỏ, từ 3.000 - 4.000 con, đến năm 2016 anh đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng thêm trang trại tăng quy mô đàn lên 6.000 - 7.000 con. Anh Thành cho hay, đến nay, tổng vốn đầu tư cho trang trại lên tới nhiều tỷ đồng nhưng vay vốn ngân hàng rất khó khăn; vì không có bìa đỏ nên chỉ được vay tín chấp vài chục triệu đồng.
Tương tự, ông Võ Văn Dự cũng ở phường Đông Vĩnh, TP. Vinh - chủ trang trại có diện tích 2.500m2, xây dựng chuồng chăn nuôi gà, 2 ha ao cá cho doanh thu 4 - 5 tỷ đồng/năm. Ông Dự chia sẻ: Tôi may mắn hơn khi năm 2013 được vay vốn ODA với dư nợ 900 triệu đồng, lãi 0,6%/tháng. Cũng trong năm đó, tôi thành lập HTX Dư Ngọc và trại gà của tôi được Chi cục Thú y thành phố cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài việc nhập cho siêu thị Metro và BigC, trứng gà của trang trại còn bán ở một số nhà máy ở khu công nghiệp Nam Cấm, một số nhà hàng và còn nhập sang Lào. Từ thực tế phát triển trang trại, chúng tôi đề nghị các cơ quan liên quan, ngân hàng cần tạo điều kiện cho vay vốn trung, dài hạn.
Theo ông Nguyễn Văn Bính - Chủ tịch Hội Kinh tế trang trại tỉnh, thì hiện có khá nhiều rào cản trong việc vay vốn của trang trại. Ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp và phương án sản xuất phải có tính khả thi cao; tuy nhiên, hầu hết các trang trại thuê đất của địa phương với thời hạn thuê ngắn 5-10 năm, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thế chấp. Với nguồn vốn vay nhỏ, chỉ vài chục triệu đồng và thời gian trả nợ ngắn không phù hợp với chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi. Thông thường, một trang trại nhỏ không đủ tiêu chí chỉ được vay 50 triệu đồng thông qua tín chấp của các tổ chức đoàn thể tại địa phương.
“Quá trình nắm bắt những tồn tại, khó khăn trong quan hệ vay vốn chúng tôi thấy còn nhiều bất cập, ngân hàng có những lý do chính đáng nhưng cần có giải pháp tốt hơn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, phục vụ khách hàng. Sản xuất nông nghiệp cần chu kỳ đầu tư dài hạn để xây dựng chuồng trại, hệ thống điện, nước... và cây trồng vật nuôi cũng cần có thời gian sinh trưởng phát triển, nên nhu cầu của phần lớn trang trại là nguồn vốn vay trung, dài hạn. Do vậy, phía ngân hàng cần có chính sách thông thoáng hơn cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay trung, dài hạn, đầu tư phát triển chăn nuôi. Các ngành, địa phương cần phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, chính sách tín dụng nhằm khơi dòng vốn vay ưu đãi cho nông dân” - ông Bính đề nghị.
Trao đổi về vấn đề vay vốn của trang trại, theo ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Nghệ An, hiện nay nhiều trang trại kinh doanh tự phát, thiếu chiến lược dài hạn, nguồn đầu vào cũng như đầu ra chủ yếu là thị trường tự do, không có sự liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, do vậy không kiểm soát được hiệu quả kinh doanh, dẫn đến một số chủ trang trại không tận dụng được cơ chế bảo đảm tiền vay theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ là được xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo do thiếu độ tin cậy đối với ngân hàng khi xem xét cho vay, cho nên ngân hàng không cho vay.
Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng tham gia cho trang trại vay vốn, song dư nợ lớn nhất trong lĩnh vực này là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến 30/4/2017, tổng dư nợ của ngân hàng này đạt 19.203 tỷ đồng, trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn là 16.267 tỷ đồng, chiếm hơn 86% tổng dư nợ với hơn 151.658 khách hàng. Riêng cho vay trang trại có tổng dư nợ đến thời điểm đầu tháng 5/2017 đạt 61.900 triệu đồng (dư nợ cho vay trồng trọt là 6.583 triệu đồng, chăn nuôi 31.237 triệu đồng, lâm nghiệp 550 triệu đồng, nuôi trồng thuỷ sản 250 triệu đồng). |
Thực tế tình trạng rớt giá sản phẩm đối với nhiều trang trại hiện nay cho thấy, các chủ trang trại cũng cần đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh theo hình thức sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Các chủ trang trại xây dựng mối liên doanh, liên kết trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi… giữa các trang trại cũng như với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trên thị trường, các siêu thị, nhà hàng, tạo cơ sở quan trọng đảm bảo điều kiện cho ngân hàng thẩm định, cho vay./
Thu Huyền
TIN LIÊN QUAN |
---|