Một con lợn từ chuồng đến siêu thị hay chợ phải qua 3-4 khâu trung gian, khâu bán lẻ đã chiếm đến 20-30% lợi nhuận.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 9/6, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Sỹ Cương nêu băn khoăn về thực trạng giải cứu nông sản vừa qua. Theo ông, hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, rồi đến thịt lợn, chuối... danh sách nông sản ế thừa chắc chắn sẽ còn kéo dài, nếu không có được giải pháp căn cơ từ phía cơ quan quản lý.
"Bài ca được mùa mất giá, được giá mất mùa đã quá quen thuộc, được nông dân, đại biểu Quốc hội hát đi hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, dù bài ca đó không được ai cấp phép", ông nói.
Điều khiến Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại băn khoăn là hiện trạng "thịt lợn rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ, nỗi đau của người chăn nuôi hiện hữu", nhưng tiếc là báo cáo của Chính phủ về kinh tế xã hội gửi tới Quốc hội không đánh giá vấn đề này.
Bên cạnh đó, ông Cương nhìn nhận, khâu lưu thông đang kìm hãm sản xuất. Ông phân tích, giá thịt lợn trong siêu thị tăng 3-4 lần có được coi là thao túng giá, vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu, ai là người được lợi trước cảnh được mùa rớt giá?
Thiệt hại khu vực chăn nuôi, theo ông, là không nhỏ. Dư nợ cho vay chăn nuôi lợn là 32.900 tỷ, chưa kể cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi là hơn 12.000 tỷ, cho vay sản xuất thuốc thú y 485 tỷ. "Nguy cơ dư nợ trên thành nợ xấu, và hàng triệu người chăn nuôi trên cả nước rơi vào cảnh vỡ nợ, phá sản hoàn toàn có thể xảy ra", vị đại biểu tỉnh Ninh Thuận nói và đề nghị,Chính phủ đánh giá một cách toàn diện về thiệt hại và hậu quả mà ông cho rằng là rất lớn này.
"Lo đầu ra cho nông nghiệp cần xem xét nghiêm túc. Sản xuất không có đầu ra thì sản xuất làm gì?", ông Cương tiếp lời, đồng thời đề nghị dành thời gian tăng thêm chất vấn, tranh luận nhằm tìm giải pháp tiêu thụ nông sản, tìm giải pháp để 'sau này không phải nói nhiều chuyện này nữa".
*Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, nhiều năm qua ngành nông nghiệp chỉ mới loay hoay chọn logo cho gạo, vì thế điệp khúc “được mùa, mất giá” luôn là ám ảnh thường trực.
Thực tế này đã được bà cũng như các đại biểu chất vấn trưởng ngành nông nghiệp trước đây – nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp nông thôn Cao Đức Phát, nhưng đến nay vẫn không thay đổi. Liên tục những lời kêu gọi, giải cứu các mặt hàng nông sản được đưa ra nhưng giá thấp mà chẳng ai mua. Đáng buồn, theo bà, một số doanh nghiệp dựa vào tình cảnh khốn khó của người nông dân để đánh bóng tên tuổi, kêu gọi giải cứu thịt heo, nhưng cuối cùng lại “bỏ nông dân, ôm gối ra đi”. “Nông dân cô độc trong tiêu thụ sản phẩm mình sản xuất ra”, bà Bé xót xa.
Còn đại biểu Đoàn Văn Việt - tỉnh Lâm Đồng lo lắng, nguồn cung nông sản dư thừa, liên tục phải giải cứu nhưng chưa làm yên lòng bà con nông dân.
Nêu lại thực tế những cuộc giải cứu dưa hấu, thịt heo, hay có thời điểm nông dân tỉnh Lâm Đồng đành bỏ cà chua chín rục trên cây do rớt giá thảm…, ông Việt chỉ ra, nguyên nhân chính do quy mô sản xuất nông sản còn nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch, trong khi công nghiệp hỗ trợ chế biến nông sản hạn chế. Thu nhập nông dân chủ yếu là "lấy công làm lời".
Nhấn mạnh nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế, nhưng theo đại biểu tỉnh Bình Phước - Nguyễn Tuấn Anh trụ đỡ này đang yếu dần do nhiều tác động. Đây chính là nút thắt khiến tăng trưởng khu vực sản xuất chưa bền vững.
Giải quyết vấn đề này, ông Tuấn Anh nhấn mạnh, cần đẩy nhanh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo tính toán, chi phí đầu tư một cơ sở nông nghiệp công nghệ cao 6-15 tỷ đồng một ha, tuỳ mô hình sản xuất. Chi phí lớn nếu doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ từ chính sách, cơ chế, lãi vay… thì khó thực hiện được.
Gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đã được Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước đưa ra chính sách, mức hỗ trợ cụ thể, song với những điều kiện chặt chẽ thì khó có người dân nào vay được vốn đầu tư lĩnh vực này. Vị đại biểu tỉnh Bình Phước kiến nghị, cần sớm xác nhận quyền sở hữu tài sản trên đất với doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp.
Còn theo đại biểu Đoàn Văn Việt, Chính phủ cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để xây dựng “doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông nghiệp”, trong đó tập trung hỗ trợ nông nghiệp khởi nghiệp, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn...
Đại biểu Thích Thanh Quyết thì đề xuất, sản xuất nông sản phải theo chuỗi từ khâu sản xuất của người nông dân tới tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết 4 nhà (Nhà nước – nhà khoa học – nhà nông –doanh nghiệp) để đặt mục tiêu quy hoạch nguồn nguyên liệu, tập trung tích tụ đất đai, liên kết giữa các hộ nông dân…
Theo VNE