(Baonghean) -Chẳng biết xe chúng nó xuất phát từ mấy giờ, mà mới sáu giờ đã thấy còi inh ỏi ngoài ngõ, vừa ra mở cổng thằng Đề đã ào vào:
- Anh ơi! Anh chị chuẩn bị chúng ta đi cho sớm.
- Làm gì mà vội, hôm qua nhận điện, chị đã chuẩn bị ăn sáng, chỉ chờ cậu đến. Mà chỉ mình anh đi thôi, chị còn phải ở nhà lo cho mấy cháu để chúng đi học.
- Ăn sáng sớm thế, ai mà ăn được! Ra ngoài phố, ăn sáng, làm ly cà phê, rồi ta đi, còn chị gắng lên anh em ngoài đó đều mong, con đứa nào thì đứa ấy trông, ông bà bao cấp lâu quá đấy! Thay đổi tư duy đi! Phải sống cho mình nữa chứ!
Chúng tôi rong ruổi hơn hai tiếng xe mới vào đường rẽ lên thôn Ngũ Bàu, xe chạy gần tiếng nữa thì qua đập tràn, xe lắc lư lên đồi hòn Ô, một ngọn đồi thấp nằm bên bờ bàu, có từ thời vua Hồ chạy về đây củng cố lực lượng chống giặc. Ven bờ là hàng Lộc mưng sà cành xuống mặt nước bàu trong xanh gợn sóng, trên đồi là rừng bạch đàn xanh mỡ màng, nép trong rừng cây ở lưng đồi là ngôi nhà gỗ ba gian, làm trạm tiếp khách vào trang trại. Xe dừng lại, từ trong nhà chạy ra:
- Ôi thủ trưởng! Lâu quá rồi, thủ trưởng còn nhớ em không?
- Bây giờ làm gì còn trưởng với phó nữa, thường dân như các cậu cả rồi. Thành C4 phải không?
- Em, cái thằng từ trong xe cháy chui ra đây! Tháng 3 -1975, C4 bọn em bí mật chở Sư 320 và Sư 10 xuống ém ở Buôn Ma Thuật, để bất ngờ mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên. Lúc về xe em ăn một quả rốc két bốc cháy, em cho xe chui vào rừng, còn em thì chui khỏi ca bin.
- Quê cậu ngoài Nam Định kia mà?
- Anh An, D trưởng D3, về đây mở trang trại, anh ấy gọi, em bốc cả nhà vào đây được hơn 10 năm rồi. Nhà em ở khu trung tâm, chiều mời anh đến nhà em chơi!
- Mình còn ở đây chơi lâu, thế nào mình cũng đến tất cả nhà các cậu.
Xe phải vượt hai quả đồi mữa mới vào đến khu trung tâm, bốn quả đồi nối nhau, rừng cây ngút ngàn, rừng tràm, bạch đàn, rừng cam chín vàng trĩu quả… An từ trong phòng làm việc chạy ra:
- Anh Chính, thủ trưởng có khỏe không? Em lao vào làm ăn không còn rứt ra mà vào thăm anh chị được, thế chị đâu? Lần này tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập trang trại lính, kỷ niệm ngày cựu chiến binh, rồi ngày 22 - 12.Vì thế em mời các thủ trưởng trung đoàn Trường Sơn xưa về với anh em. Anh ơi, biết bao kỷ niệm vui buồn làm sao quên được!
- Mình hơi bất ngờ đấy! Cho mình về làm lính các cậu với!
- Xin mời anh, chỉ sợ anh chị chê chúng em nghèo thôi! Em tập trung được hơn 20 gia đình, hầu hết là anh em trung đoàn ta xưa, chỉ vài ba gia đình là lính đơn vị khác, nhưng là người địa phương đây. Bây giờ trang trại đã hơn 100 nhân khẩu.
Để cho An lo công việc, tôi đi lang thang quanh trang trại, bên bờ bàu tốp thì thả lưới bắt cá trong bè, tốp thì đang quay con lợn, tốp thì đang xẻ thịt vài con dê, tốp thì làm cả rổ gà, họ đang chuẩn bị cho buổi liên hoan gặp mặt trưa nay…
Đi qua một thung lũng, sang dãy đồi phía Bắc, sáu ngôi nhà rải dọc chân đồi, mỗi nhà rộng đến hơn ngàn mét vuông đất, có vườn cây ăn quả, có vườn rau xanh mượt mà, nào chuồng lợn, chuồng bò ngăn nắp như một gia đình nông thôn ở quê. Có một nhà còn mở cửa, tôi rẽ vào, chị chủ nhà đã đứng tuổi, đang tắm cho một cậu thanh niên tật nguyền:
- Bác là khách về dự lễ kỷ niệm ngày thành lập trang trại?
- Vâng, tôi cùng đơn vị với anh em ở đây.
- Quý hóa quá, nhà em cũng là lính trung đoàn vận tải Trường Sơn, năm 68 chở đạn dược cho chiến dịch Khe Sanh. Chúng em gặp nhau trên đường, đến 72 chúng em cưới nhau, nhà em lại đi đến 75 mới về, em sinh được thằng cháu Hòa Bình. Mới sinh cháu bình thường, trắng trẻo đẹp như thiên thần, được một năm chân tay cháu cứ teo dần, đưa đi khắp nơi cũng đành chịu. Bác An biết tin, bác đưa đi Hà Nội, bác sĩ bảo bố cháu bị nhiễm chất độc da cam, không còn cách nào nữa, bây giờ cháu bị bại não không biết gì nữa! Năm 78, em lại có thai, khi sinh cháu chỉ là cục thịt đầy lông lá, chỉ vài tiếng sau thì cháu qua đời! Từ đó chúng em không dám sinh nữa!
- Chú ấy bây giờ có khỏe không? Kinh tế gia đình có khá hơn ở quê không ?
- Hơn chứ bác! Nhà em sức yếu, các bác các chú giành hết việc nặng, mấy năm nay chỉ trông coi đồi cam, em thì lo dọn dẹp, quét tước khu trung tâm, cháu Hòa Bình thì được trợ cấp mỗi tháng 1 triệu. Chỉ thương cháu tật nguyền, các cháu cùng trang lứa đã học xong đại học, cháu nào tình nguyện ở lại trang trại, được trang trại nuôi, về làm ở trại chăn nuôi, trại trồng trọt, trại trồng rừng, ở phòng thí nghiệm… Được làm gần nhà lương sáu bảy triệu đồng một tháng. Cháu Thanh Thủy nhà bác Ân trại nuôi cho học đại học y, một năm nữa về làm trạm trưởng trạm y tế của trại, cái số nhà em nó khổ.
- Thôi! Mình đã khóc mãi trong chiến tranh rồi, chiến tranh làm tan nát, đau thương cho bao gia đình, bây giờ tình đồng đội chia sẻ cho vơi bớt nỗi đau của chúng ta!
- Vâng! Ở đâu thì em không biết chứ ở đây thì tình đồng đội thật ấm áp bác ạ! Khu nhà bên cạnh khu trung tâm là nhà mấy gia đình liệt sĩ, bác An đi tìm khắp nơi để đưa bố mẹ, vợ con, và cả anh em của đồng đội đã hy sinh ở Trường Sơn ngày ấy, cách đây dăm năm bác ấy cùng mấy anh em đi cả tháng trời tìm bằng được hài cốt các anh đưa về, xây khu nghĩa trang ở chân đồi tràm. Những ngày lễ tết, rằm mồng một, các gia đình đều ra thắp hương, những dịp lễ lớn cả trang trại có vòng hoa, ra tưởng niệm ở nghĩa trang, rồi về các gia đình liệt sỹ thắp hương, và có quà chia sẻ với gia đình,
- Chi phí của trang trại lớn thế, hàng năm có lỗ không?
- Lỗ sao được bác! Chốc nữa bác sang đồi bên kia xem trại hươu, mấy chục hươu đực mỗi năm cho mấy yến lộc nhung, còn xuất mấy chục con giống, trại gà đồi, thứ gà đắt nhất trên thị trường. Tháng vừa rồi mấy chục xe chở cam ra Hà Nội, giống cam Xã Đoài nổi tiếng, bác An còn định phát triển thêm mấy chục hét ta cam nữa, thỉnh thoảng vài xe đến chở ra thành phố, gần tết các nơi về nhập cá trắm, mè, trôi, gáy…
Từ khu trung tâm, tiếng loa truyền thanh vang khắp bốn quả đồi: “A lô! Ban quản trị trang trại thông báo đúng 9 giờ 30 phút lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trang trại được cử hành tại hội trường trung tâm. Vậy chúng tôi trân trọng kính mời mọi thành viên trang trại đến đúng giờ để lễ kỷ niệm được long trọng tiến hành”.
Tôi vội vàng qua thung lũng khu trung tâm. Sáu, bảy chiếc xe của quan khách đã đậu trước sân. An đang nghiêng ngó có ý tìm tôi. Vừa nhìn thấy An đã chạy ra:
- Mời anh về để ta làm việc. Giới thiệu với các anh, đây là anh Chính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn vận tải Trường Sơn, thuộc Binh đoàn 559 Anh hùng…
Sau phần khánh tiết, An lên báo cáo quá trình thành lập trang trại. Lễ kỷ niệm chỉ diễn ra đúng một tiếng đồng hồ. Bữa cơm gặp mặt diễn ra vui vẻ. Xong việc An đưa tôi về nhà, ngôi nhà ba gian tuềnh toàng cũ nát đồ đạc chẳng có gì.
- Sao các cậu giàu thế mà ông chủ nhiệm vẫn ở cái nhà cũ nát thế này?
- Anh em họ cũng cứ bắt em làm nhà, vì lo hết việc này lại tòi việc khác, không còn rỗi ra lúc nào, với lại nhà này cũng còn ở được .
- Suốt đời cậu cứ lo cho người khác, còn mình thì bỏ bê.
- Thì anh ngày xưa cũng thế đấy thôi!
Buổi chiều, An đưa tôi đi xem tất cả các khu trang trại. Một thung lũng rộng mênh mông toàn đất đen pha cát là trang trại trồng lạc, vừng, ngô, mùa nào thức ấy, một năm bốn vụ. Ở đâu cũng thấy ngăn nắp, đến các hàng cây cũng thẳng hàng. Đúng là trang trại của lính!
Xuân Chuẩn
Quỳnh Lưu