(Baonghean.vn) - Nhiều người đọc bản tin pháp luật trên báo và rú lên khi bố vợ chém chết con rể. Chứ họ không bao giờ nghĩ rằng, họ sẽ về nhà, dạy con trai mình trở thành một người đàn ông tự trọng, và dạy con gái mình trở thành người phụ nữ thận trọng...
Và tôi cũng không hiểu đám đông bênh vực thương hại cho cô vợ xấu số kia, họ có hiểu ra điều này không: Bi kịch đấy sẽ không bao giờ xảy ra nếu suốt bao năm qua, cô vợ trẻ 31 tuổi không liên tục hôn lên bàn tay vừa tát cô. Thậm chí người đàn bà ấy sẵn sàng làm tình được với một kẻ vừa dày vò đánh đập mình. Cảm hứng tình dục từ đâu ra vậy?
Đừng nói với tôi rằng, cảm hứng tình dục của đàn bà đến từ tờ giấy kết hôn được Ủy ban nhân dân phường nào đó của quận Gò Vấp đóng dấu! Thật vô nghĩa hết sức, những đám đông lên án những cô Thị Mầu thời nay “không chồng mà chửa” chỉ vì họ muốn làm chủ đời sống của họ, sống một cuộc sống xứng đáng và an toàn hạnh phúc nhất trong điều kiện của họ. Và đám đông lại lao vào bênh vực những cuộc hôn nhân “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, và công nhận đấy vẫn là hôn nhân!
Những đám đông chỉ mong các ủy ban nhân dân phường cấp được càng nhiều giấy Chứng nhận kết hôn càng tốt! Chúng ta sợ phụ nữ độc lập. Chúng ta sợ phụ nữ không chịu công nhận đàn ông là trụ cột gia đình và xã hội. Chúng ta sợ phụ nữ giỏi và có chính kiến.
Những người phụ nữ thành đạt thường được nhận câu hỏi thân tình về tình trạng độc thân và con của chị có bố hay không có bố? Dù những câu hỏi đó luôn được bao bọc bởi những vẻ đẹp thân thiện, tình cảm, quan tâm, gắn kết, thông cảm, thân mật…
Những phụ nữ đã li dị luôn được nhận những câu hỏi về tình trạng bản thân và tình trạng của con cái. Có người đàn ông còn hỏi sỗ sàng, thế mấy năm qua em không có nhu cầu về tình dục à? Ý hỏi, đã có anh đây, em có muốn xài chùa anh không?
Có những cô gái ba mươi còn chưa kết hôn, sẽ luôn nhận được lời chúc mừng năm mới như sau: Thế nào, bao giờ có tin vui? ("Tin vui" tức là thiệp mời đám cưới), thế năm nay định thế nào đây? Bao giờ cất cánh? (Ý hỏi, các cô chỉ là con vịt trời thôi, bao giờ các cô bay đi khỏi nhà vậy?)
Ôi lạ lùng những cơn đồng cảm với phụ nữ tuổi cần yêu, cần chồng, cần con. Nếu những cô gái chưa có tất cả những thứ ấy, chưa yêu, chưa chồng, chưa con, không có nghĩa là các cô gái ấy đang ở trong trạng thái khiếm khuyết về nhân cách!
Không phủ nhận được rằng cả xã hội này, kéo dài từ hàng xóm – bạn học – họ hàng – người quen – đồng nghiệp chung quanh cuộc đời của một người phụ nữ có ảnh hưởng vô cùng lớn tới những quyết định trong cuộc đời một người phụ nữ. Nếu cô ấy đang sống ở Việt Nam!
Có những người suốt nhiều năm thấy người vợ trẻ đi ra đường với những dấu vết đánh đập của ông chồng, nhưng đã im lặng. Họ chỉ lên tiếng khi được phỏng vấn trong bài báo, trong vai trò những nhân chứng nhìn thấy ông bố vợ chở xác con rể 34 tuổi đi đầu thú công an. Họ còn kịp giơ máy ảnh lên chụp được ảnh bi kịch, rồi cung cấp hình ảnh cho báo chí như một sự tích li kỳ. Sao họ không chụp lấy những hình ảnh bi kịch thời điểm mới bắt đầu – vài năm trước, hoặc chụp lấy sự bàng quan vô trách nhiệm của họ khi nhìn thấy người con rể chạy tới gây rối, chửi bới, dọa giết hàng xóm?
Những người khác, chỉ đọc bản tin pháp luật trên báo và rú lên khi bố vợ chém chết con rể. Chứ họ không bao giờ nghĩ rằng, họ sẽ về nhà, dạy con trai mình trở thành một người đàn ông tự trọng, và dạy con gái mình trở thành người phụ nữ thận trọng.
Cũng nhiều người cho rằng, phải tay tao, thằng nào đụng tới con gái tao, tao cũng xé xác! Nghĩa là, còn con gái những “thằng” khác, tao chẳng quan tâm. Cái xã hội này loạn lạc tới mức nào cũng chẳng liên quan gì tới “bố” cả.
Con gái những “thằng” khác là ai? Là chẳng ai xa lạ. Có thể “thằng” đó chính là thông gia nhà mình. Bạn đối xử với con dâu đâu có tử tế hơn ai. Khi chủ nhật này, bạn gọi con gái đã lấy chồng về nhà ngoại để ăn bữa cơm cuối tuần vui vẻ, nhưng sai con dâu đi chợ túi bụi. Con dâu không phải là người ư? Vì sao con dâu thì phải dành cuối tuần làm cơm cho vui lòng người ta? Con dâu cũng muốn được về nhà bố mẹ đẻ chứ, y như thứ ưu đãi bạn chỉ dành riêng con gái bạn!
Có thể “thằng” đó chính là bố vợ bạn đấy thôi. Khi vợ “láo” và bạn không chần chừ vả một cái vào mồm vợ. Và thỉnh thoảng đi comment trên các diễn đàn, bạn vẫn chỉ trích những thằng đàn ông không biết dạy vợ!
Nên câu chuyện vụ án, với những độc giả đàn ông và đàn bà, lại là một bi kịch hiện hữu trong cuộc sống hôm nay: Bạo lực là một quá trình.
Khi mới quen: Anh trách móc nàng, tại sao em lại đến quán cà phê muộn 10 phút? Anh rất giận, anh mắng. Nhưng nếu anh đến muộn, em lại lo lắng có thể vì anh bị tắc đường hay anh có tai nạn gì xảy ra chăng?
Khi mới cưới: Chồng nổi giận khi 7h tối mà vợ chưa cơm nước. Còn vợ nếu về nhà cũng 7h tối, sẽ hối hận vì sao công việc quá bận rộn khiến vợ không thể chu toàn việc nhà?
Khi ngoại tình: Chồng đổ lỗi vợ, vợ tự trách mình.
Và khi bạo lực gia đình xảy ra: Đừng vạch áo cho người xem lưng.
Và, từ hôm ấy, thế giới bắt đầu có thêm một người đàn bà, chấp nhận hôn lên bàn tay vừa tát mình!
Trang Hạ