(Baonghean) -Là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện vùng cao Con Cuông, lại nằm cách xa trung tâm huyện, giao thông trắc trở nên lâu nay Bình Chuẩn luôn nổi tiếng bởi những điều chưa "chuẩn". Nhắc tới Bình Chuẩn là nhắc tới bao điều trăn trở...
Nỗi trăn trở và bức xúc trước tiên phải kể đến là đường giao thông. Đối với mỗi địa phương, muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thì giao thông phải đi trước một bước. Vậy mà, tuyến đường khoảng 40 km từ Thị trấn Con Cuông đi Bình Chuẩn đã được khởi công từ năm 2006 nhưng đến nay số đoạn đường hoàn thành có thể tính được trên đầu ngón tay. Tệ hại hơn, việc san ủi, tập kết nguyên liệu rồi bỏ dở chừng đã làm cho tuyến đường vốn đã trắc trở nay lại càng gian nan. Từ trung tâm xã, chúng tôi qua bản Quăn, rồi xuống bản Quẻ, nơi giáp ranh với xã Đôn Phục. Đoạn đường này chưa đến 8 km, nhưng phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ "vật lộn" cùng chiếc xe gắn máy. Có những đoạn nhà thầu san ủi mặt bằng rồi bỏ dở hàng năm trời khiến đường bị xói lở và xuất hiện những "ổ trâu", thậm chí là "ổ voi" vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể có đoạn cả ta-luy âm và ta-luy dương đều bị sạt lở, cây cối bị cuốn trôi nằm ngổn ngang trên mặt đường. Việc cầu cống xuống cấp và đứt gãy có thể nói là "chuyện thường ngày ở huyện".
Tiếp chuyện chúng tôi, lời đầu tiên của ông Vi Văn Huân, Trưởng bản Quẻ là: "Đường đi quá vất vả phải không? Hôm nay nắng ráo anh có thể đi được, chứ vào ngày mưa thì đường trơn trượt, lầy sụt đi bộ còn khó chứ đừng nói chuyện đi xe máy. Có dạo mưa kéo dài, tuyến đường bị chia cắt, hầu hết bà con trong bản đều hết lương thực và đối diện nguy cơ thiếu đói. Nhà nước chở gạo cứu đói về trụ sở UBND xã nhưng không có cách gì đến vận chuyển về được. Ở đây, gia đình nào cho con theo học cấp 3 được xem là "oách" lắm, ngang với chuyện đậu đại học dưới xuôi đó. Vì anh xem, đường sá thế này, bọn trẻ đến trường sao được".
Người dân xã Bình Chuẩn thường xuyên phải nhận gạo cứu đói.
Nằm cách Thị trấn Con Cuông chỉ khoảng 40 km, nhưng mỗi khi có việc phải ra trung tâm huyện, người dân xã Bình Chuẩn gần như không thể đi theo tuyến đường liên xã mà phải ngược ra tuyến đường 48C qua các xã Xiêng My, Nga My, Yên Hòa, Yên Thắng, Tam Đình, Tam Quang của huyện Tương Dương để ra Quốc lộ 7A rồi vòng xuống Con Cuông. Chặng đường này, theo chỉ số báo trên công-tơ-mét của xe gắn máy, chúng tôi tính được hơn 110 km. Như vậy, làm một phép tính đơn giản, người dân Bình Chuẩn lãng phí mất một đoạn đường hơn 70 km. Còn sự lãng phí về mặt thời gian và chi phí xăng dầu thì thật khó đưa ra một con số cụ thể. Cụ Vi Văn Tâm ở bản Quăn bộc bạch rằng: "Xã Bình Chuẩn tách ra từ xã Bình Nga của huyện Tương Dương năm 1963. Bây giờ, xã Nga My của Tương Dương giao thông hết sức thuận tiện. Giá mà Nhà nước cứ để Bình Chuẩn trực thuộc Tương Dương, biết đâu giờ đây mọi thứ đã khác...".
Cùng với đường giao thông, nguồn điện lưới cũng là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Vậy mà, đến thời điểm hiện nay, gần 850 hộ dân của xã vẫn chưa được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia. Một số hộ ở gần các khe suối dùng nguồn điện từ tua-bin mini, một số ít hộ có điều kiện mua sắm máy nổ, còn lại hầu hết người dân dùng đèn dầu. Cần nói thêm rằng, việc lắp đặt tua-bin mini dọc các khe suối đã dẫn đến tình trạng sạt lở đất sản xuất và đe dọa tính mạng người dân. Theo lời anh Nguyễn Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã, thì một vài năm gần đây đã xẩy ra hiện tượng rò rỉ nguồn điện gây chết người ở bản Tông và bản Mét. Và mới đây, anh Kha Văn Minh, Trưởng Công an xã trên đường đi làm việc về, xe vướng phải dây điện thõng xuống ngang đường và giật anh té ngửa ra đường. Rất may, anh Minh kịp né khỏi sợi dây điện nên không nguy hiểm đến tính mạng. Việc thiếu nguồn điện lưới còn dẫn đến hệ quả không nhỏ là trình độ dân trí ở Bình Chuẩn vốn ở mức rất thấp, nay lại càng khó theo kịp các xã bạn. Bởi thiếu điện, các phương tiện nghe nhìn bị hạn chế, người dân không có điều kiện cập nhật thông tin và nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật. Còn các em học sinh cũng không thể học tốt khi phải ngồi học trong điều kiện thiếu nguồn ánh sáng.
Anh Nguyễn Thế Mạnh cho biết thêm một số thông tin về những điều chưa "chuẩn" ở xã Bình Chuẩn. Toàn xã hiện có 670 hộ thuộc diện đói nghèo (chiếm 77,18%). Nguồn thu nhập chính chủ yếu là chăn nuôi gia súc, nhưng thời gian gần đây dịch bệnh hoành hành đã đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh trắng tay. Hệ thống cơ sở vật chất của mạng lưới văn hóa- giáo dục và y tế chưa đồng bộ nên không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, Bình Chuẩn là xã giáp ranh với huyện Tương Dương và Qùy Hợp nên tình hình an ninh- trật tự trên địa bàn khá phức tạp. Đặc biệt là tình trạng mua bán, tàng trữ và sử dụng chất ma túy. Theo thống kê chưa đầy đủ của lực lượng công an xã, hiện trên địa bàn có 11 đối tượng nghiện ma túy, trong đó 5 đối tượng đang cai tập trung, 6 đối tượng đang cai tại nhà.
Trao đổi về việc tìm hướng đi để giúp người dân Bình Chuẩn từng bước thoát nghèo và nâng cao mức sống, anh Nguyễn Thế Mạnh cho rằng: "Bình Chuẩn mong được Nhà nước quan tâm giúp đỡ phát triển nông- lâm nghiệp bằng việc hỗ trợ các loại giống cây- con và phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ phát triển văn hóa - giáo dục và y tế cần được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm hoàn thành tuyến đường liên xã và hoàn thiện hệ thống điện lưới để tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội". Và chúng tôi thiết nghĩ, đó chính là những tiền đề để Bình Chuẩn đạt được những mức "chuẩn" tối thiểu.