bna_av5448653_1292019.jpg

Bức thư đặc biệt gửi Ban giám hiệu

Trần Thế Trung có một niềm đam mê đặc biệt với Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và bắt đầu làm quen với các câu hỏi từ khi còn học tiểu học, dù ngày ấy Trung chỉ trả lời được một số câu hỏi liên quan đến lĩnh vực tự nhiên. Lên THCS, cậu bé bắt đầu chia sẻ sự yêu thích này với mẹ, chị gái và được cả hai ủng hộ rất nhiệt tình. 

Suốt những năm THCS, trong khi những người bạn cùng tuổi chỉ thích tặng đồ chơi, áo quần thì “quà” của gia đình tặng Trung chủ yếu là những cuốn sách về khoa học, lịch sử để cậu bé thỏa sở thích khám phá.

Năm lớp 9, một cú sốc lớn đến với gia đình Trung, khi người chị gái của em không may qua đời. Những tưởng Trung sẽ từ bỏ niềm đam mê của mình. Nhưng, vì lời hứa với mẹ, với chị Trung đã nỗ lực vượt qua và em đã đậu thủ khoa đầu vào lớp chuyên Vật lý - Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Với đầu vào thuận lợi, Trung cũng được thầy giáo chủ nhiệm và các thầy cô ở tổ Vật lý lựa chọn, tạo nguồn cho đội tuyển quốc gia. Nhưng, Trung đã từ chối vì muốn dành thời gian cho cuộc thi Olympia mà mình đã mơ ước. Khó khăn của Trung lúc bấy giờ là đã rất nhiều năm, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu không có sân chơi cho học sinh ở cuộc thi này. Không nản lòng, Trung cùng với một bạn học khác ở lớp chuyên Tin đã viết đơn lên nhà trường đề nghị được tổ chức cuộc thi cấp trường. 

“Thực ra lúc ấy chúng em cũng không biết làm thế nào để đến được với cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Thế nên, em nghĩ, nếu nhà trường có một cuộc thi để chọn thí sinh thì cơ hội sẽ đến với học sinh trong trường dễ dàng hơn”

Trần Thế Trung

Trần Thế Trung là một trong những gương thanh niên tiêu biểu Nghệ An.

Hy vọng là vậy, nhưng không ngoài dự đoán, lá đơn của Trung và người bạn cùng khóa đã không được chấp nhận vì đơn giản là “chưa có tiền lệ”. Không nản lòng, sau đó, Trung lại viết một bức tâm thư lên diễn đàn của Trường với những lời “thú nhận” rất tâm huyết: “Em nghĩ học sinh trường Phan đâu cứ cần phải học chuyên?. Học đều thì cũng là giỏi và nếu học sinh ấy có thể làm rạng danh nhà trường bằng cách này hay cách khác thì cũng là niềm tự hào rồi phải không?... Em mong các anh chị và các thầy cô nếu đọc được confessinons (bộc bạch) này thì hãy hiểu cho tâm sự của em và tạo điều kiện cho học sinh nhà trường tham gia sân chơi trí tuệ đầy bổ ích này...”.

Bức tâm thư của Trung khi đó không ký tên nhưng không hiểu vì sao rất nhiều học sinh trong trường đã đoán được chủ nhân của bài viết. Điều đáng mừng hơn, tâm sự của Trung cuối cùng cũng khiến ban giám hiệu nhà trường thay đổi. Ngay trong năm đó, một cuộc thi cấp trường đã được tổ chức khá quy mô. Nhớ lại cuộc thi này, Trung cho biết: “Vòng thi đầu tiên dù tổ chức bằng hình thức thi viết nhưng thí sinh ngồi kín hết hội trường. Phải đến vòng 3, nhà trường mới chọn được thí sinh cuối cùng. Điều bất ngờ, là đối thủ cạnh tranh với em ở vòng thi cuối cũng chính là bạn học đã cùng viết đơn với em và em may mắn đã là người được chọn”.

Đưa cầu truyền hình về quê hương

Từ cuộc thi cấp trường, Trung đã có một chặng đường khá dài để đến với vòng thi tuần của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Thế nhưng, trái với tâm trạng hồi hộp, lo lắng, Trung đến với vòng thi tuần với một tâm thế rất bình tĩnh: “Lần đầu tiên đứng ở trường quay S14 của Đài Truyền hình Việt Nam em thấy thực thân quen như dành cho mình. Có thể, vì cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đã gắn bó với em từ rất lâu rồi”, Trung nhớ lại.

Trong suốt quá trình tham dự cuộc thi, Trần Thế Trung cũng đã có rất nhiều kỷ niệm. Nếu như, ở vòng thi tuần đầu tiên, Trung khá dễ dàng khi có chiến thắng tuyệt đối trước các đối thủ đến từ các tỉnh Bình Thuận, Thái Nguyên và thành phố Hồ Chí Minh thì sang vòng thi 2, Trung gặp khó khăn khi rơi vào “dớp” của Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. “Nhiều năm nay, cộng đồng Olympia đều quan niệm, thí sinh thi tuần 2, tháng 2, quý 1 sẽ không bao giờ vượt qua được vòng thi tháng. Thế nên, trước vòng thi này, hầu hết các thí sinh đều rất lo lắng”, Trung chia sẻ.

Người thân chia vui với Trần Thế Trung sau khi em đưa cầu truyền hình về Nghệ An.

Thực tế, Trung bước vào vòng 2 không dễ dàng khi người chơi cùng em là ứng cử viên sáng giá đến từ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh). Tuy nhiên, với bản lĩnh vững vàng, Trung đã cán đích với điểm số rất cao, 280 điểm và cách biệt đến 155 điểm so với thí sinh đứng thứ Nhì. Sau chiến thắng này, Trung cũng chính thức “phá dớp” của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và bước vào vòng thi quý bằng một tâm thế hết sức tự tin.

Điều bất ngờ, đối thủ của Trung ở vòng thi cuối lại chính là một người bạn khá thân thiết ở trong cộng đồng Olympia, thí sinh Nguyễn Hoàng Minh đến từ Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Thực tế, qua 3 vòng thi đầu tiên, Nguyễn Hoàng Minh cũng là thí sinh luôn dẫn đầu với điểm số khá cao. Chính vì thế, chiến thắng cuối cùng đầy kịch tính của Trần Thế Trung trong tình thế “tưởng như mọi thứ đã kết thúc” đã khiến cho trường quay thực sự “bùng nổ”. Chiến thắng này, cũng giúp Trung trở thành thí sinh đầu tiên ghi tên vào trận chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19 và lần đầu tiên đưa cầu truyền hình về với Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và với thành phố Vinh.

Áp lực là động lực

Không đến khi lọt vào vòng chung kết Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia Trung mới trở thành gương mặt nổi tiếng ở Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Trước đó, Trung không chỉ đậu thủ khoa đầu vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu mà còn xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi Học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý năm học 2018 - 2019.

Đặc biệt, dù là một học sinh thiên về khối tự nhiên nhưng Trung có biệt tài ghi ta, đàn và hát khá hay. Hiện Trung tham gia rất nhiều câu lạc bộ ở trường như Câu lạc bộ Âm nhạc, Câu lạc bộ Bóng rổ, Mô phỏng Liên hợp quốc, Báo chí và tuyên truyền và giữ luôn vai trò Trưởng ban kỹ thuật của tờ Nội san Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.

Bạn bè cũng quý mến Trung vì cậu là một người rất nghiêm túc và thẳng thắn nhưng cũng là một người rất tình cảm. Em đã từng bật khóc ở trường quay Đường lên đỉnh Olympia khi nói về người chị đã mất: “Chị chính là người thôi thúc ước mơ Olympia trong em để em có thể đứng được ở đây ngày hôm nay. Hy vọng ở một nơi tốt đẹp hơn, chị vẫn sẽ theo dõi em trong phần thi về đích này, hỗ trợ em về mặt tinh thần để hoàn thành cuộc thi một cách tốt nhất”.

Bước vào trận thi đấu cuối cùng vào ngày 15/9 tới, Trung giữ cho mình một tâm thế tự tin, thoải mái và không nghĩ nhiều đến thắng thua bởi với em “Đi đến trận chung kết này đã là một thành công rất lớn. Em chờ đợi trận đấu này vì đây là cơ hội để các thí sinh giao lưu, học hỏi, để tất cả các thí sinh tham dự cuộc thi năm nay có dịp được gặp gỡ nhau. Em cũng muốn cảm ơn tất cả mọi người đã cổ vũ cho em trong suốt chặng đường đã qua. Sự cổ vũ này là áp lực nhưng cũng là động lực để em tiếp tục cố gắng và thi đấu hết mình”, Trung tâm sự.