(Baonghean.vn) - Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, địa hình đồi núi phức tạp, đa dạng nhiều loại cây trồng, nhiều loại giống gây khó khăn cho công tác quản lý sâu bệnh. Tuy nhiên, Trạm trồng trọt và BVTV huyện Anh Sơn phấn đấu nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ mùa màng, nâng cao năng suất cây trồng, mùa vụ cho bà con nông dân.
Từ đầu năm 2017 đến nay, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nhất là vụ xuân cây trồng phát triển tốt. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Trên cơ sở công tác điều tra và phát hiện dịch bệnh, Trạm đã tham mưu cho UBND huyện ra công văn chỉ đạo các cấp, ngành và địa phương tổ chức chỉ đạo phòng trừ dịch hại.
Nhờ vậy, đã tổ chức phòng trừ đạt 17,5/18 ha lúa nhiễm rầy nâu phá hoại, 226/390 ha lúa ôm đòng nhiễm khô vằn trung bình và nặng, so với năm 2016 diện tích nhiễm tăng (176 ha), phun trừ cho 45/62 ha lúa nhiễm đạo ôn. Ngoài ra, các đối tượng sâu cuốn lá, đục thân, bọ xít dài, ốc bươu vàng và các đối tượng sâu bệnh trên cây ngô, mía, cây lâm nghiệp cũng được trạm phối hợp cùng bà con giảm thiểu đáng kể nguy cơ gây hại.
Trạm phối hợp với trạm khuyến nông, các đơn vị cung ứng giống tiến hành theo dõi, đánh giá sản xuất thử các mô hình lúa HN6, Kim Cương 111 và VT505, quy mô 1 ha/ mô hình, các mô hình gieo giống cùng sản xuất địa trà của các đia phương, năng suất đạt 55-56 tạ/ha, riêng lúa VT505 đạt 70-72 tạ/ha. Đặc biệt, huyện phối hợp công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa sản xuất 50 ha cánh đồng mẫu lớn giống AC5 tại xã Đức Sơn, năng suất 60- 64 tạ/ha, thu nhập 4-4,5 triệu đồng/ha.
Công tác chuyển tải KHKT đã triển khai một lớp kỹ thuật SRI, 1 lớp ICM ở Cẩm Sơn, hội thảo đầu bờ về chương trình SRI tại Vĩnh Sơn.Các mô hình nhằm góp phần truyền đạt cho bà con kinh nghiệm và kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, hướng dẫn bà con cách sử dụng thuốc BVTV. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện để triển khai các mô hình trong vụ hè thu- mùa và nhân rộng mô hình.
Vụ lúa hè thu 2017, Anh Sơn đã gieo cấy gần 1.600 ha, đang giai đoạn bén rễ - hồi xanh, ốc bươu vàng phát sinh và gây hại nơi cao 3 - 5 con/m2 cục bộ 15 - 20 con/m2với diện tích nhiễm 40 ha, điển hình ở xã Bình Sơn, Khai Sơn. Bên cạnh đó, trên 50 ha mía nguyên liệu đang thời kì vươn lóng, sinh trưởng, phát triển tốt nhưng rệp xơ trắng xuất hiện sớm, phát sinh gây hại và lây lan nhanh, tỷ lệ trung bình 1 - 3% , nơi cao 10 - 15% cục bộ 20 - 30% ở Thành Sơn, Hùng Sơn, Đỉnh Sơn, Khai Sơn….
Trạm trồng trọt và BVTV huyện đã ban hành công văn gửi UBND huyện và hai thông báo khẩn gửi UBND các đia phương nhằm tăng cường các giải pháp phòng trừ sâu bệnh hại. Theo đó, Trạm khuyến cáo bà con phòng trừ bằng các biện pháp canh tác thủ công như cày lật đất sớm, rắc vôi bột, phát động chiến dịch tiêu diệt ốc bươu vàng trên địa bàn, bắt ốc và thu gom ổ trứng đem tiêu hủy. Biện pháp hóa học có thể sử dụng thuốc như Padan 95SP, VT - DAX phun ruộng có nước 3 - 5 cm.
Đối với rệp xơ bông trắng trên mía, các xã phối hợp với cán bộ nông vụ mía đường Sông Lam điều tra, theo dõi, tỉa lá già tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng. Phát hiện cắt và tiêu hủy các ổ rệp để hạn chế nguồn phát sinh, lây lan. Chỉ phun trừ trên những diện tích có nhiễm tỉ lệ rệp xơ trắng gây hại từ 20 - 30% trở lên bằng một trong các loại thuốc như: Victory 300EC, Goldra 250WG, Bassa 50EC, Anboom 40EC.
Với những giải pháp và cách làm mang tính chủ động và sáng tạo, trạm trồng trọt và BVTV Anh Sơn đang nỗ lực cao trong việc bảo vệ cây trồng, đưa vụ hè thu mùa thắng lợi. Tập trung làm tốt công tác điều tra, phát hiện kịp thời diễn biến, không bỏ sót các đối tượng sâu bệnh trên các loại cây trồng như lúa, ngô, lạc, chè, mía, cây nguyên liệu, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về kiểm dịch thực vật nội địa, đảm bảo giữ vững năng suất cây trồng vụ hè thu mùa năm 2017.
Lương Mai