Đang nuôi mẹ bại liệt, nhưng khi thấy cháu Trần Thị Phúc Liên (SN 2006) mồ côi mẹ ngay khi vừa ra đời, chị Nguyễn Thị Hường (SN 1957) ở xóm 10, xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc) đã nhận cháu về nuôi. Hiện cháu Liên tròn 10 tuổi nhưng chưa biết đi và cũng không ngồi được do bệnh não úng thủy, nên mọi sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào vai chị Hường...

images1513588_img_4329.jpgChị Hường tận tình chăm sóc bé Phúc Liên.

 Theo hộ khẩu, giấy khai sinh và thủ tục để chị Hường nhận làm con nuôi tại huyện Diễn Châu thì quê quán của cháu Phúc Liên ở đội 15, xã Diễn Yên (Diễn Châu), tên mẹ là Lê Thị Bảy (SN 1962) và bố Trần Chu. Chị Hường nhớ như in ngày chị vừa mổ u hàm và đang điều trị hậu phẫu tại Khoa Răng  - Hàm - Mặt, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An. Trong lúc đi mua cháo, tình cờ thấy các bệnh nhân bàn tán chuyện một bé gái vừa chào đời, vừa mất mẹ tại Khoa Sản.

Do tò mò, chị đã đến xem, thấy đứa bé còn đỏ hỏn đang khóc ngằn ngặt bên thi thể mẹ. Mọi người nhốn nháo rồi bỏ về. Thấy tình cảnh đáng thương của cháu, chị Hường đã liên hệ với Khoa Sản, bệnh viện rằng: Ít ngày nữa nếu không có ai đem cháu về nuôi thì chị sẽ nhận nuôi cháu. Vài ngày sau, khi được bệnh viện thông tin, chị Hường đã quyết định đưa cháu về nuôi và đặt tên là Trần Thị Phúc Liên với mong muốn mọi điều hạnh phúc, đầm ấm sẽ đến với hai mẹ con.

Sau đó, chị Hường nghe tin sau khi chị Bảy mất, bố cháu cũng bị tai biến và qua đời. Vừa đi mổ về, mẹ già bại liệt nằm một chỗ phải chăm sóc thường xuyên, do cháu Phúc Liên quá bé, chị Hường đã đưa cháu đến Trung tâm nhân đạo ở Xã Đoài nhờ nuôi dưỡng và cứ 3 ngày lại đem sữa, áo quần, vật dụng xuống cho cháu. Khi Phúc Liên được hơn một tháng, chị đã làm thủ tục mang cháu về nhà và nuôi dưỡng cho đến nay.

Từ nhỏ cho đến hơn 1 tuổi, chị phát hiện thấy Liên không nhanh nhẹn linh hoạt như những đứa trẻ khác, hai tay cứ xoắn chặt không rời, đưa con đi khám ở Bệnh viện Nhi Thụy Điển, bác sỹ bảo não chậm phát triển hơn bình thường chứ không có bệnh tật gì.  Khi Phúc Liên 3 tuổi thì đầu càng ngày càng to, sốt cao và có biểu hiện khó thở, chị hốt hoảng gửi mẹ già cho hàng xóm rồi tất tả đưa con ra Hà Nội khám. Với chẩn đoán: giãn não thất, Phúc Liên được chỉ định mổ để đặt van dây ống dẫn lưu.
 
Về nhà, Phúc Liên vẫn đau yếu, nằm trên giường không tự quay trở được, cũng không biết đi, không thể tự ngồi được. Dần dần 2 chân lại xoắn, bắt chéo vào nhau, cháu đau đớn khóc suốt ngày đêm, chị lại tất tả đưa con đi mổ nhưng bệnh tình không được cải thiện. Lần thứ 3, trong tháng 3 này, Phúc Liên tím tái khó thở, có biểu hiện hoảng loạn, nước mắt chảy dài không dứt, chị đưa con ra Hà Nội mổ thay dây vì dây van đặt trước đó không có lực hút và lực đẩy nữa. Bác sỹ khuyên nên đưa về Nghệ An để thuận tiện trong điều trị.
 
Lần mổ thứ hai, mẹ con chị được Hội Đông y châm cứu Thăng Long hỗ trợ 30 triệu đồng, một nhà hảo tâm hỗ trợ 10 triệu đồng. Hiện Phúc Liên đã 10 tuổi nhưng cân nặng khoảng trên 10 kg, không thể đi, không ngồi và quay trở được. Bản thân chị cũng mang nhiều trọng bệnh: hen suyễn, hở tim hai lá, gan nhiễm mỡ.
Mẹ chị Hường (mất năm 2009) sinh năm 1933, lấy chồng cùng quê, chỉ sinh được mình chị rồi ốm đau bệnh tật triền miên. Năm chị lên 4 tuổi, mẹ chị bại liệt, bố ly hôn mẹ. Biết hoàn cảnh của mình nên chị sớm lo toan mọi việc. Chị đã làm bất kể việc gì để có gạo, cơm cho hai mẹ con. Mẹ con lần hồi rồi cũng qua được những tháng ngày lận đận. 
10 tuổi nhưng mọi sinh hoạt Phúc Liên đều dựa vào mẹ nuôi.
 
Năm lên 7 tuổi, chị được người làng làm cho đôi thùng nhỏ để đi gánh nước thuê. Người làng thương tình trả cho khi cân gạo, khi ít tiền để mẹ con đùm bọc nhau. Chị nói, từ khi lớn lên chị không biết mẹ mình cao thấp thế nào, hình ảnh quen thuộc và gắn bó nhất với chị là một chiếc ghế gỗ thấp và hai đôi dép (dành cho hai chân và hai tay) để mẹ đi lại. 
 
Dẫu cuộc sống khổ cực nhưng chị vẫn quyết tâm đến trường, vừa đi học, vừa đi làm thuê, từ việc giặt giũ, gánh nước đến mò cua, bắt ốc hay đi gặt, đi cấy... chị không nề hà. Học hết THPT, chị mở một quán ăn bình dân bán cơm, cháo, phở để mưu sinh và phụng dưỡng mẹ già. 
 
Thời trẻ, chị cũng ưa nhìn, lại tháo vát, đảm đang nên nhiều người đến xin cưới hỏi nhưng vì mẹ chị khước từ tất cả. Năm 1977, chị xiêu lòng với chàng trai làng - người liên tục đi lại năn nỉ xin “cho anh được cùng nuôi mẹ”. Đám cưới giản dị và hạnh phúc ngọt ngào khi con trai đầu lòng ra đời cuối năm 1978. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, khi con trai 2 tuổi người chồng cạn nghĩa, bạc tình đã bỏ mẹ con chị để lo cho cuộc sống riêng của mình. 
 
Nghĩ số phận mình đen đủi nên mới 27 tuổi, xuân sắc đang độ chín nhưng chị quyết ở vậy để nuôi mẹ, nuôi con. Chị được đền đáp phần nào khi con trai trưởng thành và được làm việc trong môi trường quân đội. 
Ông Hoàng Đức Trì - Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ cho biết: Hôm trước, đại diện Bệnh viện Nhi Nghệ An đến xã nhờ xác nhận hoàn cảnh gia đình chị Hường để hỗ trợ tiền viện phí, tiền ăn cho hai mẹ con, tôi nói hoàn cảnh này thì tôi có thể xác nhận mấy chục lần cũng được. Tôi chưa thấy người phụ nữ nào vất vả như chị Hường, hơn 40 năm nuôi mẹ bại liệt, chồng bỏ, một thân một mình nuôi con, giờ lại nhận nuôi một đứa con tật nguyền...
 
Còn chị, dù hoàn cảnh éo le, bất hạnh nhưng chưa một lần chị oán thán, cũng không than vãn chuyện tiền bạc, tốn kém. Ước mơ duy nhất của chị là gặp được thầy thuốc giỏi để chữa trị cho Phúc Liên không còn đau đớn, còn bản thân mình, chịu đựng những cơn đau đã quá quen rồi...
 
Bài, ảnh: Đạm Phương