(Baonghean) - Với những lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, hàng không, kết nối các trung tâm vùng và của cả nước, TP. Vinh với vai trò trung tâm chính trị, kinh tế - văn hóa của tỉnh đang tiếp tục vươn lên thành “đầu tàu” trên một số lĩnh vực phát triển của các tỉnh Bắc Trung Bộ, đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tạo động lực chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế.
Những năm gần đây, nhịp sống cũng như các hoạt động thương mại ở TP. Vinh nhộn nhịp hơn bởi có thêm nhiều cơ sở buôn bán quy mô lớn, hiện đại xuất hiện bên cạnh các chợ truyền thống. Ngoài các siêu thị cỡ vừa như Maximax, Intimex… trên địa bàn thành phố có nhiều trung tâm thương mại lớn dành cho bán buôn và bán lẻ, nổi bật nhất là siêu thị Metro và BigC, đây đều là những thương hiệu lớn trên thế giới. Đơn cử như hệ thống siêu thị BigC được đặt tại tầng 1 đến tầng 4 có diện tích sàn 17.600 m2 thuộc tòa tháp cao 20 tầng của Tổ hợp VINCENTRA nằm ở vị trí đắc địa của TP. Vinh, giáp các trục đường Quang Trung và Trần Phú, rất thuận lợi cho mua bán.
Hệ thống siêu thị BigC hoạt động kinh doanh theo mô hình “Đại siêu thị”, là hình thức kinh doanh bán lẻ hiện đại được Tập đoàn Casino (Tập đoàn mẹ của siêu thị BigC) triển khai và đưa vào hoạt động trong những năm qua đã tạo ra không gian mua sắm mới, hiện đại cho người dân TP. Vinh và các địa phương khác. Tại siêu thị, phần lớn không gian được dành cho hàng tiêu dùng và thực phẩm với các ngành hàng chính như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc và phụ kiện, hàng điện gia dụng, vật dụng trang trí nội thất. Bà Trần Thị Châu – phường Lê Mao, TP. Vinh cho biết: “Không gian mua sắm của siêu thị Big C đáp ứng cơ bản nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là các loại thực phẩm khô. Bên cạnh đó, siêu thị cũng có nhiều chương trình khuyến mãi phục vụ khách hàng nên chúng tôi rất hài lòng”.
Thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh có 39 siêu thị, trong đó TP. Vinh với 16 siêu thị. Đối diện siêu thị Big C là chợ Vinh – một trung tâm buôn bán có bề dày lịch sử, gắn liền với những biến thiên của lịch sử cũng như chặng đường phát triển của TP. Vinh. Bà Trần Thị Minh Cầm – tiểu thương chợ Vinh cho biết: “Gia đình tôi qua nhiều đời buôn bán ở chợ Vinh. Nơi đây là chợ đầu mối không chỉ của TP. Vinh, tỉnh Nghệ An mà nhiều tỉnh trong khu vực Bắc Trung bộ. Mặc dù có những giai đoạn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn duy trì nghề buôn bán ở đây…”. Trước sự phát triển của các siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn TP. Vinh, chợ Vinh chịu sự cạnh tranh gay gắt, lượng khách vào mua hàng giảm. Ông Tô Thanh Nhân – Trưởng Ban Quản lý chợ Vinh cho biết thêm: “Chợ Vinh vẫn là trung tâm đầu mối cung cấp hàng hóa cho địa bàn TP. Vinh và nhiều huyện, thị trong tỉnh Nghệ An và cả tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, do một thời gian xây dựng lại và cạnh tranh của các loại hình siêu thị nên lượng khách vào mua sắm giảm khoảng 50% so với thời điểm cách đây mấy năm. Chúng tôi cùng các hộ kinh doanh đang nỗ lực thu hút lượng khách trở lại…”.
Hiện nay, hệ thống chợ của TP. Vinh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về cơ sở hạ tầng và mô hình quản lý. Theo thống kê của UBND TP.Vinh, đến hết năm 2013, trên địa bàn thành phố có 25 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1 là chợ Vinh và chợ Ga, 3 chợ hàng 2, 14 chợ hạng 3 và 6 chợ tạm. Về phân cấp quản lý, TP. Vinh quản lý 2 chợ hạng 1, còn lại các chợ hạng 2, 3, chợ tạm, chợ cóc do UBND phường, xã quản lý. Có 3 HTX chợ; có 4 chợ do doanh nghiệp đầu tư, khai thác và quản lý và 4 HTX được giao đầu tư, quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Tổng số quầy ốt, điểm kinh doanh tại các chợ là 9.600 với tổng số hộ kinh doanh đến hết năm 2013 là 8.952 hộ.
Hệ thống chợ đã giải quyết việc làm cho hơn 10.600 người. Theo đánh giá, mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố được quy hoạch, xây dựng khá phù hợp với quy mô dân số ngày càng tăng, đảm bảo nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và nhu cầu tiêu dùng của khu vực dân cư. Hệ thống chợ không chỉ giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động mà còn đóng góp cho ngân sách nhà nước, tạo sự kết nối, thông thương giữa các vùng, miền. Ngoài hệ thống chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, trên địa bàn TP.Vinh có nhiều tuyến đường buôn bán chuyên doanh như: đường Nguyễn Thị Minh Khai với chuỗi các cửa hàng, siêu thị điện tử, viễn thông; đường Trần Phú kinh doanh các mặt hàng nội thất, trang trí, đồ gỗ… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, có thể thấy, trên địa bàn TP. Vinh vẫn còn thiếu những trung tâm mua sắm thực sự đẳng cấp, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và những người có thu nhập cao.
Những bước phát triển năng động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ của TP. Vinh là nền tảng để thành phố bứt phá mạnh mẽ hơn. Nghị quyết số 26 – NQ/TƯ, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 cũng chỉ rõ: “Xây dựng Thành phố Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghệ - thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo; cùng với TX. Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng kinh tế và mũi nhọn tăng trưởng của tỉnh”. Qua một năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực thương mại và dịch vụ của TP. Vinh vẫn có mức phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn ước đạt hơn 8.100 tỷ đồng tăng 18,9% so với cùng kỳ.
Thành phố tiếp tục khẳng định và là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đơn cử như Trung tâm mua sắm Nguyễn Kim Nghệ An của Tập đoàn Nguyễn Kim với tổng mức đầu tư 550 tỷ đồng, được triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong quý III/2015. Qua trao đổi, ông Trần Quang Lâm - Trưởng Phòng Kinh tế, UBND TP. Vinh cho biết: Theo điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn 2050, TP. Vinh có tổng diện tích quy hoạch là 250 km2. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 900.000 người. Bên cạnh đó, đặt trong tổng thể kết nối vùng của khu vực như khu kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ; Nam Nghệ - Bắc Hà Tĩnh, lĩnh vực thương mại, dịch vụ của TP. Vinh có rất nhiều tiềm năng, cơ hội và động lực để phát triển. Đó cũng một trong những định hướng lớn để xây dựng thành phố trong giai đoạn tiếp theo, hướng tới trở thành trung tâm thương mại của khu vực Bắc Trung bộ.
Bài, ảnh:Nhật Lệ