(Baonghean.vn) - Vấn đề ô nhiễm môi trường tại các điểm giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Vinh hiện đang là một thực trạng nhức nhối, nhất là trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Mặc dù đã có nhiều ý kiến phản ánh của người dân nhưng vấn đề này vẫn chưa được các cấp chính quyền thực sự quan tâm.
 
Tại điểm giết mổ của gia đình ông Nguyễn Hoàng Trà, tổ dân cư số 5, khối Phúc Lộc, phường Vinh Tân (TP Vinh) chúng tôi chứng kiến khung cảnh bừa bộn, loang lổ những vũng tiết lợn, mỡ lợn, chất thải của lợn, vây quanh là đủ các loại rác thải. Bên cạnh khu vực giết mổ này là khu chuồng để tạm nhốt hàng chục con lợn với đủ các loại uế tạp, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
 
Một số hộ dân có nhà liền kề điểm giết mổ trên cho biết: Điểm giết mổ gia súc này hoạt động từ lâu, trước đây mỗi ngày có một xe tải to chở hàng chục con lợn chạy thẳng vào trong xóm, sau đó họ mở cửa xe và lùa lợn vào chuồng. Chuồng lợn cách xa đường nên lợn chạy tứ tung, kêu la ầm ĩ, tiếng người gọi nhau í ới, chất thải rơi vãi ra khắp dọc đường rất mất vệ sinh, gây cản trở giao thông và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do người dân sinh sống xung quanh điểm giết mổ phản ánh nhiều nên bây giờ họ đỗ xe ở bãi đất trống cuối xóm, sau đó cho xe tải nhỏ chở lợn vào nhà. Hàng ngày, tầm khoảng 16h chiều là có từ 2 đến 3 chiếc xe tải nhỏ chở hàng chục con lợn về. Cao điểm là tầm từ 2h – 5h sáng, cả xóm bị náo loạn bởi những âm thanh hỗn tạp do hoạt động giết mổ khiến người dân sống xung quanh không ngày nào được yên giấc.
 
Trên địa bàn phường Vinh Tân hiện có 6 điểm giết mổ gia súc và gần 100 điểm giết mổ gia cầm. Trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm đang bùng phát mạnh, thế nhưng, các điểm giết mổ này lại thường xuyên đổ nội tạng, chất thải gia súc, gia cầm lẫn với rác thải sinh hoạt. Nước thải của quá trình giết mổ thì “tống” thẳng xuống cống nước thải của phường mà không qua xử lý. Ngày nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, ngày mưa chất bẩn từ dưới cống tràn ra cả lòng đường, nhất là vào mùa mưa lũ, phường Vinh Tân là địa bàn thấp trũng của thành phố, nước mưa lâu ngày gây ứ đọng, cộng thêm các loại rác, nước thải từ hoạt động giết mổ dềnh lên khỏi cống tràn vào cả nhà dân gây đủ thứ bệnh ngoài da do người dân tiếp xúc lâu ngày với loại nước bẩn này. Những hộ dân xung quanh các điểm giết mổ luôn phải sống trong cảnh bầu không khí bị ô nhiễm vì mùi hôi hám, tanh nồng và mối lo ngại tiềm ẩn từ nguy cơ dịch bệnh.
 
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh – Phó Chủ tịch UBND phường Vinh Tân cho biết: Thời gian qua, phường nhận được nhiều đơn thư phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ dân cư trên địa bàn. Phường đã thành lập đoàn kiểm tra và phát hiện nhiều điểm giết mổ thải nước, rác thải trực tiếp xuống mương mà không qua xử lý và đã lập biên bản nhắc nhở. Tuy nhiên, hiện nay phường cũng gặp một số khó khăn do trên địa bàn không có lò giết mổ gia súc tập trung nên vẫn phải để các hộ dân giết mổ gia súc, gia cầm tại gia đình.
 
Theo thống kê của Trạm thú y TP Vinh, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 60 điểm giết mổ gia súc và hàng trăm điểm giết mổ gia cầm tại hộ gia đình. Phần lớn các hộ dân này nuôi nhốt, giết mổ gia súc, gia cầm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Riêng địa bàn xã Nghi Phú có hơn 30 điểm giết mổ gia súc tại hộ gia đình với trung bình trên 100 con/ngày. Trên địa bàn xã hệ thống mương thoát nước chưa đồng bộ nên nước thải trong quá trình giết mổ được các hộ dân xả thẳng ra vườn, tràn cả ra lòng đường gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.
 
Anh Nguyễn Tiến Đức – Trạm trưởng Trạm thú y thành phố Vinh cho biết: Trước đây UBND TP Vinh đã lập đề án quy hoạch xây dựng 6 lò giết mổ gia súc tập trung trên địa bàn thành phố nhằm huy động các hộ dân đưa gia súc vào giết mổ tại lò vừa thuận lợi cho công tác kiểm dịch, vừa đảm bảo vệ sinh ATTP và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ xây dựng được 2 lò ở xã Nghi Phú và xã Hưng Chính. Hiện tại lò giết mổ gia súc ở xã Nghi Phú do Doanh nghiệp tư nhân Trường Lan làm chủ chỉ mới thu hút được rất ít hộ dân tham gia. Nguyên nhân chính theo anh Đức đó là do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa triệt để vận động bà con đưa gia súc vào giết mổ tập trung.

815263_small_96190.jpg

                          Người dân đưa lợn vào giết mổ tại lò Hưng Chính
 
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú nói: Sở dĩ lò giết mổ tập trung không thu hút được bà con tham gia đó là do hoạt động giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố hiện nay chưa đồng bộ. Hiện tại một số phường, xã chưa có lò giết mổ tập trung nên người dân ở những địa bàn này vẫn được giết mổ gia súc tại gia đình. Người dân xã Nghi Phú cho rằng nếu họ đưa vào lò giết mổ tập trung thì sẽ bị thiệt thòi vì phải đóng lệ phí giết mổ cho chủ lò.
 
Qua tìm hiểu một số điểm giết mổ gia súc tại những địa bàn chưa xây dựng được lò giết mổ tập trung như: Vinh Tân, Nghi Kim, Hưng Dũng, Hưng Hòa thì chúng tôi được biết tâm lý chung của người dân là họ ngại vận chuyển gia súc đi xa. Ví dụ như ở Nghi Kim, Hưng Dũng mà vận chuyển lợn đến lò giết mổ gia súc ở Nghi Phú thì vừa mất thời gian lại vừa tốn kém về kinh phí. Sau khi giết mổ xong, quá trình vận chuyển thịt ra chợ sẽ gặp khó khăn nhất là những khi thời tiết nắng nóng, thịt mau bị ôi thiu, trời mưa lạnh thì vất vả cho người kinh doanh.
 
Anh Đức cho biết thêm, trên địa bàn TP Vinh hiện nay trên 70% sản phảm gia súc gia cầm qua giết mổ bày bán trên thị trường do các huyện lân cận đổ về. Vì vậy, công tác kiểm dịch gia súc, gia cầm chủ yếu làm được đầu “ngọn” chứ chưa làm được đầu “gốc”, nguy cơ lây lan dịch bệnh do hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tại hộ gia đình rất cao. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát thịt “bẩn” từ các địa bàn khác đổ về còn gặp nhiều khó khăn do lực lượng thú y mỏng, trang thiết bị thiếu, chủ yếu bằng cảm quan là chính nên ở các chợ vẫn có rất nhiều thịt “bẩn” được bày bán làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu dùng của người dân.
 
Thiết nghĩ, để đảm bảo kiểm soát vệ sinh ATTP từ gốc, thành phố cần xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để lực lượng thú y đến kiểm soát gia súc, gia cầm trước khi tiến hành giết mổ. Việc tồn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ sẽ là trở ngại rất lớn cho công tác kiểm dịch khi mà nguồn nhân lực làm công việc này đang thiếu và yếu. Các cơ quan chức năng cần có giải pháp sát thực hơn nữa trong việc lập quy hoạch, thiết kế xây dựng các lò giết mổ tập trung, kiên quyết hơn trong xử lý các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư.