Theo thống kê, trên địa bàn TP.Vinh có 503 cơ sở hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT. Trong đó có 328 cơ sở thuộc 7 ngành nghề như dịch vụ cầm đồ; karaoke; lưu trú; massage… thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT và quản lý của Công an thành phố.
Theo Thượng tá Hoàng Duy Hà – Phó trưởng Công an thành phố Vinh, hoạt động tại các cơ sở kinh doanh này vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Quá trình thực hiện các nghiệp vụ công tác, Công an thành phố đã phát hiện, bắt giữ 75 vụ với 163 đối tượng, trong đó đã khởi tố hình sự 35 vụ, 56 đối tượng và xử lý vi phạm hành chính 10 vụ, 50 đối tượng.
Cụ thể trong hoạt động karaoke vẫn tồn tại hoạt động mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ vũ khí thô sơ, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích trong đó.
Hay lĩnh vực lưu trú cũng có hoạt động mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy và đánh bạc, mại dâm. Và trong hoạt động massage cũng có hoạt động mại dâm trá hình.
Ngoài vấn đề nêu trên, cũng theo Phó trưởng Công an thành phố Hoàng Duy Hà, hiện nay, đối với dịch vụ cầm đồ, mặc dù qua kiểm tra sổ sách, hợp đồng cầm cố tài sản, cho vay tiền không thể hiện mức lãi cao, nhưng thực tiễn có tình trạng lãi suất “cắt cổ”.
Một số cơ sở cầm đồ không cần thế chấp tài sản mà chỉ cần có giấy tờ hoặc số điện thoại là có thể vay tiền. Qua kiểm tra, đã phát hiện có hơn 500 sinh viên cầm cố thẻ sinh viên để vay tiền từ các hiệu cầm đồ.
Bên cạnh dịch vụ cầm đồ, thì hiện nay còn có thêm một loại hình mới, đó là dịch vụ tư vấn tài chính chỉ cần có giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp là được hoạt động, chưa có quy định quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.
Liên quan đến dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tài chính, theo Trung tá Nguyễn Thị Thanh Hoa - Đội trưởng Đội CSQLHC về trật tự xã hội, Công an thành phố Vinh, hiện trên địa bàn thành phố có 65 cơ sở - đây là lĩnh có nhiều tiềm ẩn cho vay với lãi suất cao, hoạt động đòi nợ thuê.
Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn giám sát đã đặt ra nhiều vấn đề, như có hay không tình trạng lực lượng công an bảo kê cho các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, hoặc tình trạng chủ cơ sở cầm đồ thay đổi tài sản được thế chấp, cầm cố của chủ tài sản? Đó là công tác quản lý 23 cơ sở kinh doanh không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Trần Đình Toàn ghi nhận sự tích cực triển khai nhiều biện pháp, giải pháp của Công an thành phố về quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT; song thực tiễn đang báo động và tiềm ẩn nhiều hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm phát sinh. Bởi vậy, trong thời gian tới đề nghị Công an thành phố tiếp tục tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật.
Đi vào một số ngành, nghề cụ thể, Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị công an thành phố cần nghiên cứu và tham mưu cho công an tỉnh triển khai các giải pháp nghiệp vụ để nắm bắt các cơ sở cầm đồ có hiện tượng cho vay với lãi suất “cắt cổ”, xiết nợ, đòi nợ thuê, kể cả cho cầm cố, thế chấp cả tài sản do phạm tội mà có để xử lý theo đúng pháp luật. Cùng với đó là tăng cường quản lý để hạn chế các mặt trái trong loại hình kinh doanh karaoke, kinh doanh lưu trú, massage…
Công an thành phố cần tăng cường giáo dục và quản lý cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT.