Chiều 11/1, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền làm trưởng đoàn giám sát của đoàn ĐBQH tỉnh làm việc với Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An.
Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Thanh Lê Ngày 2/6/2016, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị tỉnh Nghệ An được chuyển đổi hình thức thành Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An. Tính đến cuối tháng 11/2017, vốn điều lệ của công ty là gần 37 tỷ đồng, trong đó tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm 80,8%; cổ phần ưu đãi chiếm 9,32%; cổ phần cam kết chiếm 9,47%; cổ phần phổ thông chiếm 0,41%.
Là đơn vị hoạt động công ích, sau chuyển đổi mô hình, công ty từng bước nỗ lực vượt qua khó khăn đi vào ổn định kinh doanh dịch vụ và đã bắt đầu có lãi, quy mô hoạt động ngày càng được mở rộng. Tổ chức chính trị, chế độ sinh hoạt đảng, vai trò tổ chức công đoàn được duy trì và phát huy, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Kiến nghị với đoàn giám sát, ông Hoàng Văn Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, sau CPH doanh nghiệp được tăng một số quyền chủ động nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều bởi doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh nhưng tỉnh lại giao cho TP. Vinh quản lý toàn diện, về chuyên môn chịu sự quản lý các sở, ngành, nặng nề bao cấp.
Ông Khanh cho biết, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, công ty đã có nhiều phương án sắp xếp người lao động, giải quyết dôi dư 42 người; đồng thời kiến nghị Nhà nước cần quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị cho lĩnh vực môi trường bởi rác thải sinh hoạt đang ngày càng quá tải.
Ông Khanh đơn cử, trung bình một ngày đêm có gần 500 tấn rác thải khu vực TP. Vinh, Cửa Lò đổ về khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên nhưng chỉ có một máy ủi rác. Công ty đề xuất nhiều lần nhưng TP. Vinh chưa có kinh phí đầu tư.
Ông Hoàng Văn Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị đề xuất chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Ảnh: Thanh Lê Trong điều kiện nguồn lực đầu tư của Nhà nước hạn chế, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An thúc giục Nhà nước cần phải thoái vốn nhanh để thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư máy móc, cơ giới hóa vào công tác vệ sinh môi trường, giảm sử dụng lao động, tăng năng suất hiệu quả công việc; tăng quyền chủ động cho doanh nghiệp.
Ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh cũng chia sẻ quan điểm, về lâu về dài Nhà nước cần thoái vốn để tăng tính cạnh tranh, doanh nghiệp chủ động, người dân thành phố sẽ được hưởng các dịch vụ tốt hơn.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP. Vinh, địa phương này dự kiến sáp nhập các đơn vị: Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An, Ban quản lý nghĩa trang, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Nghệ An; Công ty Cổ phần Công viên cây xanh thành một đơn vị để tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực môi trường và hạ tầng đô thị.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Thanh Hiền đánh giá: Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An đã thực hiện CPH đúng quy trình, quy định Nhà nước, quan tâm đến đời sống người lao động, bảo tồn vốn sau CPH.
Công nhân Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An dọn vệ sinh tại TP.Vinh. Ảnh tư liệu Thời gian tới, công ty cần xây dựng chiến lược phát triển, làm rõ mô hình hoạt động của đơn vị để tìm giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của công ty; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường; đầu tư áp dụng công nghệ cơ giới hóa, tăng năng suất, tăng tính cạnh tranh, giảm lao động.