(Baonghean)-“Cuộc sống của tôi từng tràn đầy màu xanh hy vọng và màu hồng ước mơ, nhưng tai nạn nghiệt ngã khiến đôi chân không còn đi lại được, trở thành người khuyết tật gắn bó cuộc đời cùng chiếc xe lăn... ”.

Định mệnh nghiệt ngã

Phạm Thị Mỹ Châu (SN 1987) là thí sinh người Nghệ An vừa trở về từ cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2015. Tại cuộc thi này, Châu được đứng vào tốp 10 thí sinh dự thi vòng chung kết, không giành được vị trí cao nhưng với Châu đó luôn là niềm tự hào và động lực để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.

images1445380_1.jpgDù gặp nghịch cảnh nhưng Phạm Thị Mỹ Châu luôn tự tin và yêu đời.

 Trên căn phòng gác 2 ở Khối 6B, Phường Cửa Nam (Thành phố Vinh), cô gái trẻ ấy đang miệt mài với công việc làm hoa. Tạm ngừng tay, Mỹ Châu cho biết: “Ngày Tết sắp đến, khách đã bắt đầu đặt mua hoa nên em phải tranh thủ làm, kẻo sát ngày quá sợ làm không kịp”. Rồi đôi bàn tay nuột nà, khéo léo ấy lại tiếp tục với những cánh hoa pha lê, vừa làm, Châu vừa trò chuyện với khách.

“Đã có lúc em rơi vào tuyệt vọng vì biết mình không thể đi lại bằng đôi chân, việc thích nghi với hoàn cảnh mới thật sự rất khó khăn. Nhưng rồi, được sự quan tâm, sẻ chia của những người thân yêu và bạn bè, em đã xây dựng quyết tâm không đầu hàng số phận”- Mỹ Châu mở đầu dòng tâm sự về cuộc đời mình.

Bức tranh do Phạm Thị Mỹ Châu thêu theo mẫu.

Ngày ấy, cách đây đã 7 năm, Mỹ Châu tròn 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế- tài chính Nghệ An và sắp sửa đi làm, phía trước hứa hẹn bao điều tốt đẹp. Trên đường lên Thanh Chương thăm người bạn thân, chiếc xe gặp tai nạn, Châu bị thương nặng. Bác sỹ kết luận Châu gãy 2 đốt sống lưng (đốt sống thứ 7 và thứ 8), đồng nghĩa với việc 2 chân sẽ bại liệt.

Phạm Thị Mỹ Châu đã ngất đi tỉnh lại không biết bao nhiêu lần, nghĩ tới cảnh suốt đời ngồi trên chiếc xe lăn, nước mắt Châu dàn dụa, chẳng thiết tha tới việc ăn uống. Châu đau khổ khi nghĩ về tương lai. Bao nhiêu người ở bên động viên, an ủi mong Châu sớm vượt qua nhưng thực tế phũ phàng và khắc nghiệt quá sức chịu đựng với một cô gái trẻ.

Vẻ đẹp "Vầng trăng khuyết"

Những lúc đối diện với chính mình, Châu nghĩ nhiều về cuộc sống xung quanh, nghĩ tới nỗi buồn của bố mẹ, nghĩ tới những người mình từng gặp, trong đó có những người kém may mắn hơn mình nhưng họ vẫn vượt lên chiến thắng số phận. Châu vẫn cảm nhận được sức trẻ và tuổi thanh xuân đang ăm ắp trong tim, những khao khát về cuộc sống bỗng dưng trỗi dậy.

Phạm Thị Mỹ Châu mải miết với việc làm hoa bằng chất liệu pha lê.

Những người bạn đã giúp Châu trở lại với cuộc sống bên ngoài, đưa Châu đến tham gia các cuộc giao lưu mang đầy ý nghĩa, giúp cô cảm thấy tự tin hơn. Dần dần, điều ấy trở thành một nhu cầu tinh thần đối với cô gái trẻ tật nguyền, những cuộc giao lưu đã đem lại cho Mỹ Châu niềm vui và sự yêu đời, là động lực để Châu vượt lên nghịch cảnh.

Mỹ Châu muốn mình có một việc gì đó để làm, vừa bớt được gánh nặng cho bố mẹ, vừa tìm kiếm được nguồn vui, quên đi nỗi đau buồn đang đeo đẳng cuộc đời. Châu học cách thêu tranh, gửi niềm tin yêu và lạc quan cuộc sống vào từng đường kim, mũi chỉ. Những bức tranh của Châu được bạn bè giới thiệu và nhiều người ưa chuộng, thêu được bức nào có người hỏi mua bức ấy.

Hàng ngày Phạm Thị Mỹ Châu dành thời gian cho việc kinh doanh và giới thiệu hàng trên mạng Internet.

Rồi cô gái tật nguyền ấy chuyển sang làm hoa pha lê, những cánh hoa do bàn tay khéo léo của Mỹ Châu làm ra được khách hàng, chủ yếu là giới trẻ đón nhận. Những dịp lễ tết, nhu cầu của khách hàng tăng cao, có lúc làm không hết việc. Công việc vừa có thu nhập, vừa phù hợp với điều kiện sức khỏe, lại có thêm niềm vui, Mỹ Châu ngày càng thêm yêu đời.

Gần đây, cô còn làm quen với việc kinh doanh, giới thiệu hàng trên mạng Internet và tham gia kinh doanh bảo hiểm Prudential. Công việc luôn bận rộn nên không có thời gian để đau buồn, giúp cô gái trẻ thiếu may mắn ấy trở thành con người năng động. Mỹ Châu chia sẻ: “Bây giờ, công việc đã đưa em vào một guồng quay, ở đó em tìm được nguồn vui và niềm hạnh phúc”.

Chị Nguyễn Thị Ngọc (mẹ của Mỹ Châu) luôn bên cạnh và đồng hành với con gái.

Sự tự tin trong các mối quan hệ xã hội đã giúp Phạm Thị Mỹ Châu được lựa chọn trở thành gương mặt đại diện của Việt Nam sang Nhật Bản giao lưu với người khuyết tật của một số nước châu Á vào năm 2014. Tại đây, cô được gặp gỡ, tiếp xúc và chứng kiến những người thiếu may mắn hơn nhưng họ vẫn vươn lên khẳng định mình bằng trí tuệ, tài năng và nghị lực sống.

Năm 2015, Mỹ Châu tham gia cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Đến với hội thi, Châu muốn khẳng định ý chí, bản lĩnh và vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ của một con người xứ Nghệ, đồng thời khẳng định nghị lực và sức mạnh của một người khuyết tật. Đồng thời, mong xã hội mở rộng vòng tay nhân ái để giúp đỡ họ đứng vững giữa cuộc đời.

Phạm Thị Mỹ Châu trong vòng tay gia đình, bè bạn tại cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” (ảnh nhân vật cung cấp).

 Ở phần thi tài năng, Phạm Thị Mỹ Châu đã thể hiện ca khúc “Tình mẹ” của Nguyễn Nhất Huy. Chất giọng sâu lắng, chất chứa bao tình cảm và niềm tri ân công cao người mẹ, Mỹ Châu được khán giả tán thưởng. Châu lý giải: “Em hát bài này vì em luôn biết ơn mẹ, mẹ đã đứng bên cạnh và đồng hành cùng em lúc đau đớn, thất vọng và khi gặt hái niềm vui”.

Mùa Xuân đã bắt đầu “gõ cửa”, không gian đang dần thay sắc mới, nhịp sống muôn nơi đang rộn ràng, náo nức. Trong căn phòng nhỏ của mình, Phạm Thị Mỹ Châu đang tiếp tục mải miết với những bức tranh và bình hoa, đôi bàn tay và tâm hồn trong sáng của cô đang góp phần làm nên một sắc Xuân và mùa Xuân rạng rỡ, như một vầng trăng khuyết đang tỏa sáng. 

Công Kiên

TIN LIÊN QUAN