(Baonghean) - Trong ký ức của nhiều người, xã Nam Trung là vùng quê có nhiều khó khăn, bởi nơi đây nằm trong “rốn lũ” của đất “5 nam”  huyện Nam Đàn. Tuy nhiên, hôm nay, Nam Trung đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những xã đầu tiên ở Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả phản ánh toàn diện nhất sự thay đổi của quê hương giàu truyền thống cách mạng.

Vùng đất “địa linh nhân kiệt”

 
Nam Đàn được biết đến là vùng “địa linh nhân kiệt”.  Riêng Nam Trung (Trung Cần xưa) cũng không nằm ngoài mạch nguồn đó với nhiều danh tướng, lương thân học rộng, tài cao, có công với dân, với nước. Theo sách “Khoa bảng Nghệ An - (1075 - 1919)” do tác giả Đào Tam Tỉnh biên soạn thì Nghệ An có 2 làng nổi tiếng về số người khoa bảng cao, đó là làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu) chiếm 17% tổng số khoa bảng của Nghệ An và làng Trung Cần (huyện Nam Đàn) chiếm 11%.
 
images1446404___nh_trung_c_n___nam_trung__nam___n___nh_tr_n_h_i.jpgĐình Trung Cần - Nam Trung - Nam Đàn. Ảnh : Trần Hải
 
Tính từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX ở xã Trung Cần có 8 vị đậu đại khoa; 16 vị đỗ trung khoa. Tiến sỹ Tống Tất Thắng được coi là người khai khoa cho vùng đất Trung Cần dưới thời Lê, làm quan tới chức Thượng thư bộ lại kiêm Đông Các đại học sỹ; được phong Nghĩa Quận Công, lập nhiều chiến công hiển hách nhằm bảo vệ biên cương, giữ gìn lãnh thổ của đất nước, quê hương. Trung Cần cũng là quê hương của những người con kiệt xuất của dân tộc như Trung Quận công Nguyễn Nhân Mỹ, người có công khôi phục nhà Lê Trung Hưng; Tam thế ngũ hoàng hoa Thượng thư Nguyễn Trọng Thường (đỗ Tiến sỹ năm Nhâm Thìn – 1712),...
 
Trên mảnh đất Nam Trung hôm nay vẫn lưu giữ nhiều Di tích Lịch sử - Văn hóa. Trong đó có 2 di tích được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia, gồm di tích đình Trung Cần và lăng mộ Tiến sỹ Tống Tất Thắng; Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Tiềm – Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên. Có 3 Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh, gồm đình Đông Châu, nhà thờ và khu lăng mộ Nguyễn Nhân Mỹ; đình Dương Liễu. Ngoài ra, các đền Giáp Đông, Giáp Bảo, Lum Tum, Quỳnh Trai..., cũng đã, đang góp phần làm cho người dân Nam Trung thêm tự hào. 
 
Và ở nơi này, từ năm 2010, Nhà lưu niệm cố Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn được xây dựng và vừa được nâng cấp, tôn tạo khang trang nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bộ trưởng cũng trở thành địa chỉ văn hóa, củng cố thêm niềm tự hào, tạo động lực cổ vũ cho nhân dân Nam Trung.
 
Hướng tới giàu mạnh, văn minh.
 
Vào ngày đầu năm 2016, về xã Nam Trung, chúng tôi cảm nhận rõ sự khởi sắc của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng, vùng quê nằm trong “rốn lũ” của huyện Nam Đàn đang vươn lên chuyển mình. Đi một vòng quanh xã, những con đường bê tông trải dài, thay những con đường đất lầy lội. Những nhà cao tầng của trường học, trạm xá, trụ sở làm việc và nhà ở của dân xen lẫn trong những vườn cây xanh ngắt 4 mùa, tạo ra nét chấm phá, điểm xuyến cho bức tranh quê tươi mới. 
 
Bà Hà Thị Minh xóm 10, chia sẻ: “Mấy năm ni, xã chỉ đạo quy hoạch tổng thể từ đường làng, ngõ xóm, trường học, trạm xá, nhà văn hóa khang trang thì việc chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, cải tạo đồng ruộng cũng được chăm lo, cuộc sống của người dân theo đó tăng lên hẳn”. 
 
 
Trường THCS Nam Trung đạt chuẩn.

Đồng chí Đinh Hồng Quang – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nam Trung cho biết: Để triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 06/NQ-ĐU, từ đó UBND xã xây dựng quy hoạch, rà soát thực trạng, xây dựng đề án trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện. Và công tác tuyên truyền, vận động được đi trước, trong đó phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên “làm trước” và vận động nhân dân cùng thực hiện. Theo đó, ngoài vụ lúa xuân, xã tập trung chỉ đạo người dân làm ngô, lạc, rau màu gồm bí đỏ Đông Anh, đậu cô ve, rau cải các lọai và đắp bờ nuôi cá.

Hệ thống GTNT đạt chuẩn.
 
Thông qua chuyển đổi ruộng đất, xã đã dồn đất 5% tập trung về một số vùng để cho người dân nhận khoán. Đã có 24 hộ nhận khoán từ 1 đến 6 ha để làm trang trại, gia trại chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, vịt, ngan, cá và lúa. Điển hình hộ ông Hồ Duy Hiệp ở xóm 7 nhận khoán 3 ha đất sản xuất lúa kết hợp nuôi cá (sản lượng khoảng 2 tấn cá/năm và vịt với quy mô 1.000 con vịt thịt/lứa (mỗi năm 3 lứa). Hay hộ ông Nguyễn Văn Thắng ở xóm 3, nuôi 20 con trâu, 30 – 40 con lợn/lứa; hơn 100 con ngan, kết hợp cá và lúa.
Người dân xã Nam Trung bây giờ cũng đã rất năng động làm nhiều ngành nghề khác để cải thiện và nâng cao đời sống.
Nam Trung có 13 cơ sở sản xuất đồ gỗ đưa lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân.

Hiện tại, ở Nam Trung có tới 20% lao động trong độ tuổi, tương đương 600 lao động làm thợ nề trong và ngoài huyện; hơn 100 lao động tham gia dịch vụ “hai sọt”, ngày ngày thu mua các nông sản do người dân trong xã và các xã lân cận sản xuất “xuôi” xuống thị trường Vinh. Nghề mộc truyền thống với 13 xưởng mộc tiếp tục được mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, thu hút gần 100 lao động tham gia. Nam Trung cũng là địa phương hiện có hơn 500 người đang lao động ở các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở Nam Trung đã được nâng lên, đạt 29,7 triệu đồng/năm (cuối năm 2015), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,4%.  

 
Kinh tế phát triển, điều kiện thuận lợi để huy động sức dân, gắn với tranh thủ tốt sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp, con em xa quê đóng góp để địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng. Nam Trung cũng là địa phương đạt chuẩn quốc gia về y tế và xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2014 cùng với 3 xã điểm đầu tiên của huyện Nam Đàn. 
 
Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, liên tục, là nền tảng để tạo sự phát triển cao hơn. Bởi vậy, trở thành xã nông thôn mới đang là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Trung tiếp tục thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, xứng danh với quê hương giàu truyền thống cách mạng và khoa cử, mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”. 
Mai Hoa