Các tác phẩm siêu anh hùng như “Captain America: Civil War”, “Deadpool”, “Doctor Strange”… xứng đáng nằm trong danh sách những phim hành động hay nhất năm qua.
Captain America Civil War: Bom tấn siêu anh hùng của Marvel Studios hiện không chỉ là tác phẩm đạt doanh thu phòng vé toàn cầu cao nhất năm, mà còn nhận được nhiều lời khen ngợi từ cả khán giả lẫn giới phê bình. Tập hợp nhiều siêu anh hùng đình đám trong “cuộc nội chiến” không thể tránh khỏi vì xung đột lý tưởng, Civil War chứa đựng kịch bản hấp dẫn, cùng hàng loạt những trường đoạn hành động hoành tráng, mãn nhãn. Với chất lượng tổng thể vượt trội, đây xứng đáng là siêu phẩm hành động tốt nhất năm qua. Deadpool: Giữa hàng loạt tác phẩm siêu anh hùng ra mắt liên tục mỗi năm, Deadpool bỗng nổi lên như hiện tượng thú vị. Là dự án hiếm hoi thuộc thể loại bị dán nhãn R, phim ngập tràn chi tiết hài hước thô tục, những cảnh hành động máu me tàn bạo, cùng nhân vật chính bất cần, cá tính. Tuy có kinh phí khiêm tốn, Deadpool vẫn mang tới cho khán giả nhiều cảnh hành động ấn tượng, kịch tính, và rốt cuộc thu hơn 700 triệu USD toàn cầu. Doctor Strange: Tác phẩm chính thức giới thiệu thế giới ma thuật với những phù thủy, pháp sư sở hữu quyền năng pháp thuật vô song, có thể thực hiện nhiều điều không tưởng trong vũ trụ phim siêu anh hùng Marvel. Đạo diễn Scott Derrickson thỏa sức sáng tạo, tận dụng tối đa hiệu ứng kỹ xảo để mang đến cho khán giả những trường đoạn hành động kỳ ảo, xóa bỏ mọi giới hạn về vật lý và bẻ cong các khái niệm không gian, thời gian trong Doctor Strange. Operation Mekong: Đại diện của nền điện ảnh Hoa ngữ mang đến cho khán giả một góc nhìn của cuộc chiến chống ma túy ở khu vực Tam Giác Vàng, Đông Nam Á. Câu chuyện phim không mới, cũng không theo sát sự thật, nhưng Operation Mekong thực sự là bữa đại tiệc hành động thịnh soạn, không hề thua kém phim Hollywood. Các trường đoạn giao đấu, rượt đuổi, cháy nổ xuất hiện dày đặc, có tốc độ cao và được đạo diễn Lâm Siêu Hiền chăm chút kỹ lưỡng. Batman v Superman: Dawn of Justice: Tác phẩm gây tranh cãi từ khi ra mắt bởi tông màu đen tối, kịch bản lê thê, lối dựng phim rối rắm, nhưng không ai có thể phủ nhận Batman v Superman của đạo diễn Zack Snyder thua kém về mặt hành động. Những trường đoạn giao đấu giữa Người Dơi với Siêu Nhân, giữa hai siêu anh hùng cùng Wonder Woman với Doomsday, khiến người hâm mộ truyện tranh DC nức lòng bởi quy mô hoành tráng. Chỉ cần có những bước tiến nhất định trong kịch bản, loạt phim siêu anh hùng của DC và Warner Bros. chắc chắn sẽ có cơ hội bắt kịp đối thủ Marvel Studios. Jason Bourne: Không ít nhà phê bình cho rằng lý do để chàng điệp viên mất trí nhớ trở lại trong câu chuyện mới là “bôi vẽ” và “tầm phào”. Nhưng đạo diễn Paul Greengrass và tài tử Matt Damon vẫn giữ vững phong độ trong các trường đoạn hành động, dù họ đã già đi gần 10 tuổi kể từ sau The Bourne Ultimatum (2007). Tiếp tục là những pha cận chiến bạo liệt, chân thực, những cuộc rượt đuổi xe hơi điên rồ, Jason Bourne hoàn toàn xứng đáng có tên trong top các phim hành động hay nhất năm. X-Men Apocalypse: Bom tấn X-Men mới của Fox không được lòng giới phê bình bởi cốt truyện cũ kỹ, cùng nhân vật phản diện “nói nhiều hơn là làm”. Song, các cảnh hành động đa phong cách của Apocalypse vẫn đủ khiến cho khán giả cảm thấy giải trí, mãn nhãn khi thưởng thức. Trường đoạn khó quên nhất của bộ phim chính là lúc Quicksilver (Evan Peters) giải cứu toàn bộ học viên của Giáo sư X khỏi vụ nổ kinh hoàng. The Magnificent Seven: Tuy không còn trong thời kỳ huy hoàng, dòng phim hành động cao bồi Viễn Tây vẫn được nhắc tới trong năm nay với đại diện là The Magnificent Seven. Làm lại từ tác phẩm kinh điển cùng tên năm 1960, phim là hành trình giải cứu một thị trấn nhỏ khỏi sự áp bức đến từ một gã tư bản của bảy tay súng lang thang, nghĩa hiệp. Nhắm đến đối tượng khán giả hiện đại, đạo diễn Antoine Fuqua đơn giản hóa nội dung, tăng cường các pha hành động đấu súng, cưỡi ngựa trên bầu không khí phấn khích. Hardcore Henry: Dự án đầu tay của đạo diễn Ilya Naishuller là một trong những tác phẩm hành động độc đáo nhất từng được thực hiện trong nhiều năm qua. Toàn bộ Hardcore Henry được thể hiện qua góc nhìn thứ nhất của nhân vật chính có tên Henry, nên khán giả chỉ thấy những gì anh ta thấy. Điều đó khiến người xem có cảm giác như đang được chơi trò chơi, trực tiếp tham gia những trường đoạn hành động điên rồ, máu me, bạo lực diễn ra liên tục. Star Trek Beyond: Kinh nghiệm thực hiện ba tập Fast & Furious nay được đạo diễn Justin Lin áp dụng ra ngoài không gia ở Star Trek Beyond. Các pha hành động trong phim kéo dài, đa dạng về thể loại, bối cảnh, chứ không chủ yếu diễn ra ngoài vũ trụ như hai tập gần nhất. Việc thêm thắt những tình tiết như “drift” phi thuyền có thể khiến Star Trek Beyond đi chệch khỏi phong cách truyền thống của thương hiệu, nhưng đó là cách để ê-kíp sản xuất tiếp cận đối tượng khán giả trẻ hiện đại. Theo Zing