(Baonghean) - Một tuần lễ đầy đau buồn vừa xảy đến với người dân London, Anh, khi trận hỏa hoạn lịch sử đã “nuốt” trọn tòa nhà gần 50 tuổi và châm ngòi bùng lên cơn giận dữ của dân chúng với chính quyền. Trái ngược với luồng nhiệt ở xứ sương mù là sự lạnh nhạt thổi vào mối quan hệ mới được hâm nóng chẳng bao lâu giữa Mỹ và Cuba.
Hỏa hoạn kinh hoàng ở London
Một tòa nhà 24 tầng được xây dựng từ những năm 1970, do Hội đồng thành phố London sở hữu và chịu trách nhiệm quản lý, tu sửa, bất ngờ chìm trong biển lửa vào rạng sáng ngày 14/6, khi hầu hết cư dân nơi đây đều đang say giấc. 30 người đã thiệt mạng, dù lực lượng cứu hỏa đã nỗ lực hết sức để giành giật từng mạng sống với tử thần. Ngọn lửa quái ác không những đã nuốt chửng tòa nhà, gieo vào lòng người London nỗi đau khôn xiết, mà sau đó, đã làm dấy lên cơn thịnh nộ và chỉ trích của dân chúng đối với giới chức xứ sở sương mù.
Lửa giận của lòng dân lên đến đỉnh điểm sau khi xuất hiện nguồn tin cho hay Tháp Grenfell - hiện trường vụ hỏa hoạn, nơi cư ngụ của khoảng 600 người trong 120 căn hộ - trước thời điểm xảy ra vụ cháy đã ở trong tình trạng kém an toàn, và giới chức hội đồng thành phố đã tảng lờ những lời phàn nàn, khiếu nại của cư dân về các vi phạm an toàn. Theo thông tin mới nhất, những tấm vật liệu cách nhiệt mới được lắp đặt tại tòa tháp 24 tầng nhiều khả năng đã khiến trận hỏa hoạn lan nhanh hơn từ tầng này sang tầng khác. Hôm 16/6, trang tin Guardian của Anh cũng cho hay, các nhà thầu đã lựa chọn lắp đặt loại vật liệu rẻ hơn, tính chống cháy kém hơn trong đợt tu sửa tòa nhà hồi năm ngoái. Ngay sau đó, hàng trăm người biểu tình đã ồ ạt di chuyển về tòa thị chính địa phương ở Kensington và Chelsea, một số người thậm chí còn tìm cách xông vào tòa nhà hội đồng nhưng đã bị cảnh sát và lực lượng an ninh ngăn lại.
Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng không tránh khỏi sự chỉ trích dữ dội của dân chúng. Trở lại hiện trường vụ cháy một ngày sau khi bị lên án là thiếu lòng trắc ẩn, do không thăm hỏi người dân trong lần đầu tiên đến tòa nhà xảy ra hỏa hoạn, đón bà Theresa May là những lời la ó không ngừng chẳng hạn như “Thật đáng hổ thẹn!”, “Kẻ hèn nhát”… Thậm chí, giới chức đã phải ngăn đám đông quá khích khi chiếc xe chở Thủ tướng May rời khỏi nhà thờ địa phương, nơi bà gặp gỡ những người còn sống, các cư dân và tình nguyện viên. Theo tờ DW của Đức, khoảng 1.400 người cũng đã diễu hành qua Tòa nhà Quốc hội và các cơ quan chính phủ khác tại Westminster, khiến giao thông ùn tắc. Đám đông còn hướng về khu nhà của bà May trên Phố Downing, đòi nữ Thủ tướng từ chức.
Tuy nhiên, “bà đầm thép” xứ sương mù vẫn bình tĩnh ứng phó với tình hình, nhanh chóng công bố thành lập quỹ trị giá 5 triệu bảng Anh để hỗ trợ khẩn cấp, mua thực phẩm và quần áo cho những người dân ngụ tại tháp Grenfell. “Những người chịu ảnh hưởng từ tấn thảm kịch này cần sự bảo đảm rằng chính phủ luôn hiện hữu bên cạnh họ trong thời gian khủng khiếp này - và đây là điều tôi quyết tâm thực hiện”, bà chủ số 10 phố Downing nhấn mạnh. Gói hỗ trợ nói trên sẽ bao gồm lời hứa bố trí nhà cửa cho người dân càng gần nơi trước đây họ sống càng tốt, và ít nhiều động thái này cũng được kỳ vọng sẽ xoa dịu lửa giận của cư dân trong tòa Tháp Grenfell - nằm trong khu lao động giữa một trong những khu vực sầm uất bậc nhất London.
Quan hệ Mỹ - Cu ba “Đóng băng”
Trong một bài diễn văn tại Miami trước kỳ nghỉ cuối tuần, ông chủ Nhà Trắng Donald Trump đã tuyên bố các lệnh hạn chế đối với việc đi lại của người dân Mỹ đến Cuba, đồng thời cũng cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ các thỏa thuận kinh doanh của Mỹ với láng giềng mới khôi phục quan hệ ngoại giao cách đây chưa lâu.
Trump cho biết đã hủy bỏ cái mà ông gọi là “thỏa thuận khủng khiếp và sai lầm” của cựu Tổng thống Barack Obama với La Habana. “Có hiệu lực ngay tức thì, tôi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hoàn toàn mang tính một chiều của chính quyền trước với Cuba”, Trump nói trước đám đông tại khu dân cư người Mỹ gốc Cuba ở Miami. Tuy “may mắn” là nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa cắt đứt quan hệ ngoại giao được khôi phục hồi năm 2015 với quốc gia láng giềng, song vị Tổng thống xuất thân doanh nhân cũng thẳng thừng nói rằng các đòn trừng phạt của Mỹ sẽ không được gỡ bỏ cho tới khi Cuba trả tự do cho các tù nhân chính trị và tổ chức các cuộc bầu cử tự do.
“Né” được các đòn trừng phạt mới là các chuyến tàu du lịch và bay thương mại trực tiếp Mỹ-Cuba mới được nối lại gần đây. Tương tự, thỏa thuận mới liên quan đến việc quản lý một khách sạn lịch sử ở La Habana vẫn được phép tiếp tục tiến hành. Người Mỹ cũng sẽ vẫn được phép mang về nhà số lượng rượu rum và xì gà không hạn định, miễn là nhằm mục đích sử dụng cá nhân. Tuy nhiên, quan điểm của chủ nhân mới tòa Bạch ốc có thể sẽ áp đặt nghiêm khắc hơn lệnh cấm du khách Mỹ tới Cuba.
Đây sẽ là một bất lợi lớn cho ngành công nghiệp không khói của Cuba, bởi tính đến cuối tháng 5 vừa qua, theo cơ quan thống kế quốc gia của hòn đảo xinh đẹp, khoảng 300.000 người dân Mỹ đã tới thăm Cuba trong năm 2017, tương đương với con số của toàn bộ năm 2016. Không chỉ dừng lại ở đó, chỉ thị của Trump cũng sẽ tìm cách ngăn việc đồng USD được sử dụng trong các giao dịch của chính phủ và doanh nghiệp với Tập đoàn các doanh nghiệp kinh doanh của lực lượng vũ trang Cuba - vốn đang hoạt động trong hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế quốc đảo vùng Caribe.
Hiện Chính phủ Cuba chưa đưa ra lời bình luận nào ngay sau bài diễn văn của ông Trump, nhưng khách quan đánh giá, đây vốn là tín hiệu không mấy tích cực trong sợi dây quan hệ song phương. Người ta lo lắng đặt câu hỏi, với những động thái của mình, phải chăng Trump sẽ trở thành nhân vật biến di sản của người tiền nhiệm Obama thành “đống tro tàn”, khiến quan hệ Mỹ-Cuba băng giá trở lại sau thời kỳ nồng ấm chưa lâu?
Thu Giang