Chiến thuật tạo kịch tính
Tương lai chính trị của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2024 theo Hiến pháp hiện hành luôn là đề tài nóng hổi khi bàn về nền chính trị Nga. Tương lai đó phần nào trở nên rõ ràng hơn sau phiên họp của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga hôm thứ Ba vừa rồi. Tại đây, Hạ viện Nga đã thông qua đề xuất sửa đổi Hiến pháp về việc bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ đối với Tổng thống Vladimir Putin, cụ thể là tính lại số nhiệm kỳ giữ chức tổng thống của mọi cá nhân về “0” từ sau năm 2024. Điều này cho phép ông Putin tiếp tục chạy đua vị trí Tổng thống thêm ít nhất 2 nhiệm kỳ 6 năm nữa. Người đưa ra đề xuất là một nhân vật rất được kính trọng tại Nga là bà Valentina Tereshkova - người phụ nữ đầu tiên bay vào không gian, hiện là Nghị sĩ Nga.
Quả thực đây là một động thái khá đột ngột nếu không muốn nói là “gây sốc” với các nhà quan sát quốc tế và có lẽ với chính người dân Nga. Còn nhớ, hồi tháng 1 năm nay, sau khi đọc Thông điệp liên bang, Tổng thống Putin nói rằng “việc nắm quyền trọn đời vốn phổ biến vào cuối thời Liên Xô sẽ không thể giải quyết nhiệm vụ chuyển giao quyền lực và ổn định đất nước”. Ông cũng khẳng định sẽ không làm “tổng thống trọn đời” khi có nhiều đồn đoán cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp là nhằm dọn đường cho ông duy trì quyền lực. Khi đó, người ta dự đoán rằng ông có thể đóng vai trò như Chủ tịch Hội đồng Nhà nước hoặc thậm chí tranh cử Nghị viện để trở thành Thủ tướng - vị trí mà ông từng nắm giữ giai đoạn 2008 - 2012 sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên hoặc cũng có thể lặng lẽ rời Điện Kremlin.
Tuy nhiên, sau động thái mới nhất tại Hạ viện, khả năng được nhắc đến nhiều nhất là việc Tổng thống Putin có thể sẽ trở thành “Tổng thống trọn đời”, nếu ông đắc cử thêm 2 nhiệm kỳ liên tiếp nữa và sẽ chỉ “nghỉ hưu” ở tuổi 83. Điều đáng nói nhất là lần này, không phải ông Putin đưa ra đề xuất sửa đổi Hiến pháp mà từ phía Nghị sĩ và Quốc hội. Điều này mang lại tính khách quan cho điều khoản Hiến pháp sửa đổi và ông Putin sẽ không bị mang tiếng là “níu giữ quyền lực” kể cả khi ông ra tranh cử sau năm 2024.
Mặc dù sự kiện bất ngờ vào hôm thứ Ba dường như mở ra một hướng đi mới cho ông Putin, nhưng vẫn còn đó những câu hỏi mơ hồ về tương lai chính trị của nhà lãnh đạo này. Trong bài phát biểu của mình, mặc dù ủng hộ đề xuất cải cách Hiến pháp theo hướng “tính lại số nhiệm kỳ Tổng thống” song ông không hề khẳng định việc sẽ tranh cử Tổng thống sau năm 2024 đồng thời kết thúc bài phát biểu một cách đầy gợi mở: “Tôi chắc chắn rằng, chúng ta sẽ làm được nhiều điều tuyệt vời hơn nữa, ít nhất là đến năm 2024. Còn sau đó hãy chờ xem”.
Một số học giả gọi ngày 15/1/2020 là ngày ông Putin mở màn “Chiến dịch 2024” khi ông tuyên bố sẽ có một cuộc sửa đổi đáng kể nhất đối với Hiến pháp Nga kể từ năm 1993, trong đó có việc trao quyền nhiều hơn cho Quốc hội, nâng cao hơn vai trò của Hội đồng quốc gia…. Và ngày 10/3 là một bước ngoặt trong “chiến dịch” cho thấy những tính toán của nhà lãnh đạo này vô cùng khó đoán định, có thể chuyển hướng và tung ra những “quân bài” bất ngờ vào bất cứ lúc nào. Không ai có thể hiểu toàn bộ ý định đằng sau những thông báo hồi tháng 1 của ông Putin và những gì vừa diễn ra tại Hạ viện. Chỉ có một cách giải thích là động thái kịch tính vừa rồi nằm trong nỗ lực tạo ra các lựa chọn khác nhau cho nhà lãnh đạo Nga sau thời điểm năm 2024.
“Cá cược” bằng khủng hoảng?
Được đánh giá là một nhà chính trị sắc sảo, Tổng thống Putin luôn lựa chọn thời điểm tốt nhất để đưa ra những thông báo mang tính định hướng cho nền chính trị Nga. Động thái ngày 10/3 cũng không ngoại lệ. “Tùy thuộc vào phản ứng của dư luận, các rủi ro ở thời điểm nhất định, khi đó ông mới đặt cược vào chiêu bài trong ngắn hạn…”. Nhận định của một cố vấn lâu năm của Putin dường như cũng đúng trong trường hợp này. Nước Nga đang ở trong một giai đoạn khó khăn, nhất là về kinh tế. Giống như phần còn lại của thế giới, Nga đang đối phó với dịch Covid-19 và những tổn thương về kinh tế đi kèm dịch bệnh này. Đáng ngại hơn, Nga hiện đang trong một cuộc chiến giá dầu với Saudi Arabia đe dọa ảnh hưởng đến nguồn thu chính của Điện Kremlin.
Một số chuyên gia cho rằng, Tổng thống Putin đang cá cược bằng những cuộc khủng hoảng này và cho rằng đây là thời điểm nước Nga cần một sự ổn định về chính trị hơn bao giờ hết. Một yếu tố nữa khiến duy trì niềm tin của ông Putin chính là sự ủng hộ của người dân. Theo một cuộc thăm dò của Lavada mới đây, tỷ lệ ủng hộ của người dân đối với ông có sụt giảm so với năm 2014 khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea nhưng vẫn ở mức cao: 68%. Đa số người dân Nga tin rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nước Nga đã vượt qua những giai đoạn khó khăn và thách thức, đương đầu với những đối thủ “khó chịu” như Mỹ, đồng thời lấy lại vị thế quốc tế từ những “điểm nóng” của thế giới như Trung Đông hay Venezuela…Tâm lý này của người Nga sẽ là “lá bài” đảm bảo cho việc Hiến pháp sửa đổi sẽ được thông qua vào ngày 22/4 như dự kiến.
Ngoài ra, việc tạo ra các lựa chọn cho tương lai chính trị của mình, ông Putin cũng gián tiếp gửi thông điệp tới giới tinh hoa Nga - những người có thể tạo ra sự biến động chính trị lớn trong trường hợp ông “nghỉ hưu” - rằng ông sẽ không để việc tranh giành quyền lực tạo ra những bất ổn và phá hoại những di sản trong 2 thập niên cầm quyền của ông.
Nhiều nhà quan sát cho rằng, những sửa đổi trong Hiến pháp được thông báo hồi tháng 1 và ngày 10/3 vừa qua cho thấy ông Putin khá khôn khéo và thận trọng trong việc lựa chọn tương lai cho chính mình. Những gì được đề xuất sửa đổi trong Hiến pháp sẽ cho ông thêm sự linh động và nhiều lựa chọn hơn để tiếp tục là nhà lãnh đạo của Nga, cho dù là ở bất cứ vai trò và vị trí nào mà ông chọn sau năm 2024.