(Baonghean) - Trong 2 ngày (9, 10/2), Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm đầu tiên trong 10 năm qua tới Thủ đô Cairo của Ai Cập. Chuyến công du không chỉ là cú hích mạnh mẽ cho quan hệ song phương Nga - Ai Cập trên mọi lĩnh vực mà còn mang những thông điệp địa chính trị cho Mỹ, trong bối cảnh Washington đang là đối trọng của Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và quan hệ đồng minh Mỹ - Ai Cập đang nguội lạnh. Liệu Nga và Ai Cập sẽ siết chặt tay nhau đến mức nào và mối quan hệ này sẽ tác động ra sao đến các mối quan hệ địa chính trị?
Bước tiến dài đến Trung Đông - Bắc Phi
Về phía Nga, cuộc khủng hoảng Ukraine dẫn tới mối quan hệ căng thẳng với Mỹ và châu Âu cùng các lệnh cấm vận ngặt nghèo là động lực đầu tiên để Nga tiến gần hơn với Ai Cập. Trước hết về mặt kinh tế, Ai Cập là quốc gia đông dân nhất thế giới Arab cũng là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm của Nga. Có thể nói, nông nghiệp đang là một trong những lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai nước, khi Ai Cập là nước nhập khẩu lớn nhất sản phẩm lúa mì của Nga còn Nga nhập khẩu rất nhiều các mặt hàng rau, củ quả từ Ai Cập. Theo Tổng thống Putin, nhiều tập đoàn năng lượng - nhiên liệu, hóa học, sản xuất ô tô của Nga hiện rất quan tâm đến thị trường Ai Cập. Nhìn tổng thể, kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2014 vừa qua đã đạt 4,5 tỷ USD và dự kiến có thể cao hơn trong những năm tiếp theo.
Không chỉ hợp tác tốt đẹp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, hiện Nga và Ai Cập đang có những hợp đồng quân sự trị giá 3,5 tỷ USD gồm nhiều máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, tên lửa phòng không và nhiều loại vũ khí hiện đại khác. Ai Cập cũng đang là một khách hàng tiềm năng cho mua hệ thống tên lửa phòng không tầm xa của Nga. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn do các lệnh cấm vận của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng rubble giảm giá, giá dầu chưa cải thiện thì các dự án hợp tác từ nông nghiệp cho đến mua bán vũ khí với Ai Cập đều là những nước cờ “cứu thua” cho nền kinh tế Nga hiện nay.
Thế nhưng không chỉ vậy, Tổng thống Putin còn đặt ra mục tiêu chiến lược khác trong chuyến công du Ai Cập lần này, đó là mở rộng tầm ảnh hưởng của Nga tới quốc gia đông dân nhất thế giới Arab. Đây là bước đi vừa tạo dấu ấn ngoại giao, khôi phục lại vị thế và ảnh hưởng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, vừa là thông điệp gửi tới Mỹ và EU. Rõ ràng, việc thắt chặt quan hệ với Ai Cập - vốn là đồng minh thân cận của Mỹ chắc chắn sẽ là “đòn tâm lý” mà ông Putin muốn gửi tới Washington.
Tăng cường xúc tiến ngoại giao
Nếu như Nga đạt được nhiều mục đích chiến lược thì Ai Cập cũng không thiệt thòi khi thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với Nga. Những lợi ích từ mặt kinh tế, thương mại với Nga là chuyện hiển nhiên mà giới lãnh đạo Ai Cập đã sớm nhận thấy. Đặc biệt, trong lĩnh vực du lịch, Ai Cập là một trong những địa điểm hấp dẫn nhất đối với du khách Nga. Vào năm ngoái, hơn 3 triệu người Nga đã thăm Ai Cập - tăng hơn 50% so với năm 2013. Hay trong lĩnh vực quốc phòng, hiện Ai Cập đang quan tâm đến các hệ thống phòng không, các loại vũ khí chính xác, tên lửa hành trình tấn công và máy bay chiến đấu của Nga. Trong bối cảnh nguồn cung từ Mỹ bị gián đoạn và tiềm lực tài chính eo hẹp thì các hợp đồng với Nga với giá ưu đãi sẽ là lựa chọn đúng đắn của Ai Cập lúc này.
Cũng không thể bỏ qua mục tiêu địa chính trị của Ai Cập trong mối quan hệ với Nga. Làm nóng quan hệ với Nga - quốc gia vốn có ấn tượng tích cực tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi sẽ giúp cho Ai Cập tăng cường hơn nữa tiếng nói và vai trò trong khu vực. Bởi vậy, trong chuyến công du lần này của Tổng thống Putin, hai bên cũng đã tập trung thảo luận về tình hình Iraq, Syria và Libya cũng như cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Giới phân tích cũng cho rằng, chuyến thăm của ông Putin bắt đầu một chương mới trong chính sách đối ngoại của Ai Cập. Theo đó, Nga sẽ là một đối tác trọng tâm trong nỗ lực cân bằng quan hệ với các cường quốc trên thế giới, trong bối cảnh quan hệ giữa Ai Cập với đồng minh Mỹ đang nguội lạnh.
Thông điệp nóng gửi tới các cường quốc
Với những điều kiện vô cùng thuận lợi như vậy, có lẽ quan hệ Nga - Ai Cập sẽ ngày càng nồng ấm hơn. Biểu hiện là Ai Cập mới đây cho hay, Cairo sẵn sàng tăng cường giao hàng nông nghiệp cho Nga thêm 30%. Trong một diễn biến khác, trong chuyến thăm Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đến Nga vào tháng 8/2014, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí xem xét khả năng tạo lập một khu vực thương mại tự do giữa Ai Cập và các nước thuộc Liên đoàn thuế nhập khẩu. Không chỉ vậy, Tổng thống Nga Putin mới đây còn cho biết, Nga và Ai Cập sẽ sớm bỏ đôla Mỹ và dùng nội tệ trong thương mại song phương trong tương lai không xa. Giới quan sát nhận định rằng, quan hệ Nga - Ai Cập ấm lên sẽ không chỉ khiến Mỹ và các nước châu Âu nhìn lại các chính sách ngoại giao tại Trung Đông - Bắc Phi. Chắc chắn, các cường quốc với những lợi ích địa chiến lược tại khu vực này cũng không thể ngồi yên. Có lẽ, dư luận sẽ chuẩn bị được chứng kiến những chuyến công du chiến lược mới, rất có thể định hình lại các mối quan hệ quốc tế trên bản đồ địa chính trị toàn cầu hiện nay.
Phương Hoa