Đại học và Trung tâm Nghiên cứu Wageningen (Hà Lan) vừa phát triển một công nghệ cho phép cải tạo những khu vực đầm lầy (ước tính chiếm khoảng 6% diện tích Trái đất) thành nguồn cung cấp năng lượng tái sinh hữu dụng. Các nhà khoa học tin rằng công nghệ mới của họ có thể sử dụng để cung cấp điện cho các khu vực hẻo lánh.

786125_small_86681.jpg

Không giống như khí sinh học (tạo ra bằng cách lên men các chất thải sinh học), hệ thống tổng hợp điện có tên Plant-Microbial Fuel Cell giúp tạo ra điện năng mà không hề ảnh hưởng tới tốc độ phát triển hay làm hại tới môi trường sống của cây xanh. Hệ thống này tận dụng tới 70% vật liệu hữu cơ được sản xuất thông qua quá trình quang hợp. Đây là những chất mà cây xanh không sử dụng tới và được thải xuống đất thông qua bộ rễ. Các chất thải này bị những vi khuẩn tự nhiên trong đất phá vỡ và giải phóng phế phẩm là các điện tử (electron). Bằng cách đặt thêm một điện cực gần chỗ các vi khuẩn hoạt động để hấp thu các electron, nhóm nghiên cứu có thể tạo ra điện.

Dù công nghệ Plant-Microbial Fuel Cell hiện chỉ tạo được 0,4 Watt điện/m2 đất có cây xanh che phủ, nhưng các chuyên gia khẳng định cách này vẫn tổng hợp nhiều điện hơn việc sản xuất nhiên liệu sinh học có nguồn gốc động thực vật (biomass - gồm trấu, mạc cưa, gỗ vụn, rơm rạ, phân súc vật…). Họ cũng tin tưởng trong tương lai, hệ thống này khi được hoàn thiện có thể tổng hợp điện năng với công suất khoảng 3,2 Watt điện/m2, nghĩa là một mái nhà có diện tích 100m2 phủ đầy cây xanh có thể cung cấp đủ điện năng cho một gia đình có mức tiêu thụ điện trung bình 2.800 kWh /năm.


Theo (Gizmag) – V.T