Công bố kết quả trên tạp chí Nature, các nhà khoa học Mỹ cho biết đã tiến hành phân tích khoảng 94.000-96.000 gen của cây lúa mỳ. Kết quả cho thấy bộ gen của loài cây nông sản quan trọng này lớn gần gấp 5 lần bộ gen của con người. Các gen của loại cây này là một bộ gen ba, phản ánh tính di truyền của cây lúa mỳ từ thế hệ con đã 8.000 năm tuổi.
(Nguồn: qdfeed.com)
Nhóm nghiên cứu cho biết việc giải mã thành công bộ gen của lúa mỳ sẽ mở ra cơ hội giúp các nhà nhân giống lai tạo ra các giống cây trồng có khả năng chịu lũ lụt, hạn hán, đất nhiễm mặn tốt hơn, mang lại sản lượng cao hơn.
Giáo sư về khoa học cây trồng Jan Dvorak thuộc Đại học California, Davis (Mỹ) cho biết: "Công trình này đưa chúng tôi tiến gần hơn tới việc nhận diện một bộ gen toàn diện và chi tiết của lúa mỳ. Dù bộ gen chưa được giải mã hoàn toàn song hiện các nhà khoa học có thể đọc DNA nhanh gấp hàng trăm lần hệ thống đang được sử dụng để lập trình hệ gen của con người."
Lúa mỳ cùng với lúa và ngô là một trong ba cây nông sản chủ đạo cung cấp nguồn lương thực chính cho toàn cầu.
Ông Dvorak cho biết dân số thế giới dự kiến sẽ tăng từ 7 tỷ lên 9 tỷ vào năm 2050. Một điều rõ ràng rằng, nếu không có thêm đất để canh tác thì việc phải phát triển những giống cây trồng cho năng suất cao hơn mới có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực đang ngày càng tăng cao.